Xây dựng thương hiệu nông sản là vấn đề cấp bách
VOV.VN - Việt Nam luôn tự hào là đất nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, như: Gạo, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thuỷ hải sản... nhưng hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng thương hiệu, vấn đề cấp bách
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên nêu lên một nghịch lý là, giá gạo Việt cao nhất thế giới, gạo Việt đã đạt giải ngon nhất thế giới, nhưng người nông dân trồng lúa lại chưa thể giàu, chưa có được mức lợi nhuận tương xứng với vị thế của ngành cũng như với công sức mà họ bỏ ra.
Một nghịch lý nữa là, sầu riêng giống Musang King thương hiệu từ Malaysia trồng tại Việt Nam được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng R16 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém nhưng giá cao nhất chỉ 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/6 đến 1/8 so với sầu riêng nước bạn.
Chúng ta luôn tự hào là đất nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, như: Gạo, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thuỷ hải sản... nhưng hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta luôn tự hào rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chiếm gần 15% sản lượng toàn cầu. Nhưng nếu nói về độ nhận diện, chúng ta hầu như không có. Câu hỏi lớn nhất lúc này là "Cà phê Việt ở đâu trên bản đồ thế giới?".
Những câu chuyện điển hình này đã nói lên sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh. Thế nên mong muốn lớn nhất là làm thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân Việt Nam.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới; nhiều Hiệp định song phương, đa phương Việt Nam ký kết với các thị trường lớn có hiệu lực, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản, thế mạnh của Việt Nam rất lớn thì vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), cho rằng: từng chủ thể cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu có ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu quốc gia, việc này đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía.
Theo ông Thành: "Thực sự để làm được đòi hỏi trách nhiệm từ doanh nhân, doanh nông cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị quản lý nhà nước, những hiệp định thương mại song phương, đa phương... Tôi cũng mong muốn vai trò của tham tán thương mại quan tâm hơn nữa để nâng tầm được thương hiệu Việt nói chung chứ không gì thương hiệu của nông sản của Việt Nam".
Làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý để làm nên thương hiệu đầu tiên, nông sản Việt phải sẵn sàng một số yếu tố như: chất lượng, vùng nguyên liệu, công nghệ bảo quản… để có thể phục vụ xuất khẩu toàn cầu.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết: "Để tạo được thương hiệu quốc gia thì trước mặt chúng ta phải rà lại chất lượng. Đơn cử như ở Newzealand có trái Kiwi; ở Mỹ có trái Táo… Mặc dù ở nước họ có rất nhiều trái cây nhưng họ chỉ chọn ra một trái để xây dựng thương hiệu làm nên biểu tượng trái cây quốc gia. Ở Việt Nam chúng ta thì chưa làm được, trái nào chúng ta cũng cho là ngon và nhất hết".
Dưới góc nhìn một số chuyên gia, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Nếu muốn thay đổi vị thế nông sản Việt, cần có những chiến lược cụ thể. Làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị đó./.