Xem livestream và “đi chợ” trên smartphone mỗi ngày sao cho tốt

VOV.VN - Những “Mega live” bạc tỷ, hàng chục phiên livestream mỗi ngày trên các sàn thương mại điện tử như TikTok shop, Shopee…với rất nhiều đơn hàng được chốt đã chứng tỏ sự phát triển của việc mua sắm trực tuyến. 

Với nhiều bạn trẻ, việc mua sắm, “đi chợ” gần như hoàn toàn trên các nền tảng này. Tuy nhiên, cùng với những điểm tích cực, thuận tiện của thương mại điện tử đem lại, việc mỗi ngày tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ xem livestream, thức khuya để chốt deal hời, thanh toán đơn hàng online đến mất kiểm soát về tài chính... là điều mà nhiều bạn trẻ phải tự chấn chỉnh mình.

Dành quá nhiều thời gian để chốt đơn “sinh lời”

Cụm từ như “săn deal hời”, “áp voucher, mã freeship”… đã không còn xa lạ trong mua sắm trực tuyến hiện nay. Gần đây, có thêm cụm từ “Mega live” phổ biến trong các phiên bán hàng trực tiếp trên nền tảng TikTok, với mục tiêu đưa ra là doanh thu tiền tỷ cho mỗi phiên. Các “Mega live” được thực hiện bởi những người bán hàng vốn là các KOL, KOC và sản phẩm bán ra với mức giá thấp nên rất hấp dẫn.

Và với nhiều bạn trẻ, sinh viên, việc xem mega live, chốt được một sản phẩm có giá rẻ hơn mức bình thường đã trở thành việc không thể thiếu hàng ngày. Các bạn dành hàng giờ đồng hồ vùi mắt vào điện thoại thông minh (smartphone) để xem live, lướt tìm sản phẩm giảm giá…để “tiết kiệm chi tiêu”.

Nguyễn Huỳnh Như, 19 tuổi - một sinh viên đang đi học xa nhà. Mỗi tháng Như được gia đình gửi cho khoảng 10 triệu đồng để chi tiêu nên khá thoải mái và không phải đi làm thêm như nhiều sinh viên khác. Vì vậy, ngoài giờ học chính khóa ở trường, Như có khá nhiều thời gian rảnh rỗi để xem các livestream bán hàng. Rồi dần dà, từ chỗ mua trên livestream để “tiết kiệm chi tiêu”, Như trở thành người “nghiện mua sắm”. Một nửa số tiền ba mẹ gửi hàng tháng được Như dành cho mua sắm và trung bình cô dành 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả đêm khuya để xem TikTok shop, Shopee.

“Nếu như 1 tháng không mua hàng, không mua đồ ăn mình mới có thể để dành tiền tiết kiệm được. Nhưng nếu mua chắc mình sẽ không còn đồng nào, vì tầm 1 tuần là mình lấy hết 10 đơn hàng, có khi không đếm nổi đơn của mình luôn”, Như nói.

Cũng đang là sinh viên và được gia đình hỗ trợ tiền sinh hoạt hằng tháng khi học xa nhà, Huỳnh Hữu Thư, 21 tuổi, mỗi tháng có 3 triệu đồng sinh hoạt phí. 30% số tiền này Thư dùng để mua sắm và thường đồ đạc dùng không hết vì thường khi chốt đơn cứ thấy rẻ là mua.

“Một tháng tiền mua sắm của mình cỡ từ khoảng 700.000 cho đến 1 triệu đồng. Một ngày mình thường hay dành ra 30 phút để xem Shopee, còn TikTok shop xem live khoảng 15 phút. Trên những nền tảng mua hàng đó, mình có thể học hỏi được cách giới thiệu và quảng bá sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau. “Mã giảm giá, freeship” là tiêu chí mình sẽ lựa chọn khi mua hàng”, Thư cho biết.

Như và Thư chỉ là 2 trong rất nhiều bạn trẻ hiện đang biến việc lướt điện thoại để mua sắm trở thành một thói quen, sở thích và làm mỗi ngày trong vô thức. Việc lên những sàn thương mại với nhiều người trẻ trở thành một hình thức giải trí hơi lãng phí về thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe.

Đặt ra nguyên tắc khi “đi chợ online”

Trong cuộc sống hiện đại, thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến là xu thế tất yếu và ngày càng phát triển. Người tiêu dùng, trong đó có người tiêu dùng trẻ tìm mua được những món đồ cần thiết khi được nhà phân phối, nhà vận chuyển hỗ trợ, để có mức giá tốt nhất là một cách mua sắm thông minh. Mỗi một nền tảng mua sắm online có một thế mạnh riêng, có đối tượng khách hàng riêng, điều đó tạo nên sự đa dạng hình thức trong lĩnh vực mua sắm.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc đến việc cố theo dõi một phiên bán hàng trực tiếp vài tiếng đồng hồ chỉ để mua một món đồ rẻ hơn giá thị trường vài ngàn hay vài chục ngàn đồng. Đồng thời, phải làm chủ được mình khi theo dõi các phiên bán hàng, để đừng bị rơi vào tình trạng “chốt đơn trong vô thức”, mê mải mua sắm đến mức khi giật mình nhìn lại thấy mình quá lãng phí.

Anh Phạm Đức Minh, giảng viên ở một trường cao đẳng cho biết, anh thường xuyên tư vấn cho sinh viên của mình cách để là người tiêu dùng thông minh khi mua sắm online. Đó là, nên tập cách liệt kê ra những món đồ mà mình cần mua, sau đó nghiên cứu nhanh gọn và tìm cho mình những chương trình khuyến mãi phù hợp và nhất định chỉ mua trong danh sách đó, không phát sinh. Theo anh Minh, mỗi bạn trẻ cần hiểu rõ nhu cầu của mình, để bản thân không bị cuốn vào vòng lặp “chốt đơn”, “săn deal”.

“Về nguyên tắc, người bán hàng phải chạy deal và chạy quảng cáo để thu hút người mua. Khách hàng có trở thành người người tiêu dùng thông minh hay không, cần có kế hoạch trích bao nhiêu phần trăm dành cho khoản mua sắm online. Từ đó mình biết được sản phẩm nào cần cho nhu cầu thực tế, không phải lướt theo kiểu vô bổ, thấy cái nào deal lớn, deal sốc là mua, không dùng tới cũng mua”, anh Minh phân tích.

Cũng là khách hàng của các nền tảng bán hàng trực tuyến, anh Đinh Văn Thành, 24 tuổi, là một người trẻ đã có công việc ổn định vẫn mua sắm kỹ lưỡng, tiết kiệm. Theo anh Thành, làm như thế cũng chính là trân trọng đồng tiền mình kiếm ra. “Một tháng mình chỉ mua sắm khoảng 1 triệu đồng, có tháng mình còn không chi tiêu gì. Vì thế mỗi tháng mình có thể để dành tiết kiệm từ 3- 4 triệu đồng”, anh Thành chia sẻ.

Mua sắm trực tuyến có rất nhiều ưu điểm, chỉ cần người tiêu dùng kiểm soát được khả năng tài chính, thời gian và nhu cầu của bản thân. Lời khuyên là mỗi người nên vạch ra những giới hạn chi tiêu cho việc mua sắm, sử dụng thời gian mua sắm online hợp lý để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và không mua sắm một cách lãng phí.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Livestream bán hàng “bùng nổ” làm tăng nhu cầu mua sắm online
Livestream bán hàng “bùng nổ” làm tăng nhu cầu mua sắm online

VOV.VN - Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng rất dễ dàng tương tác với người bán về thông tin và chất lượng sản phẩm, hóa giải mối lo ngại mỗi khi họ muốn tiếp cận với mua sắm trực tuyến.

Livestream bán hàng “bùng nổ” làm tăng nhu cầu mua sắm online

Livestream bán hàng “bùng nổ” làm tăng nhu cầu mua sắm online

VOV.VN - Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng rất dễ dàng tương tác với người bán về thông tin và chất lượng sản phẩm, hóa giải mối lo ngại mỗi khi họ muốn tiếp cận với mua sắm trực tuyến.

60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online
60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online

VOV.VN - Hiện có đến 60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online. Trong top những người có năng lực tài chính - chi tiêu nhiều nhất, có tới 30 % sử dụng mua sắm online là chính và đóng góp rất lớn cho kinh tế số Việt Nam.

60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online

60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online

VOV.VN - Hiện có đến 60% người tiêu dùng đã tiếp cận hoặc rất yêu thích mua sắm online. Trong top những người có năng lực tài chính - chi tiêu nhiều nhất, có tới 30 % sử dụng mua sắm online là chính và đóng góp rất lớn cho kinh tế số Việt Nam.

Mạng xã hội được tận dụng triệt để trong "hành trình" mua sắm online
Mạng xã hội được tận dụng triệt để trong "hành trình" mua sắm online

VOV.VN - Người mua sắm trên các trang mạng xã hội không chỉ đọc thông tin và quyết định mua ngay, phần lớn họ sẽ sử dụng mạng xã hội trong mọi giai đoạn của hành trình mua sản phẩm.

Mạng xã hội được tận dụng triệt để trong "hành trình" mua sắm online

Mạng xã hội được tận dụng triệt để trong "hành trình" mua sắm online

VOV.VN - Người mua sắm trên các trang mạng xã hội không chỉ đọc thông tin và quyết định mua ngay, phần lớn họ sẽ sử dụng mạng xã hội trong mọi giai đoạn của hành trình mua sản phẩm.