"Xóa sổ" các công ty lâm nghiệp thua lỗ, yếu kém

VOV.VN -Kiên quyết giải thể các công ty lâm nghiệp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài, yếu kém trong quản lý đất đai

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã đến lúc phải tổng kết, đánh giá đúng hiện trạng và nguyên nhân tồn tại để có bước phát triển mới cho loại hình này.

VOV phỏng vấn ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ.


Ông Phạm Quốc Doanh

Vai trò lịch sử của lâm trường quốc doanh

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận  như thế nào về vai trò lâm trường cả trước đây và bây giờ trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước?

Ông Phạm Quốc Doanh: Phải khẳng định rằng, lâm trường quốc doanh (LTQD) đã có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Tựu chung lại có thể đánh giá 3 vai trò chính của lâm trường:

Một là, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, là trung tâm ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với chế biến, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Hai là, quản lý bảo vệ rừng đảm bảo môi trường sinh thái, giữ gìn lá phổi xanh của đất nước.

Ba là, giữ vai trò là trung tâm vùng, tích cực đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tóm lại, lâm trường vẫn giữ một vai trò lịch sử không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đổi mới, sứ mệnh của lâm trường đã khác, buộc phải đổi mới để theo kịp tiến trình phát triển. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã đến lúc phải tổng kết, đánh giá đúng hiện trạng và nguyên nhân tồn tại để có bước phát triển mới cho loại hình này.

PV: Sau 10 năm, qua 3 lần đổi tên từ lâm trường quốc doanh, sang Công ty lâm nghiệp rồi Công ty TNHH một thành viên, song nhiều ý kiến cho rằng lâm trường vẫn chỉ tồn tại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Ý kiến ông thế nào?

Ông Phạm Quốc Doanh: Nếu nói vậy thì chưa thật sự khách quan. Có thể thấy rằng, những cái làm được sau 10 năm thực hiện NQ 28 khá rõ ràng. Trước hết, đã xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, tách bạch chức năng xã hội, nhiệm vụ công ích với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Các LTQD quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển thành Ban quản lý  (đơn vị sự nghiệp có thu); Giải thể các lâm trường thua lỗ kéo dài; các lâm trường quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất và rừng trồng tiếp tục củng cố và chuyển đổi thành Công ty lâm nghiệp, thực hiện luật DN; Các công ty lâm nghiệp chuyển sang Công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Sau khi sắp xếp lại, các Công ty lâm nghiệp đã hoàn thành việc rà soát, làm rõ hiện trạng sử dụng đất, tài sản trên đất, đã xác định cụ thể diện tích cần thiết giữ lại để quản lý sử dụng và tổ chức SXKD; làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và chuyển sang cho thuê đất; diện tích không có nhu cầu thì bàn giao cho địa phương giải quyết cho đồng bào thiếu đất, không có đất sản xuất.

Một số lâm trường đã lập quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch KT-XH của địa phương và quy hoạch 3 loại rừng.

Tuy nhiên, đến nay, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính. Diện tích đất cấp GCNQSDĐ mới đạt trên 50%, diện tích cho thuê đạt hơn 20%.

Yếu kém trong quản lý đất đai dẫn đến tiêu cực

PV: Tại sao sau 10 năm mà chỉ có trên 50% số lâm trường cấp được GCNQSDĐ và cũng mới cho thuê được hơn 20% diện tích? Điều này do đâu, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Doanh: Cái này cũng có tồn tại lịch sử. Trước đây, khi hình thành các lâm trường, việc giao đất, giao rừng chủ yếu trên bản đồ, chứ không trên thực địa nên con số cũng chưa hẳn đã chính xác. Thêm vào đó, nhiều đất rừng ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi, rất khó cho công tác quản lý. Thứ hai, kinh phí cho việc đo đạc, cắm mốc địa giới, dù đã có cố gắng, vẫn không đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Thứ ba, nguyên nhân chủ quan là chính, nhiều lâm trường quản lý đất đai lỏng lẻo, cho thuê, giao khoán không rõ ràng, không đúng quy định. Trong đó không loại trừ nguyên nhân “lợi dụng” kẽ hở trong quản lý đất đai để xảy ra tiêu cực trong giao đất nên không muốn minh bạch quỹ đất. Vì công khai sẽ lộ ra cái sai, cái không đúng quy định.

PV: Việc thiếu minh bạch trong giao đất, không công khai quỹ đất, yếu kém trong quản lý đất đai có phải là nguyên nhân khiến cho tình trạng rừng bị mất nhiều trong thời gian qua không, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Doanh: Đúng như vậy! Nhưng quan trọng hơn chính là chưa gắn được lợi ích của lâm trường với đất và rừng mà họ quản lý. Phải thấy rằng trong nhiều năm, quyền lợi và trách nhiệm của lâm trường không gắn với đất, với rừng nên việc lâm trường “bắt tay” với lâm tặc phá rừng cũng có, làm ngơ cho lâm tặc phá rừng cũng có, thậm chí sợ phải im lặng cho lâm tặc phá rừng cũng có….Tất cả là do cơ chế quản lý chưa phù hợp.

Lấy ví dụ, địa bàn Tây Nguyên, khi chuyển sang hạn chế khai thác cây đứng, chỉ tiêu khai thác rừng luôn thấp hơn nhiều phương án điều chế rừng của lâm trường đưa ra. Thêm vào đó, việc khai thác rừng phải đấu thầu cho các công ty khai thác, tiền nộp về cho tỉnh rồi tỉnh lại phân bổ lại cho lâm trường. Điều này vô hình chung đẩy lâm trường đứng ra ngoài, không gắn quyền lợi và trách nhiệm trong khâu khai thác. Bởi vậy, nhiều  lâm nghiệp chết, không đủ trả lương, bảo hiểm cho người lao động, công nhân xin rời bỏ lâm trường…

Vùng đất rừng tranh chấp tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng 

Tranh chấp đất đai phức tạp, bùng nhùng, khó giải quyết

PV: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề đất đai trong các lâm trường, vì sao có tranh chấp đất đai giữa người dân và lâm trường, giằng co trong cơ chế khoán có phải là nguyên nhân khiến diện tích đất đai tranh chấp tăng cao không?

Ông Phạm Quốc Doanh: Chồng chéo là có. Khi thành lập lâm trường đã không rõ ràng về quỹ đất, không được đo đạc, cắm mốc, phân định ranh giới, lấy cả đất của dân đưa vào lâm trường.

Diện tích đất và rừng bị giao chồng chéo, nhất là giai đoạn những năm 90 thực hiện chủ trương Nhà nước khoán rừng cho hộ gia đình. Triển khai 327, Nghị định 01/TTg một số nơi đã khoán trắng nên người dân lợi dụng cơ hội chiếm đất.

Đồng bào dân tộc tại chỗ cũng lấn chiếm, xâm canh đất do một số diện tích là đất cũ của họ làm nương rẫy từ lâu trên phần đất lâm trường. Rồi tình trạng khi địa phương giao đất cho dân cấp sổ đỏ cũng không thu hồi đất của lâm trường.

Ngoài ra, đất lâm trường không đưa vào sử dụng, hoặc thiếu vốn tái tạo, bỏ hoang hóa nhiều năm hay do quản lý lỏng lẻo trong khi nhu cầu của dân tăng, đất đai ngày càng có giá nên họ lấn chiếm.

Cứ thế, tranh chấp đất đai thêm phức tạp, bùng nhùng, việc giải quyết tranh chấp, lấn chiếm chưa triệt để.

PV: Từ thực tế này, qua điều tra và đánh giá lại toàn bộ hoạt động của lâm trường sau 10 năm thực hiện NQ28, theo ông cần phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt như thế nào mới giúp các lâm trường hoạt động hiệu quả?

Ông Phạm Quốc Doanh: Báo cáo tổng kết 10 năm đổi mới phát triển LTQD đã chỉ ra 3 điểm được và 3 điểm chưa được của LTQD. Trong đó, tồn tại, vướng mắc nhất là Công ty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuât không thể chuyển hẳn sang SXKD theo luật DN được. Vì vậy, để loại hình này hoạt động hiệu quả phù hợp với Nghị Quyết 24 ngày 3/6/2013 của Hội nghị BCHTW Đảng khóa 11 “...sẽ dừng khai thác gỗ tự nhiên”, các Công ty này phải chuyển đổi theo hướng như sau:

Một là, thực hiện sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Công ty thuê đất của nhà nước theo quy định để hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng xen kẽ trong địa giới công ty thì nhà nước bảo đảm kinh phí để quản lý bảo vệ rừng theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm hoặc được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty.

Hai là, thực hiện nhiệm vụ công ích.  Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng thực hiện nhiệm vụ công ích. Ngoài nhiệm vụ công ích, doanh nghiệp thực hiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Được huy động các nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng.

Đối với các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng trồng tiếp tục thực hiện cổ phần hóa. Trước mắt nhà nước giữ 65% trở lên, sau năm 2015 sẽ giảm dần cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết công ty với vùng nguyên liệu trong vùng với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Kiên quyết giải thể các công ty lâm nghiệp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng (thực chất là phát canh thu tô), giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai, sản phẩm làm ra; các công ty không cần thiết phải giữ lại.

Khi giải thể phải xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây), bàn giao đất đai về địa phương quản lý theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người đang nhận khoán, ổn định xã hội tại địa phương.


Trụ sở làm việc của Công ty Gia Nghĩa, nơi quản lý 21.000 hec-ta đất lâm nghiệp

Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ đã được chuyển đổi từ lâm trường, tiếp tục duy trì, củng cố và đổi mới Ban quản lý, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; bảo đảm kinh phí để thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng.

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp cụ thể nhằm rà soát bổ sung chức năng, nhiệm cho các lâm trường, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất, quản lý rừng, đầu tư khoa học công nghệ, tài chính, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đổi với công ty nông lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ.

Có thể nói, đến nay, Nghị quyết 28-NQ/TW đã thực hiện được 10 năm, nhiều cơ chế, chính sách đã có sự thay đổi (đất đai, đầu tư, tín dụng...). Nhiều nội dung về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý cũng đã khác, do vậy cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

PV: Xin cảm ơn ông.

Đến nay, cả nước còn 148 công ty lâm nghiệpthành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ từ 91 lâm trường quốc doanh quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng

Diện tích đất các công ty lâm nghiệp đang quản lý: 2,15 triệu ha. Đã bàn giao về cho địa phương 404 ngàn ha (đạt 18,67%). Diện tích đất thực hiện giao khoán chiếm 30%, diện tích đất liên doanh, liên kết chiếm 1,1%, diện tích đất tự tổ chức sản xuất chiếm 66,5%.

Các công ty đã tiến hành rà soát, làm rõ tài sản, tình hình tài chính, các khoản phải thu, phải trả; chuyển giao các công trình kinh tế - xã hội không phục vụ trực tiếp sản xuất về cho địa phương quản lý. Giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động và dân trong vùng.

Đến nay, bình quân 1 công ty lâm nghiệp có tổng giá trị tài sản: 27,1 tỷ  đồng, vốn chủ sở hữu 11,7 tỷ đồng, vốn điều lệ 9,6 tỷ đồng; tổng doanh thu 17,2 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,9 tỷ đồng. Năm 2011có 109 công ty lãi (chiếm 77,8%), bình quân lãi 1,86 tỷ đồng/công ty.

Thu nhập bình quân của người lao động được nâng cao và của người dân được cải thiện. Các công ty lâm nghiệp thuộc tổng công ty Giấy, Lâm nghiệp và một số địa phương đạt 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, còn lại nhiều công ty phổ biến 2-3 triệu đồng/người/tháng./.

 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xóa sổ 76 sân  golf,  thu hồi trên 15.600 ha đất
Xóa sổ 76 sân golf, thu hồi trên 15.600 ha đất

(VOV) -Đây là các dự án sân golf vi phạm về tiến độ đăng ký, triển khai chậm và không hiệu quả.

Xóa sổ 76 sân  golf,  thu hồi trên 15.600 ha đất

Xóa sổ 76 sân golf, thu hồi trên 15.600 ha đất

(VOV) -Đây là các dự án sân golf vi phạm về tiến độ đăng ký, triển khai chậm và không hiệu quả.

Giữ nông dân ở lại với đất - cách nào?
Giữ nông dân ở lại với đất - cách nào?

VOV.VN - Giá đỡ nền kinh tế trước hết phải đỡ được cho chính những người tạo dựng ra nó

Giữ nông dân ở lại với đất - cách nào?

Giữ nông dân ở lại với đất - cách nào?

VOV.VN - Giá đỡ nền kinh tế trước hết phải đỡ được cho chính những người tạo dựng ra nó

Đất lâm trường:  Nghịch lý thiếu-thừa
Đất lâm trường: Nghịch lý thiếu-thừa

VOV.VN - "Vấn đề tranh chấp, lấn chiếm về đất đai ở các lâm trường quốc doanh chưa được đặt lên đúng tầm với mức độ của nó"

Đất lâm trường:  Nghịch lý thiếu-thừa

Đất lâm trường: Nghịch lý thiếu-thừa

VOV.VN - "Vấn đề tranh chấp, lấn chiếm về đất đai ở các lâm trường quốc doanh chưa được đặt lên đúng tầm với mức độ của nó"

Luật Đất đai: Vẫn cẩn trọng với việc thu hồi đất
Luật Đất đai: Vẫn cẩn trọng với việc thu hồi đất

VOV.VN -Còn nhiều điều khoản vẫn chờ hướng dẫn của Chính phủ. Quy định đó làm sao không để lợi ích nhóm lợi dụng, chi phối.

Luật Đất đai: Vẫn cẩn trọng với việc thu hồi đất

Luật Đất đai: Vẫn cẩn trọng với việc thu hồi đất

VOV.VN -Còn nhiều điều khoản vẫn chờ hướng dẫn của Chính phủ. Quy định đó làm sao không để lợi ích nhóm lợi dụng, chi phối.