Xử lý nghiêm nợ đọng thuế tăng nguồn thu ngân sách

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách, trong đó nhấn mạnh đến việc xử lý nợ đọng thuế của các doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 và việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm cân đối thu chi nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tăng nguồn thu từ giải quyết nợ đọng thuế

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) khi bàn về vấn đề xử lý nguồn thu ngân sách đã nhận định: Báo cáo của Chính phủ có nêu rõ ngân sách Trung ương năm 2015 hụt thu 31.300 tỷ đồng và Chính phủ có đề xuất cho sử dụng 10.000 tỷ đồng bán bớt cổ phần nhà nước trong doanh nghiệp để bổ sung nguồn thu.

“Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ đề xuất này, cá nhân tôi chưa thoả mãn vì rất nhiều cử tri phản ánh, nếu sử dụng số tiền này kiểu như vậy thì không khác gì ăn vào nguồn vốn cố định. Mục đích của việc bán bớt cổ phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp để chuyển vốn đầu tư vào sử dụng có hiệu quả hơn, không phải để chi tiêu”, Đại biểu Hùng nêu quan điểm.

Theo Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, để xử lý vấn đề hụt thu, Chính phủ nên tìm những giải pháp khác. Đại biểu đề xuất 3 giải pháp cụ thể: Giải pháp thứ nhất là tích cực giải quyết các vấn đề nợ đọng thuế. Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Tài chính, số thuế nợ đọng đến nay đang là 76.000 tỷ đồng, trừ đi số bất khả kháng và do khách quan thì vẫn còn trên 30.000 tỷ đồng.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị 3 giải pháp tăng nguồn thu ngân sách.
Đặc biệt, chỉ riêng Liên doanh Dầu khí Vietso Petro đã có khoản nợ thuế khoảng 46 triệu USD  tương đương với gần 2.000 tỷ đồng là nợ và đến thời điểm này chưa nộp vào ngân sách. Đại biểu đề nghị cần có biện pháp để xử lý tốt vấn đề nợ đọng thuế này, góp phần giữ nguyên kỷ cương pháp luật.

Giải pháp thứ 2 là cân đối lại dự toán để cắt giảm các khoản chi có thể cắt được, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm kiến nghị giảm chi đã được kiểm toán nhà nước đề nghị. Theo báo cáo 1218 của kiểm toán nhà nước, giảm chi thường xuyên thời gian qua thấp, năm 2011 giảm chi thường xuyên có 66%, 9 tháng năm 2015 giảm còn 27,2%. Những khoản giảm chi chưa được thống kê cần có thời gian, nhưng những giảm chi được thống kê rõ ràng do kiểm toán đã công bố cần phải được chỉ đạo nghiêm để thực hiện.

Giải pháp thứ ba theo Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng là Chính phủ thực hiện việc tiết kiệm triệt để, tinh giản bộ máy công quyền cùng chi với mức ngân sách thấp hơn, để từ đó có điều kiện bố trí ngân sách.

Còn Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) lại cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, dự toán NSNN năm 2015 có nguồn thu từ dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nên khi giá dầu giảm mạnh dẫn đến hụt thu nghiêm trọng.

Theo Đại biểu Phùng Đức Tiến, mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu đã diễn ra từ năm 2014, giá dầu đã bắt đầu giảm nhưng nhưng khi lập dự toán NSNN năm 2015, chúng ta vẫn tính tỷ trọng thu từ dầu khí trên cơ sở rất cao, gây khó khăn trong việc cân đối các nguồn thu khác bù đắp. Điều đó chứng tỏ công tác lập dự toán ngân sách còn rất bị động, thiếu linh hoạt, việc phân tích dự báo biến động về giá dầu còn sai số quá nhiều so với thực tiễn trên thị trường.

“Việc thu ngân sách ở địa phương vượt 47.000 tỷ đồng do dự toán là điều bất thường. Cần phải làm rõ nguyên nhân, có phải khi lập dự toán NSNN năm 2015, chúng ta không tính được hết nguồn thu thực tế tại địa phương, hay là do những năm trước chúng ta buông lỏng công tác quản lý thu nên bị thất thu?”, Đại biểu Phùng Đức Tiến đặt nghi vấn.

Chống thất thu thuế từ việc chuyển giá của doanh nghiệp FDI

Đề cập đến vấn đề chống thất thu thuế từ các doanh nghiệp FDI lợi dụng việc chuyển giá để trốn thuế, Đại biểu Phùng Đức Tiến nhận định, ngoài những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI gần đây đã xuất hiện hàng loạt sự việc tác động xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó nổi bật là chuyển giá, trốn thuế  tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư.

Theo Đại biểu Phùng Đức Tiến, một số doanh nghiệp FDI thuộc các chi nhánh, các công ty xuyên quốc gia đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để thực hiện chuyển giá bằng cách “lỗ công ty con, lãi công ty mẹ” .

Những thủ thuật lách thuế hay dấu hiệu chuyển giá phổ biến ở các giao dịch có yếu tố người nước ngoài ở tại Việt Nam được thực hiện qua các hình thức: Nâng giá trị tài sản, vốn góp; mua nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào. Sản xuất ở công ty mẹ với giá cao và bán sản phẩm với giá thấp cho công ty con, chuyển giá thông qua chiếm lĩnh thị trường. “Nếu không kiểm soát chặt chẽ được việc này sẽ gây nên thất thoát cho nguồn thu rất lớn”, Đại biểu Phùng Đức Tiến chỉ rõ.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho rằng, để giữ được mức bội chi như Quốc hội cho phép, Đại biểu đồng ý với Chính phủ sử dụng 10.000 tỷ đồng từ bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước và sử dụng 4.100 tỷ đồng từ khoản tiết kiệm chi của các bộ, ngành Trung ương và một phần dự phòng của năm 2015 để xử lý. Đặc biệt là Chính phủ cần phấn đấu tăng thu, nhất là các khoản tồn đọng nợ đọng thuế đến 76.000 tỷ và trong số đó có khoảng 1/2 số thuế nợ đọng sẽ thu được để bù đắp hụt thu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Chi ngân sách như hiện nay không giải quyết được bài toán nợ”
“Chi ngân sách như hiện nay không giải quyết được bài toán nợ”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm chi ngân sách thường xuyên, nếu cứ để tình trạng như hiện nay sẽ không thể giải quyết được bài toán nợ.

“Chi ngân sách như hiện nay không giải quyết được bài toán nợ”

“Chi ngân sách như hiện nay không giải quyết được bài toán nợ”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm chi ngân sách thường xuyên, nếu cứ để tình trạng như hiện nay sẽ không thể giải quyết được bài toán nợ.

“Ngân sách không phụ thuộc vào cổ phần doanh nghiệp”
“Ngân sách không phụ thuộc vào cổ phần doanh nghiệp”

VOV.VN - Đại biểu quốc hội cho rằng, tiền bổ sung từ nguồn thoái vốn DNNN không bao giờ là nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước.

“Ngân sách không phụ thuộc vào cổ phần doanh nghiệp”

“Ngân sách không phụ thuộc vào cổ phần doanh nghiệp”

VOV.VN - Đại biểu quốc hội cho rằng, tiền bổ sung từ nguồn thoái vốn DNNN không bao giờ là nguồn thu chính của Ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội lo ngại mất cân đối thu chi ngân sách
Đại biểu Quốc hội lo ngại mất cân đối thu chi ngân sách

VOV.VN - Nhiều đại biểu lo ngại trước số tuyệt đối về thu chi ngân sách nhà nước và kiến nghị về việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội lo ngại mất cân đối thu chi ngân sách

Đại biểu Quốc hội lo ngại mất cân đối thu chi ngân sách

VOV.VN - Nhiều đại biểu lo ngại trước số tuyệt đối về thu chi ngân sách nhà nước và kiến nghị về việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ.