Xuất khẩu - điểm sáng kinh tế năm 2012
(VOV) -Năm 2012, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của cả nước ta đạt 114 tỉ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.
Năm nay cũng lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, thì đây thực sự là những con số ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương trong việc tìm kiếm thị trường, duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thực tế tình hình thị trường thế giới năm 2012 còn khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Bởi vậy, từ giữa năm, ngành dệt may phải hạ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 19-19,5 tỷ USD xuống 17,5 tỷ tỷ USD.
Kết quả, theo bà Dung, “Xuất khẩu dệt may cuối năm đạt được mục tiêu. Các doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu để cạnh tranh được vơi thị trường thế giới, đặc biệt khi khó khăn thì càng cạnh tranh khốc liệt hơn, bằng năng suất chất lượng, tiết kiệm chi phí giảm giá thành. Năm 2012 là năm khó khăn, ngành đạt mức tăng trưởng 7-7,5% cũng là nỗ lực lớn”.
Khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm, thiếu đơn hàng xuất khẩu, giá xuất khẩu giảm, chi phí sản xuất tăng cao, rào cản thương mại… là những yếu tố tác động mạnh đến sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2012. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động để vượt qua mọi thách thức, kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đạt được kỳ tích hơn 114 tỉ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 đạt được kết quả cao trước hết vẫn nằm ở khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với kim ngạch xuất khẩu đạt 63,9 tỉ USD (gồm cả dầu thô), tăng 31,2% so với năm trước. Còn khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu chỉ tăng 1,3% so với năm trước, đạt 42,3 tỉ USD.
Ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, đây vẫn là điều trăn trở trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.
“Hiện tượng Intel, Samsung đầu tư vào Việt Nam, làm cho cơ cấu xuất khẩu của chúng ta có sự chuyển dịch. Năm 2012 mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao của doanh nghiệp FDI như máy tính, chip điện tử, điện thoại di động xuất khẩu có giá trị cao. Đây là xu hướng tốt, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam móc nối với những doanh nghiệp này tạo thành chuỗi cung ứng đầu vào, hoặc đầu ra. Nếu như vậy, doanh nghiệp FDI có công nghệ cao vào Việt Nam tạo cú hích tạo sự phản ứng dây chuyền, thay đổi nền kinh tế”.
Sau 20 năm liên tục phải nhập siêu, năm 2012, Việt Nam mới xuất siêu trở lại với 284 triệu USD. Bà Lê Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục thống kê cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị tăng thấp, chứ không phải do xuất khẩu đã tăng bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, giúp giảm áp lực cho cán cân thanh toán, cũng như kiềm chế lạm phát.
Bà Lê Thị Minh Thủy phân tích: “Xuất siêu luôn là mục tiêu của hoạt động thương mại. Lâu nay chúng ta toàn nhập siêu. Từ 1992, xuất siêu 40 triệu USD. Sau 20 năm chúng ta mới xuất siêu hơn 280 triệu USD. Trong 4 quý, chỉ có quý 2 nhập siêu thấp khoảng 160 triệu USD, có 3 quý xuất siêu. Điều này tốt cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Xuất khẩu cao cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng, ổn định tỷ giá, tăng tính thanh khoản”.
Dự báo năm 2013, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU chưa hồi phục như kỳ vọng. Bởi vậy, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Một số lĩnh vực công nghiệp sản xuất và chế biến, chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp cũng khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, mức độ ngày càng tăng của bảo hộ thị trường thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2013 vẫn cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thị trường và kim ngạch xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò điều hành của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp thương mại xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013. “Về phía Bộ Công thương và cơ quan chức năng cũng sẽ định hướng cụ thể và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, giải pháp phát triển xuất khẩu để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển” – Thứ trưởng nói.
Bộ Công thương nhận định, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Sản phẩm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao (hơn 70%), còn sản phẩm nông sản, nguyên liệu thô, khai khoáng giảm dần tỷ trọng, cho thấy định hướng phát triển xuất khẩu bền vững. Nhiều sản phẩm như gạo, thủy sản, cà phê, cùng nhiều sản phẩm mới như điện thoại, máy tính, cáp điện…đã khẳng định vị thế, từng bước khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu 2013./.