Xuất khẩu khởi sắc tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế
VOV.VN - Kim ngạch xuất nhập khẩu khả quan là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Điểm nổi bật trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2018 vừa qua là kim ngạch xuất khẩu ước tính đã đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng cao 17,5% nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) chỉ tăng 14,6%. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD và trong 9 tháng qua, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD là tín hiệu đáng mừng.
Giảm rào cản, tăng trưởng xuất khẩu vượt trội
Nhận xét về tăng trưởng xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong 9 tháng năm 2018, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Nhất Tín cho rằng, doanh nghiệp đã được tạo thuận lợi nhiều hơn về vốn, thủ tục cũng như những vướng mắc trong quá trình nhập khẩu dây chuyền công nghệ về Việt Nam. Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt theo ông Thành, việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như kiểm tra chuyên ngành của hàng loạt các Bộ, ngành là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế, hoàn thiện quy trình gọn nhẹ… từ đó, nhiều doanh nghiệp được điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác bạn hàng, hoàn thành nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động đảm bảo an sinh xã hội.
TS. Vũ Huy Thủ, Ủy viên HĐQT - Trường Đại học Thành Tây nhận xét, 2018 là năm “được mùa” của các ngành kinh tế nói chung và đặc biệt của ngành thủy sản nói riêng khi tận dụng được cơ hội từ các thị trường xuất khẩu lớn như ở Mỹ, châu Âu… Chính vì vậy mà năm 2018 này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ vượt trội so với các năm trước.
TS. Vũ Huy Thủ, Ủy viên HĐQT - Trường Đại học Thành Tây. |
Theo đánh giá của TS. Vũ Huy Thủ, với những kết quả đáng khích lệ của ngành thủy sản trong thời gian vừa qua, trước hết có được là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm đến các mặt hàng chủ lực của ngành như xuất khẩu tôm, cá tra basa… để từ đó đã có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân, bà con nông dân khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt trong thời gian qua, các tổ chức của Nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ đã rất quan tâm đến việc phát triển ngành thủy sản của Việt Nam. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản đã được nhà nước đầu tư cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép để vươn khơi…. Các lực lượng như biên phòng, kiểm ngư luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho bà con ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt là trong những lúc khó khăn do thiên tai, địch họa…
“Có sự quan tâm của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của ngành đã làm nên những con số xuất khẩu hết sức ấn tượng trong thời gian vừa qua. Với kết quả của năm 2018, sẽ là cơ sở, là kinh nghiệm và là đà tăng trưởng cho ngành thủy sản tiếp tục phát triển trong năm 2019”, TS. Vũ Huy Thủ dự báo.
Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng
Đánh giá về thành tựu xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu mấy năm qua và 9 tháng năm 2018 vẫn đảm bảo ở tốc độ cao. Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự cải tiến lớn để giảm dần sự phụ thuộc vào một vài thị trường gần.
“Nhiều sản phẩm công nghiệp đã tiếp cận được những thị trường khó tính. Gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có được thương hiệu hàng hóa để đưa vào thị trường nước ngoài. Điểm đáng ghi nhận đó chính là trong năm 2017 cũng như các tháng vừa qua của năm 2018, Việt Nam đã liên tục xuất siêu, đi trước mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính. |
Mặt khác, theo TS. Phạm Tất Thắng, một số lĩnh vực đầu tư để có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bền vững nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được nhiều như công nghiệp hỗ trợ, đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp và nhiều dự án đầu tư chưa đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, môi trường xã hội.
“Hơn 2 năm qua, Chính phủ đã thể hiện tốt vai trò điều hành nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tập trung tháo gỡ các “nút thắt” quan trọng nhất của nền kinh tế để đưa ra được các chủ trương hết sức cần thiết. Nhưng vẫn có một thực tế là, trong khi Chính phủ hết sức rốt ráo trong việc thay đổi thể chế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều nơi, nhiều cấp việc làm này vẫn còn chuyển biến rất chậm. Nhiều cơ quan quản lý vẫn còn cồng kềnh, chăm nhận thành tích nhưng lại không dám nhận trách nhiệm, khuyết điểm”, TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Có thể nói, kết quả xuất nhập khẩu 9 tháng và những dự báo khả quan ở những tháng còn lại của năm 2018 cũng như các năm 2018 - 2020 là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Để làm được điều này, Chính phủ cũng các Bộ, ngành, địa phương và trực tiếp là các doanh nghiệp cần tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển, gia tăng lợi nhuận, nâng kim ngạch xuất khẩu để đưa đất nước khởi sắc trong những năm tiếp theo./.
26 mặt hàng đạt xuất khẩu “tỷ đô” trong 9 tháng
Xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 4 tỷ USD
Xuất khẩu dệt may đạt gần 10 tỷ USD nhưng chưa hết khó khăn