Ngoại trưởng Mỹ dọa cô lập và tăng trừng phạt Iran
VOV.VN - Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo Iran sẽ “bị cô lập và trừng phạt thêm” sau khi Tehran tuyên bố sẽ làm giàu uranium vượt mức cho phép trong JCPOA.
Ngày 7/7, các nhà chức trách Iran thông báo nước này sẽ làm giàu uranium vượt mức 3,6% trong "một vài giờ nữa", đồng thời khẳng định sẽ giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn có chính thức tên gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) cứ mỗi 60 ngày nếu vấn đề vẫn không được giải quyết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Iran sẽ "bị cô lập và trừng phạt thêm" sau động thái này của Tehran cũng như tuyên bố một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tạo nên mối đe dọa ngày càng lớn với thế giới".
Theo Iran, việc nước này cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là "nhằm cứu vãn JCPOA chứ không phải phá hủy nó mặc dù điều này có thể làm gián đoạn sự tham gia của chúng tôi trong JCPOA".
Ngày 3/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết từ ngày 7/7 trở đi, Tehran sẽ bắt đầu làm giàu uranium vượt mức được quy định trong JCPOA và sẽ duy trì mức độ làm giàu này lâu như cần thiết.
Ngày 8/5/2018, chính quyền Tổng thống Trump rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Sau 1 năm, Tehran thông báo nước này sẽ dừng một số cam kết của JCPOA, và giới hạn cho các bên còn lại thời hạn 60 ngày để cứu vãn thỏa thuận bằng cách tạo điều kiện cho Iran xuất khẩu dầu cũng như tiếp tục hoạt động thương mại với Iran.
Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Washington, Tehran đe dọa sẽ tăng mức làm giàu uranium được quy định trong thỏa thuận. Đầu tuần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif xác nhận dự trữ uranium của nước này đã vượt mức 300kg được quy định trong JCPOA.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Pháp, Đức và Anh đã thiết lập một cơ chế chung để tiếp tục làm ăn với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong suốt giai đoạn đầu tiên, cơ chế INSTEX (Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại) của EU sẽ đảm bảo việc phân phối thuốc men, các thiết bị y tế và sản phẩm nông nghiệp, song Tehran muốn INSTEX giúp quốc gia này được phép xuất khẩu dầu - một trong những trụ cột của nền kinh tế Iran.
Nga vẫn kiên quyết ủng hộ việc duy trì JCPOA, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế và tài chính với Tehran, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn thuộc cơ quan Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Maja Kocijancic bày tỏ quan ngại trước động thái gần đây của Iran khi nâng mức làm giàu uranium vượt hạn mức cho phép của JCPOA, đồng thời kêu gọi Iran hạn chế các bước đi vi phạm thỏa thuận. Phát ngôn viên Kocijancic nhấn mạnh EU đang chờ thêm thông tin từ Tổ chức Năng lượng Nguyên tử (IAEA) sau khi cơ quan này có các số liệu về mức độ làm giàu uranium của Iran.
JCPOA được nhất trí ngày 14/7/2015 cho phép dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran và đổi lại, Tehran phải duy trì chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình.
Theo JCPOA, Iran đồng ý giới hạn trong 8 năm tất cả hoạt động làm giàu uranium cũng như hạn chế nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đặc biệt, Iran phải chấp nhận dần dần dừng lắp đặt các máy ly tâm IR-1 được sử dụng để làm giàu uranium - một thành tố chế tạo vũ khí hạt nhân, trong vòng 10 năm./.
5 điểm mấu chốt trong diễn biến mới nhất về căng thẳng hạt nhân Iran