Nhà D67 thuộc khu A thành cổ Hà Nội, là một di tích lịch sử cách mạng, một công trình đặc biệt bên cạnh những di tích kiến trúc cổ xưa, ghi dấu ấn tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng thủ đô năm 1954, Chính phủ và quân đội Việt Nam đã tiếp quản khu thành cổ Hà Nội, vốn trước đó được người Pháp sử dụng là đại bản doanh quân sự và đã xây dựng nhiều công trình phục vụ quân sự nơi đây. Tòa nhà sở chỉ huy pháo binh của quân Pháp được xây dựng trên nền điện Kính Thiên xưa được sử dụng thành nhà làm việc của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương.
Tòa nhà này được gọi là nhà Con Rồng vì phía trước có những con rồng đá chầu (thềm Rồng của điện Kính Thiên) trong những năm 60 của thế kỷ 20, Mỹ ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc; một toàn nhà mới được xây dựng đặc biệt phía sau nhà con Rồng để đảm bảo an toàn cho các cán bộ lãnh đạo của Đảng và quân đội họp và làm việc. Công trình có tên là nhà D67 vì được xây dựng năm 1967.
|
Nhà D67 nhìn từ phía trước
|
Đây là một công trình được xây dựng hết sức đặt biệt về cấu trúc và kỹ thuật gồm một kiến trúc ở trên và một hệ thống hầm ngầm phía dưới. Phần nổi công trình có diện tích 604m2 với hệ thống tường, mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Hệ thống hầm ngầm sâu 10m, nằm dưới khoảng sân giữa nhà con Rồng và nhà D67 gồm 4 phòng, rộng 50m2, trong đó có một phòng họp, các phòng chung nhau hành lang bên. Hệ thống hầm ngầm này được thiết kế chịu được tên lửa và bom hạng nặng.
Toàn bộ công việc thiết kế và thi công nhà và hầm D67 được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh đảm nhiệm. Khoảng 300 cán bộ chiến sỹ được huy động thực thi công việc này. Các thiết bị cơ khí và thông tin sử dụng trong công trình như máy thông hơi - lọc khí, cửa thép, điện đài, điện thoại được nhập khẩu từ Liên Xô cũ.
Tại nhà D67, còn được gọi là Tổng hành dinh, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đi đến thắng lợi. Đặc biệt, tại đây; từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Nhà D67 vẫn được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý và sử dụng từ năm 1975 cho tới năm 2004 thì được bàn giao cho Ban Quản lý Thành cổ Hà Nội, trở thành khu vực phi quân sự và hiện là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt trong thành cổ Hà Nội./.
|
Nhà D67 là công trình một tầng, mái bằng, có kiến trúc giản dị, khiêm tốn. Trước và sau nhà có hành lang và mái sảnh rộng. Nhà D67 nhìn từ phía sau.
|
|
Từ sảnh đi vào vào là cửa chính của phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
|
|
Phòng họp của Bộ chính trị và Quân ủy trung ương chiếm 2 trong 3 gian giữa toàn nhà. Phía trước và sau thông ra hành lang và sân. Hai phía có cửa thông sang phòng giải lao và phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
|
Bàn họp lớn kê giữa phòng, đủ chỗ cho khoảng hơn 20 người. Các vị trí ngồi của các vị lãnh đạo và tướng lĩnh vẫn được giữ nguyên tới giờ. Vị trí đầu bàn trung tâm là của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
|
|
Vị trí ngồi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
|
Hiện trong phòng họp cũng trưng bày nhiều hiện vật, kỷ vật của các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh trong thời gian làm việc ở nhà D67.
|
|
Đó là những dụng cụ dùng cho công tác, công việc như điện thoại, ống nhòm, kính mắt hay những đồ vật phục vụ sinh hoạt như cặp lồng, bi-đông nước.
|
|
Phòng giải lao là một trong 3 gian giữa, kế bên 2 gian của phòng họp lớn.
|
|
Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng nằm ở gian phía tây, kế bên phòng giải lao.
|
|
Tấm bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
|
|
Gian phía đông bên sát phòng họp là phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
|
Chiếc giướng cá nhân trong phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
|
Từ hai phòng của 2 đại tướng có hai cầu thang ngầm dẫn xuống hầm D67 nằm sâu dưới đất. Cầu thang rộng 1,2m, có 45 bậc chia làm 3 nhịp.
|
|
Từ cầu thang ngầm vào hành lang của hệ thống hầm ngầm D67 được ngăn cách bởi tấm cửa thép dày 12cm, được cấu tạo cơ khí đặc biệt với nhiều tay nắm,chốt khóa, có gioăng cao su đảm bảo ngăn được khí độc và nước.
|
|
Hệ thống máy móc thông gió, thông hơi được nhập khẩu từ Liên Xô.
|
|
Phòng trực ban dưới hầm D67, nơi luôn đảm bảo thông tin thông suốt trong những trường hợp đặc biệt nhất.
|
|
Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dưới hầm ngầm D67.
|
|
Từ hệ thống hầm D67 có một đường hầm khác đi lên phía sau nhà con Rồng (nhà chỉ huy pháo binh cũ của quân đội Pháp) phía trước nhà D67.
|
|
Bia kỷ niệm đặt trước nhà D67 – ghi dấu ấn của một giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng, một di tích tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh trong thành cổ Hà Nội.
|