Nhà trình tường của người Mông

(VOV) -Từ vật liệu chính là đất và gỗ, người Mông, Dao, Hà Nhì ở miền núi phía Bắc dựng lên những ngôi nhà trình tường độc đáo.

Cận kề mùa xuân, khoảng từ Tết dương lịch tới trước Tết nguyên đán, đi trên những con đường ở các xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ta có thể dễ dàng bắt gặp khung cảnh đồng bào người Mông náo nức dựng nhà đón năm mới. Đó là thời điểm vụ mùa đã thu hoạch xong, thóc lúa chất đầy bồ, hoa nở khắp núi rừng, lòng người cũng vui phơi phới. Những ngôi nhà đất sét đỏ au mang theo niềm hy vọng vào cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

Mùa xuân này, gia đình anh Vàng A De ở bản Pa Vây Sử, xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) sẽ đón Tết trong ngôi nhà mới. Từ gần một tháng trước, cả bản đã tập trung dựng nhà mới giúp vợ chồng anh, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu tới khâu san đất, dựng nhà.

Vật liệu chính để làm nhà trình tường là đất, gỗ, tre. Loại đất được người Mông ở Phong Thổ chọn làm nhà là đất sét đỏ, mịn, có độ kết dính cao, không lẫn cát, sỏi. Sau khi khô đi đất chuyển sang màu vàng tươi rồi sẫm lại dần theo mưa nắng.  Đất thì sẵn có, còn gỗ thì chủ nhà phải xin phép chính quyền, rồi cả bản vào rừng khai thác giúp. Khu rừng có gỗ cách bản tới 30 km, tất cả cùng đi bộ tới rồi vận chuyển thủ công, mỗi chuyến lên rừng mất 3-4 ngày.

Trước đây nhà trình tường được lợp mái bằng cỏ tranh, nhưng nay thường dùng ngói xi măng do tranh không còn nhiều như trước. Những ngôi nhà trình tường phù hợp với khí hậu vùng cao của huyện Phong Thổ, ấm về mùa đông và mát trong những ngày nắng nóng. Bởi vậy, không chỉ đồng bào người Mông mà cả người Dao, người Hà Nhì đều sống trong những ngôi nhà trình tường như vậy./.

Ngôi nhà anh Vàng A De được dựng trên vạt đồi mới được cả bản chung sức san bằng

Những ngày dựng nhà là những ngày đông vui náo nức. Phụ nữ vừa trông con vừa giúp gia chủ dựng nhà

Công việc chính của phụ nữ là trình tường – công việc không tốn nhiều sức nhưng cần sự dẻo dai, khéo léo. Khuôn để trình tường làm bằng gỗ, có chiều ngang khoảng 50-70cm, chính là độ dày của tường. Đất được đổ vào khuôn, dùng chày giã đều tay, nén thật chặt, lần lượt mỗi tầng ván hết một vòng quanh nhà. Sau đó lại tháo ván ra làm tầng thứ 2. Mỗi một tầng ván cần giã khoảng 1h đồng hồ

Những việc nặng nhọc hơn do đàn ông gánh vác, ví như việc xẻ gỗ. Số gỗ để làm nhà được bà con trong bản hợp sức lấy từ khu rừng cách nhà tới 30km

Người đàn ông này đang làm mộng trên khung mái nhà

Đất Tây Bắc thường nhiều đá sỏi. Tảng đá to này đang được đẽo ra, nậy lên để sàn nhà bằng phẳng.

7- Trong thời gian tường còn ướt và yếu, để giữ vững người ta chống cột và treo đá như thế này. Khi tường khô, đá và cột sẽ được dỡ đi

Trong lúc bố mẹ làm việc, các em bé chơi tha thẩn xung quanh

Để tường nhà nhẵn đẹp, người đàn ông này cầm cuốc tỉ mẫn đẽo từng chút một

Sau khi đẽo bằng cuốc, tường tiếp tục được vuốt bằng tay cho thật nhẵn

Một ngôi nhà đất đặc trưng của người Mông với bờ rào bằng đá xếp quanh nhà.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nét đẹp ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì
Nét đẹp ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì

Những ngôi nhà của người Hà Nhì luôn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, luôn hấp dẫn du khách

Nét đẹp ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì

Nét đẹp ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì

Những ngôi nhà của người Hà Nhì luôn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, luôn hấp dẫn du khách

Người Dao (Lào Cai) trình tường (nhà) bằng đất dày khoảng 40 cm để mùa đông không lo giá lạnh (ảnh: Ngọc Bằng)
Người Dao (Lào Cai) trình tường (nhà) bằng đất dày khoảng 40 cm để mùa đông không lo giá lạnh (ảnh: Ngọc Bằng)