Em đi chùa Hương

Bằng cảm xúc cùng với việc tìm kiếm được một giai điệu rất phù hợp, bài hát “Em đi chùa Hương” đã đi vào lòng người từ những điều vô cùng giản dị.

Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) là lễ hội lớn nhất nước ta và kéo dài lâu nhất (suốt cả mùa Xuân). Nhắc đến chùa Hương, nhiều người nhớ ngay đến bài hát quen thuộc của Trung Đức “Em đi chùa Hương” lời thơ Nguyễn Nhước Pháp.

Trước đó, người ta chỉ biết tác giả là một ca sĩ có giọng nam trung mượt mà, mềm mại, rất sở trường với việc thể hiện những ca khúc mang đậm hơi hướng dân gian. Giọng anh vang, ấm, rất có hồn, được người nghe ưa thích. Vậy nên ai nấy đều ngạc nhiên khi bài hát vang khắp nơi với tên tác giả là Trung Đức.  

Nghe bài hát: Em đi chùa Hương
Tác giả: Trung Đức - Trình bày: Cao Minh

Trung Đức cho biết hoàn cảnh ra đời bài hát, anh vốn rất thích sáng tác ca khúc, từng viết được mấy bài trước đó như “Gọi em” (theo làn điệu Khan - dân ca Tây Nguyên), “Chân quê” (phổ thơ Nguyễn Bính) nhưng chưa thành công. Vì rất thích bài thơ “Em đi chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp (thi sĩ viết bài này từ trước cách mạng tháng 8/1945), Trung Đức đã phổ nhạc.

Sáng tác xong, anh hát cho một vài bạn bè là ca sĩ nghe. Thấy họ ưa thích, anh đưa bài hát cho hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với hy vọng sẽ được duyệt để dàn dựng làm tiết mục biễu diễn thường xuyên của nhà hát (Trung Đức là diễn viên hát ở đây). Nhưng một người có trách nhiệm trong hội đồng nghệ thuật đã không chấp nhận.

Nghĩ bài bị từ chối là do mình chỉ là ca sĩ, chứ không phải nhạc sĩ, bị người kia coi thường (về sáng tác) nên một thời gian khá lâu sau anh lại gửi bài hát đến hội đồng nghệ thuật nhưng ký tên Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng, là giáo sư, Việt kiều đang cư trú ở nước ngoài. Trung Đức nghĩ ở bên trời Tây xa xôi, ông Khê sẽ chẳng biết việc này. Hãy cứ tìm cách để bài hát được sử dụng đã, rồi tính sau.

Quả nhiên nghe tên ông Khê, Nhà hát rất nể, đã nhanh chóng cho dàn dựng. Trung Đức xin hát và được chấp nhận. Sau đó, nhiều ca sĩ thấy hay đã đua nhau hát bài này. Đến khi bài hát trở nên nổi tiếng, anh mới “công bố” sự thật. Vậy nên cũng dễ hiểu khi có thời gian, nhiều người cứ nghĩ tác giả bài hát là Trần Văn Khê.

Khi được hỏi làm như vậy không sợ ông Trần Văn Khê “kiện” sao? Trung Đức nói nói: “Sẽ phải xin lỗi ông ấy. Nhưng chắc ông ấy sẽ tha thứ việc “mượn râu hùm” này, cũng chỉ vì muốn một bài hát không bị bỏ phí mà đành phải làm vậy”. Sau này, Trung Đức chưa một lần gặp Trần Văn Khê. Nghe nói ông cũng dễ dàng cho qua, không có ý kiến gì vì đến nay tên tác giả đích thực đã được phục hồi.

Có thể nói Trung Đức đã phổ bài thơ hoàn toàn do cảm xúc, cộng với việc tìm kiếm được một giai điệu rất phù hợp với nội dung bài thơ mà bỏ qua những yếu tố kỹ thuật cần thiết.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp diễn tả niềm vui, háo hức rất hồn nhiên, nhí nhảnh của một cô gái mới lớn được đi trẩy hội chùa Hương cùng cha mẹ. Ra đi từ rất sớm, khi “hoa cỏ còn mờ hơi sương”, cô đã “cùng thầy mẹ vấn đầu soi sương”…

Cô gái mới 15 tuổi “nho nhỏ cái đuôi gà cao” và “đeo dải yếm đào, quần lĩnh, áo the mới. Tay em cầm chiếc nón quai thao. Chân em đi đôi dép cao cao…”. Ngày xưa, ở tuổi 15 không ít cô gái đã lấy chồng nên cô gái xinh tươi ấy đi hội chùa Hương đã được rất nhiều chàng trai “ngó nhìn theo” khi “đi qua bến Đục”. Cô đã nhắn gửi: “Em còn bé lắm mấy anh ơi!”, ý cô muốn nói: hãy để em vô tư đi đến cõi Phật, chớ vướng vào chuyện đời trần tục! Vậy nên kết thúc bài, tác giả mới hạ câu tụng niệm của bất cứ ai đặt chân tới chốn thiền: “Nam mô a di đà!”.

Từ bài thơ rất nổi tiếng, Trung Đức đã tạo nên được một bài hát hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên