Người Đà Nẵng kỳ vọng về mô hình Chính quyền đô thị năng động

VOV.VN -Lãnh đạo và người dân thành phố Đà Nẵng kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo động lực để vươn lên tầm cao mới.

Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Nghị quyết này giúp cho Thành phố tạo sự đột phá trong quá trình phát triển trong thời gian tới. Lãnh đạo và người dân thành phố Đà Nẵng kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng vươn lên tầm cao mới.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng mới được thông qua có 2 nội dung lớn gồm: Chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù như quy hoạch, tài chính ngân sách, phí, lệ phí

Về chính quyền đô thị theo mô hình này, TP Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND cấp thành phố. Còn chính quyền ở các quận và ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND, không có HĐND. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng. Điều này sẽ giúp cho chính quyền cấp quận, phường năng động, tăng cường trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng hy vọng, Nghị quyết này sẽ giúp TP Đà Nẵng năng động, chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố:

Trung tâm hành chính Đà Nẵng.

Ông Chinh đánh giá, mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp cho TP Đà Nẵng trong công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, bộ máy chính quyền hoạt động năng động, chủ động hơn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

"Các cơ chế chính sách sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng có những nguồn lực để phát triển thành phố trong những năm đến. Trong đó, tạo điều kiện cho Đà Nẵng chủ động trong quy hoạch cục bộ. Thứ hai, sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư lại để đầu tư cơ sở hạ tầng và cho phép TP điều chỉnh chính sách phí và lệ phí tăng nguồn lực đầu tư phát triển thành phố"- ông Chinh nói.

Anh Võ Văn Dũng, ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đặt nhiều hy vọng về hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

"Khi triển khai chính quyền đô thị, tôi thấy việc tinh giản bộ máy, giảm chi phí đó là thực tiễn trước tiên mình hưởng được. Sau đó, việc đề xuất cho chính quyền sẽ nhanh hơn, giải quyết thủ tục hành chính được chính quyền các quận va thành phố thực hiện nhanh chóng"- anh Dũng chia sẻ.   

Ông Đặng Vân, người dân ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội cho phép thành phố một số cơ chế chính sách đặc thù: "Sắp tới đây, bỏ HĐND quận, huyện, thì quản lý nhà nước phải tinh toán làm sao để bảo đảm được hiệu lực và đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, giám sát của Hội đồng thành phố và của UBND thành phố phải nghiêm túc hơn nữa"./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên