Gặp mặt kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ, Truyền thống ngành Than
VOV.VN - Nhân 85 năm Ngày truyền thống Công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Gặp mặt kỷ niệm, đón nhận Bằng Di tích lịch sử Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ và tuyên dương các điển hình tiên tiến
Ngành Than Việt Nam có lịch sử trên 180 năm, kể từ khi Vua Minh Mạng phê chuẩn cho phép khai thác than tại mỏ than Yên Lãng (Quảng Ninh) năm 1840. Ngành Than thực sự trở thành ngành công nghiệp khi thực dân Pháp lập Công ty Than ở Bắc kỳ sau khi xâm lược nước ta năm 1882, bóc lột sức lao động của dân ta, vơ vét tài nguyên.
Ngày 12/11/1936, hơn 3 vạn thợ mỏ đã cùng nhau tập hợp, đình công, đòi chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập... Với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm”, cuộc đấu tranh đã để lại bài học sâu sắc, đi vào lịch sử như một chương mở đầu bản anh hùng ca của những người thợ mỏ, tiếp tục đưa công nhân vùng mỏ kiên cường lao động sản xuất, tiến tới giải phóng hoàn toàn vùng mỏ, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV khẳng định, sau khi Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn năm 2005, nội lực trong công nhân Vùng Mỏ và Ngành Than được phát huy. Với mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, TKV đã xây dựng và từng bước phát triển, mở rộng mô hình kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng trên nền công nghiệp than - khoáng sản.
"Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại vào sản xuất, cơ giới hoá, tự động hoá khai thác. Nhờ đó, công tác an toàn, môi trường vùng Mỏ được đảm bảo, sản lượng than khai thác tăng nhanh, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, sản lượng than sản xuất hàng năm của TKV đạt trên 40 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với năm đầu thành lập. Nộp ngân sách Nhà nước bình quân 16,9 ngàn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng tiền lương bình quân của cán bộ công nhân TKV đạt 9,2%/năm"- ông Chuẩn nói.
Quá trình phát triển của ngành than luôn gắn chặt với Quảng Ninh, Quảng Ninh đồng nghĩa với Vùng Mỏ, Vùng Than. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định, trước xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" hiện nay, ngành Than đã chủ động và tích cực tham dự vào quá trình chuyển đổi, tiếp tục giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đến nay, ngành Than đóng góp khoảng 1/4 GRDP và gần 40% ngân sách thu nội địa của Quảng Ninh, tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 100.000 lao động; tác động trực tiếp đến gần 1/3 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cao nhất, hỗ trợ tối đa giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của ngành Than để phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và ổn định việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống cho người lao động, cùng nhau đoàn kết quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Nhân dịp này, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKVđón nhận Bằng di tích lịch sử Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, nhận Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,... cho các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất và công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua./.