Bế mạc trại hè thanh niên sinh viên Việt Nam toàn châu Âu 2018
VOV.VN - Trại hè thành công với nhiều hoạt động bổ ích, giúp thanh niên-sinh viên Việt Nam đến từ các nước làm quen, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Sau 3 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tối 19/8 tại thủ đô Budapest (Hungary) đã bế mạc Trại hè Thanh niên – Sinh viên Việt Nam toàn châu Âu 2018 (Duna Camp 2018) với đêm Gala sôi động.
Các đội tự biên tự diễn tác phẩm kịch truyền đi thông điệp của tuổi trẻ về cuộc sống hiện đại.
Phát biểu tại lễ bế mạc, anh Nguyễn Anh Tú – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, Trưởng ban tổ chức Trại hè 2018 tuyên bố, trại hè đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều chương trình, hoạt động bổ ích, giúp các bạn thanh niên – sinh viên Việt Nam đến từ các nước làm quen, học hỏi kinh nghiệm quý báu trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Với nhiều chương trình tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, giao lưu, tham quan, các trò chơi và cuộc thi kiến thức, trại hè 2018 là nơi để các bạn thanh niên, sinh viên thể hiện tài năng, trí tuệ và sức trẻ của mình.
Điểm nhấn trong lễ bế mạc chính là cuộc thi tài năng do các bạn thanh niên, sinh viên tự biên, tự diễn.
Các trại sinh được chia thành 8 đội, gồm các bạn trẻ đến từ các nước khác nhau, đã trình diễn các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm kịch tự sáng tác về các chủ đề hết sức thiết thực, gần gũi trong cuộc sống như: sống ảo, sống thử, vô cảm, bình đẳng giới, chảy máu chất xám…
Mặc dù chỉ có vỏn vẹn một ngày để chuẩn bị nội dung và tập luyện, nhưng bằng tài năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ, các đội đã truyền đi những thông điệp có ý nghĩa thông qua các tiết mục của mình.
Tại lễ bế mạc, đại diện Ban Tổ chức trại hè Thanh niên – sinh viên Việt Nam toàn châu Âu đã trao quyền đăng cai trại hè năm 2019 cho Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan.
Trước đó sáng cùng ngày, trong khuôn khổ trại hè đã diễn ra hội thảo chuyên đề về các vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước, ứng dụng thành tựu công nghệ mới (công nghệ chuỗi khối - blockchain) trong lĩnh vực hậu cần (logistics) và bảo vệ bản quyền nội dung số, cũng như các thành tựu kinh tế của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới.
Các chuyên đề đã thu hút sự chú ý của các bạn thanh niên, sinh viên, đặc biệt chủ đề về chủ quyền biển đảo với tên gọi “Về Trường Sa xin đến một lần – Để mang Tổ quốc thật gần trong tim” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ.
Chủ đề do Tiến sĩ, dịch giả Giáp Văn Chung, người từng tham gia chuyến đi thực tế thăm Trường Sa năm 2017 trình bày.
Tại buổi nói chuyện, Tiến sĩ Giáp Văn Chung đã chia sẻ những cảm xúc của mình về cuộc sống dù còn thiếu thốn nhưng rất đỗi tự hào của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm bám biển để bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc.
Những câu chuyện ông kể gây xúc động mạnh đối với nhiều bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập xa quê hương nhưng chưa một lần đặt chân tới Trường Sa.
Bạn Thùy Dương, sinh viên đang học tập tại Hà Lan, chia sẻ: “Trong các buổi nói chuyện, em cảm thấy rất ấn tượng về chuyên đề Trường Sa. Mặc dù đây là chủ đề em được nghe rất nhiều lần nhưng nhờ bác Giáp Văn Chung chia sẻ những câu chuyện rất tình cảm, thực tế từ trải nghiệm của chính bác nên câu chuyện đã đi đến sâu trong lòng của chúng em, giúp chúng em hiểu được những khó khăn trong cuộc sống mà các chiến sĩ ở Trường Sa đang gặp phải, khiến chúng em rất cảm kích về điều đó”.
Thảo luận sôi nổi tại buổi nói chuyện, các bạn đều thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với sự hy sinh gian khổ của các chiến sĩ hải quân, đồng thời mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nhiều hành động thiết thực khác nhau.
Sinh viên Lê Chí Tài tại Đức muốn thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Bạn Lê Chí Tài đang học tập tại Đức, người may mắn có chuyến đi thực tế ra Trường Sa năm 2018, cho biết: “Qua chuyến đi vừa rồi và qua chia sẻ của bác Giáp Văn Chung, em nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài phải có trách nhiệm, nghĩa vụ để làm gì đó cho quê hương, đất nước. Ở ngoài Trường Sa, các chiến sĩ đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì chúng em cũng phải có trách nhiệm học tập thật tốt để đóng góp trí thức xây dựng quê hương cũng như có hoạt động hướng về biển đảo, hướng về Tổ quốc”.
Đồng quan điểm trên, bạn Bùi Phương Mai đến từ Liên bang Nga cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam đang học tập tại nước ngoài cần tiếp thu trí thức của nhân loại để về nước xây dựng quê hương.
“Em nghĩ, khi nhà nước đã tạo điều kiện cho lớp trẻ đi nước ngoài để mở mang tầm nhìn thì khi học xong, chúng ta nên trở về để cùng xây dựng và phát triển đất nước trở nên tốt đẹp hơn”, bạn Mai nói.
Trại hè 2018 đã kết thúc nhưng đối với các bạn thanh niên – sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống tại châu Âu, những dấu ấn tốt đẹp và những trải nghiệm thú vị trong thời gian diễn ra trại hè sẽ là những hành trang thú vị giúp các bạn gặt hái thành công trên con đường phía trước./.