Cụ ông Việt kiều 75 năm lưu lạc xứ người và nỗi đau đáu ngày về
VOV.VN -Bằng những ký ức mờ nhạt của một cậu bé chăn trâu bị lừa bán khi 9 tuổi, trong hơn nửa thế kỷ lưu lạc nơi xứ người, cụ ông Việt kiều 84 tuổi luôn đau đáu ngày trở về…
9 tuổi, cậu bé Nguyễn Đức Huy (quê ở Hải Phòng) bị lừa bán sang Trung Quốc trong một lần đi chăn trâu. “Thời gian cũng quá lâu rồi, tôi cũng không nhớ rõ tại sao mình lại lẫn trong đoàn người có rất nhiều phụ nữ tuổi mười tám đôi mươi, chỉ có tôi là ít tuổi nhất. Mãi sau tôi mới hiểu là mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Cũng từ đó tôi, tôi bặt tin gia đình, bị người ta bán đi bán lại, lưu lạc khắp nơi, làm đủ thứ nghề để kiếm sống”.
Đến tuổi thanh niên, ông Huy tham gia quân đội Trung Quốc và làm liên lạc viên. 3 năm sau, ông xuất ngũ, được nhận vào làm công nhân trong một xí nghiệp sửa chữa đường sắt ở Quảng Tây.
9 tuổi, ông Nguyễn Đức Huy bị lừa bán sang Trung Quốc |
75 năm lưu lạc xứ người, ông Huy lúc nào cũng canh cánh câu hỏi mình là ai, quê quán ở đâu, cha mẹ giờ thế nào? Khi bị bán sang Trung Quốc, ông chỉ nhớ mang máng quê mình ở Hải Phòng, còn địa chỉ cụ thể thì không nhớ được. “Lúc ấy, tôi nhỏ quá, nhà nghèo lại không được học hành gì nên cũng không nhớ rõ mình quê quán, địa chỉ như thế nào. Sau này tôi cũng đã nhiều lần tìm về Hải Phòng theo những gì còn lưu lại trong trí nhớ nhưng mọi thứ khác quá, không còn như lúc tôi còn nhỏ”.
Đến nay, dù đã 84 tuổi nhưng ông Huy vẫn giữ tên gọi là Nguyễn Đức Huy. Vì với ông, giữ lại họ tên Việt Nam như giữ lại một cái gì đó thiêng liêng ở nơi ông được sinh ra, cũng là giữ lại niềm tin một ngày nào đó ông sẽ tìm lại được những người thân ở quê nhà. “Cũng có người nói tôi đổi tên sang tên Trung Quốc cho thuận lợi công việc, sinh hoạt ở nước sở tại nhưng tôi nghĩ sao phải đổi, tên cha mẹ mình đặt cho, mình phải giữ lại”.
Mỗi dịp Tết đến, nhìn mọi người sum họp, lúc nào ông cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương, mong sớm tìm được người thân nơi quê nhà. “Tôi cũng hay nấu bánh chưng, làm các món ăn Việt Nam trong những ngày này để cả gia đình cùng ăn cho mình đỡ nhớ nhà”.
Hơn 75 năm lưu lạc nơi xứ người, ông Huy luôn đau đáu ngày trở về |
Từ khi liên hệ được với quê hương, ông thường về thăm quê và thăm hỏi họ hàng. “Có lần tôi đưa các con về ở Hải Phòng gần hai tháng, để con được gặp gỡ, thăm hỏi họ hàng. Cũng do điều kiện khó khăn, phải làm ăn để kiếm sống nên các con tôi cũng ít được học tiếng Việt, nhưng con trai và cháu nội đều nói được tiếng Việt”.
Ông Huy là một trong những Việt kiều tích cực trong các hoạt động của bà con người Việt tại Nam Ninh. Mỗi khi có đợt quyên góp hỗ trợ đồng bào khó khăn hay bất cứ hoạt động gì hướng về trong nước, ông Huy cũng là một trong những người đứng ra vận động bà con người Việt ở đây. Với những đóng góp của mình, ông được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh tặng Giấy khen vì sự phát triển cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Huy tâm sự, ông luôn coi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh như là ngôi nhà Việt Nam thứ hai của mình, là nơi để ông đi về. Mỗi khi Tổng lãnh sự quán có việc gì từ việc nhỏ đến việc lớn như lắp điện, sửa chữa nước… hoặc tổ chức Tết cộng đồng cho bà con Việt kiều, ông đều có mặt. “Năm nào tôi cũng lên Tổng lãnh sự quán nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, được gặp bà con người Việt, được chia sẻ với nhau và biết tình hình của bà con mình, tôi vui lắm”.
Bây giờ tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu, ông Nguyễn Đức Huy lại càng mong muốn có thêm nhiều thời gian, để ông có có nhiều lần hơn nữa được đưa con cháu trở thăm quê, để một ngày khi ông không còn, thì con cháu ông vẫn luôn đi về, nhớ về cội nguồn như ông vẫn hằng đau đáu ngày trở về trong gần cả cuộc đời lưu lạc nơi xứ người./.
“Tôi dạy con học tiếng Việt từ khi bé còn trong bụng mẹ”
Tỷ phú 8X lập nghiệp từ chiếc xe đạp điện và mối tình xuyên biên giới
“Người mẹ thứ hai” của du học sinh Việt Nam trên đất Trung Quốc
Gặp người thầy đam mê tìm kiếm kỷ vật Việt Nam xuyên thế kỷ