Hiệp định Paris: Câu chuyện nghĩa tình Việt - Pháp
VOV.VN - Thành công của Hiệp định Paris 41 năm trước có cả nỗ lực chung của những người Pháp và những người con Việt sống trên đất Pháp.
Gần 5 năm hai đoàn đàm phán của Việt Nam lưu lại trên đất Pháp, kiên trì, nhẫn nại và khôn khéo trên bàn đàm phán để đạt đến thành công. Đằng sau đó là hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện nghĩa tình.
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973-27/1/2014), phóng viên VOV xin điểm lại một vài câu chuyện nhỏ trong số đó.
Đến với Choisy-le Roi, 41 năm sau, bạn vẫn có thể cảm nhận được nhiều nét Việt trên khắp các nẻo đường của thành phố này –từng là nơi đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu lại suốt gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris.
Thị trưởng thành phố ông Daniel Davisse đến giờ vẫn khẳng định Choisy-le-Roi luôn là "Ngôi nhà Việt Nam" tại Pháp.
Trong ngôi nhà ấy, những thành viên của đoàn đàm phán vẫn nhắc đến một không khí ấm cúng, nghĩa tình, với những cây cerise trĩu quả tràn đầy hy vọng hòa bình.
Nơi ấy, bên cạnh những cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản, có những con người rất bình thường như bà Jéanine Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho đoàn đàm phán Việt Nam 41 năm về trước.
Jéanine Rubin |
Bà cụ nay đã hơn 80 tuổi cho biết khi đó bà cũng không biết rõ tình hình do tính tuyệt mật trong hoạt động đoàn, chỉ biết là Đảng Cộng sản và thành phố kêu gọi người tình nguyện giúp đoàn Việt Nam và bà xung phong tham gia, dù là công việc gì.
Bà Rubin kể lại: "Khi ấy, tôi đang làm phục vụ trong trường học, Đảng Cộng sản đề nghị tôi có muốn làm việc tình nguyện hỗ trợ cho đoàn đàm phán của Việt Nam hay không, và tôi đã đồng ý. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng những cảm nhận lúc đó về đoàn sau này đã là động lực khiến tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia các hoạt động hữu nghị Pháp-Việt cho đến bây giờ".
Năm ngoái, nhân 40 năm, một quảng trường lớn mang tên "Hiệp định Paris" đã được khánh thành với biểu trưng hòa bình cao vút giữa nền trời Choisy-le Roi, như thêm khẳng định tình hữu nghị với Việt nam mãi còn nơi đây.
Trở lại Verrière le Buisson, 41 năm sau, bạn vẫn có thể bắt gặp hình ảnh một cặp vợ chồng ngày ngày đi dạo quanh ngôi nhà từng là nơi ở của bà Nguyễn Thị Bình và một số thành viên đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Vợ chồng ông bà Pierre Gueguen, người từng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tòa nhà, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về một "gia đình Việt Nam" thực sự mà ông cảm nhận được khi gắn bó với các thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam.
Ông Pierre Gueguen còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về Hiệp định Paris |
"Đó là niềm vui đối với tôi khi được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt Nam. Chúng tôi thường có 6 người chia làm hai ca bảo vệ an ninh trong khuôn viên ngôi nhà. Ngôi nhà nằm ở giữa hai tòa biệt thự, xung quanh các hàng rào với hàng xóm khá thấp, nên chúng tôi luôn phải canh phòng rất kỹ nhất là ban đêm. Đó là những ngày lịch sử mà cuộc đời tôi có may mắn được là một phần nhỏ trong đó", ông Pierre Gueguen chia sẻ.
Những người Việt trong Hội người Việt Nam tại Pháp, khi đó gọi là “Liên hiệp Việt kiều tại Pháp” đã tích cực vận động những bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Vào thời điểm đó, có tới 52 tổ chức hữu nghị chống chiến tranh – một con số kỷ lục, thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt nam.
Nhớ lại những ngày cùng các sinh viên người Việt 41 năm trước hỗ trợ các đoàn đàm phán, chú Bùi Thanh Tùng, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp, cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp hiệu quả với các sinh viên Pháp vào thời đó.
Chú Tùng cho biết:“Trong thời gian còn là sinh viên, do việc tiếp xúc với giới sinh viên nhiều trong các đại học Pháp, hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng có nhiều liên hệ với các bạn sinh viên Pháp và quốc tế. Và rõ ràng khi mình nói được cuộc chiến tranh Việt Nam là như thế nào và mục đích đấu tranh của chúng ta thì lúc đó, bạn bè Pháp, nhất là sinh viên, họ rất ủng hộ, hoàn toàn ủng hộ Việt Nam mình, rồi cùng nhau đi biểu tình. Đã có những lúc, các hội sinh viên Pháp, các công đoàn (CGT) của Pháp tham gia giúp đỡ cộng đồng người Việt mình đi biểu tình bằng cách giúp công tác bảo vệ an ninh, không cho các thành phần phá hoại vào phá cuộc biểu tình của mình”.
Tấm biển trước cửa khu nhà nơi đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu lại suốt gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris |
Cùng tham gia tích cực vào các hoạt động của hội Việt kiều khi đó, cô Thu Lê xúc động nhớ lại cảm xúc của mình trong ngày 27/1/1973: “Bây giờ nhớ lại những cảm tưởng đó thì cảm giác đầu tiên là tôi thấy mình sung sướng và hãnh diện vô cùng. Tôi chưa bao giờ thấy một cờ Việt Nam nào bay trên các con đường của nước Pháp một cách tự do, hào hùng như một hùng quốc nào khác, thì thật sự, tôi không biết lấy gì có thể đo cho được sự vui mừng đó”.
41 năm sau, Việt nam đã hòa bình và phát triển. Tiếp sau năm Pháp tại Việt 2013, năm nay sẽ là "Năm Việt nam tại Pháp". Một loạt các hoạt động có ý nghĩa sẽ được tổ chức và những ký ức về tình hữu nghị Việt–Pháp sẽ đầy ắp, không chỉ với những thế hệ từng tham gia vào câu chuyện lịch sử Hiệp định Paris 41 năm về trước mà cả với những thế hệ sau này./.