Biết đến bao giờ cuộc sống thương hồ của những phận người không quốc tịch ở xóm Việt kiều Tiên Bình (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) mới kết thúc. Câu hỏi ấy cứ mãi quay quắt! Bao nhiêu năm lặn lội mưu sinh nơi xứ người, bây giờ họ trở về vẫn hai bàn tay trắng. Hơn lúc nào hết, giờ đây người dân xóm Việt kiều lại mơ được đi học, dù chỉ là những lớp học tình thương.
Về quê hương học tiếng
Không sống nổi nơi con nước xứ người, họ đã dắt díu nhau trong lênh đênh dòng nước để trở về quê hương trong phận người không quốc tịch đầy chua chát như khóm lục bình lững lờ trôi về phía biển, nơi ấy là cố quốc. Ngay cả khi được trở về cố quốc sau những ngày lênh đênh trên mặt nước, người nào còn ghe thì ở trên ghe, người nào không có thì che tạm túp lều sống qua ngày. Không một người nào có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hoặc chí ít cũng nhớ được quê hương mình để chính quyền xác minh cấp giấy tờ và tạo điều kiện sinh sống. Đời ông đã thế, đời cha đã vậy, và đến đời những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày ở cái xóm này cũng thế.
|
Những ánh mắt đau đáu của lũ trẻ khi nghĩ về lớp học
|
Người lớn không biết chữ, trẻ em chỉ lõm bõm được vài từ học được từ lớp học tình thương buổi tối. Không giấy tờ tùy thân, không biết chữ nên người dân xóm Việt kiều ở Tuyên Bình cứ côi cút ngay trên mảnh đất ngày trở về. Ước mơ được đi học, được biết chữ, biết đọc, viết được tên mình hay chỉ đơn giản là ký nhận vào lá đơn nào đó cũng là khao khát cháy bỏng của không chỉ trẻ con, mà còn là của người lớn ở chốn này. Anh Miễn Văn Ưng (sinh năm 1981) buồn buồn cho biết: "Cả đời chẳng biết đến cái chữ. Đời cha không biết, đến đời mình cũng không biết. Đời con mình thì…” nói rồi anh xoa đầu đứa con mới hơn 5 tuổi. Anh Ưng bảo, chỉ mong con được đi học, nói tiếng Việt thôi, vì bây giờ cháu nói tiếng Miên còn sõi hơn tiếng Việt. Ngay cả bản thân anh cũng thế, những ngày mới trở về đất này cắm sào dựng lán ở, anh cũng chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt. Bởi gần nửa đời người sống trên sông nước Tôn Lê Sáp, chỉ gặp toàn người Miên, nói tiếng Miên, thi thoảng mới gặp người Việt nên số vốn từ vựng cha anh truyền lại rơi rụng dần. Lâu dần nên quên hết. Trở về cố quốc, sống giữa bà con quê xứ nên anh học tiếng Việt lại từ đầu, nhiều lúc vẫn còn ngượng ngọng lắm, nhưng như thế vẫn hơn. Con anh cũng thế, như anh bảo thì cháu nói tốt hơn anh, mà nói nhanh lắm, dẫu vẫn chưa nhiều.
Lý giải về việc đa phần Việt kiều không biết chữ, ông Nguyễn Văn Tri (84 tuổi) cho biết: "Tụi nhỏ sáng tối kéo lưới, đánh cá rồi đi bỏ chợ, thời gian đâu mà học. Cuộc sống bên đó khó khăn cũng chẳng ai dám cho con mình học. Đời sông nước, mỗi phương mỗi hướng đâu ai dám chắc mình sẽ ở một địa điểm để mà đầu tư!”. Ông Tri nói đến điều đó bằng cái giọng chua chát pha chút bất lực, như chính ông đã làm điều đó với những đứa con mình, và bây giờ đến những đứa cháu mình cũng vậy. Cả trăm thân phận đang trên những con thuyền mục nát nghèo xơ xác, lạc hậu, thất học...
Bây giờ về lại cố quốc, họ lại bắt đầu học tiếng Việt. Mà nào có lớp học cho đúng nghĩa, chỉ qua sự giao tiếp bình thường, qua công việc làm ăn thường ngày, qua cả nỗi nhớ tiếng mẹ đẻ còn hằn sâu trong tâm thức. Thế nên bây giờ dẫu còn khó khăn nhưng "người dân xóm này đã giao tiếp bằng tiếng Việt là chủ yếu, không như hồi mới về đây chỉ nói rặt tiếng Miên như lời lão ngư Nguyễn Văn Tri nói. Có lẽ lão ngư này chưa hiểu được một điều rằng tiếng mẹ đẻ là thiêng liêng nhất, rằng qua cả ngàn năm Bắc thuộc, nhiều thứ đã mất đi nhưng chỉ tiếng nói của dân tộc là còn mãi, trong sáng vô ngần. Dẫu sao, bây giờ có vào với xóm, sẽ chẳng thấy người dân nói tiếng Miên nữa. Hình như họ đã bắt đầu thực sự hòa nhập. Vậy còn lũ trẻ? Còn tương lai của xóm?
Tiếng bi bô nơi lớp học tình thương
|
Mọi đứa trẻ ở xóm Việt kiều luôn khao khát được đi học
|
Đây có lẽ là một lớp học đặc biệt nhất mà tôi từng biết, lớp học tập trung đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi gương mặt, đủ mọi hoàn cảnh bởi có trường hợp ba chị em đều học chung một lớp. Lớp tình thương này do các chú bộ đội biên phòng lập ra để dạy xóa mù chữ cho trẻ em nơi đây. Không kể tuổi tác, cứ cháu nào chưa biết chữ đều được nhập học vì vậy độ tuổi trong lớp cũng chênh lệch khá nhiều, em lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất 7 tuổi. Thậm chí trong một gia đình có ba chị em cùng theo học lớp này như chị em cô bé Võ Thị Kiều. Bé Kiều là con thứ 9 trong gia đình, năm nay 10 tuổi, chỉ nặng 19kg và vẫn đang học lớp 1. Bé Kiều cho biết nhà em có 3 chị em cùng học chung lớp 1.
Chỉ cách đây ít lâu cả thôn có trên 30 đứa trẻ đến tuổi đến trường, nhưng số được đi học chỉ đếm chưa đầy một tay, còn lại là mù chữ. Lũ trẻ nghe đến chuyện học, mắt cứ sáng rực lên, nhưng "chỉ học được buổi tối do mấy chị tình nguyện vào dạy thôi. Ban ngày còn phải phụ giúp gia đình trong cuộc mưu sinh, chỉ đến tối mới có thời gian rảnh để học. Lớp học cũng tuềnh toàng như chính ngôi nhà của chúng vậy, nhưng đó là niềm vui mà lũ trẻ hằng mơ ước. Nhìn những đôi mắt ngây ngô, những khóe môi mím chặt cố gắng, những bàn tay cặm cụi nắn nót viết từng con chữ đủ thấy niềm hạnh phúc của lũ trẻ như thế nào. Thầy Nguyễn Đoàn Công Phương, người đứng lớp chia sẻ: "Đây là một lớp học khá đặc biệt, các em nhỏ ở đây đa phần không được đến trường và chỉ được học ở lớp tình thương buổi tối từ 6h - 8h30 hàng ngày. Chúng tôi cố gắng dạy cho các em biết chữ, biết đọc, biết viết, nhưng tương lai thì vẫn vô cùng khó khăn, vì các em không có hộ khẩu, không được vào các trường học nên chẳng thể học lên cao hơn”.
Niềm vui của sấp nhỏ càng được nhân lên khi chúng đi học chữ về, lại có dịp khoe với cha mẹ những thành công ngoài mong đợi ấy. Mỗi lúc nhìn con mình viết được những vần i tờ, bi bô đọc những chữ cái hay một câu văn, câu thơ nào đó là lòng người làm cha làm mẹ lại sáng bừng lên một hy vọng mới./.