Học tiếng Việt ở Genève
Hội Nhịp cầu Hữu nghị ở Genève mở các lớp học tiếng Việt cho bà con Việt kiều và bạn bè Thụy Sĩ yêu thích tiếng Việt.
Cho dù là được sinh ra ở châu Âu hoặc đến đó khi còn rất nhỏ, đa phần người Việt Nam tại Thụy Sĩ vẫn luôn gắn bó với tiếng mẹ đẻ. Và trường Âu Lạc Việt thuộc hội Nhịp cầu Hữu nghị là một địa chỉ cho những ai yêu thích và muốn học tiếng Việt ở Genève.
Vào một buổi sáng thời tiết lạnh giá, chúng tôi đã có dịp tham dự một buổi học tiếng Việt của trường. Mặc cho tuyết rơi bên ngoài, không khí trong lớp học vẫn vô cùng ấm áp. Đây là lớp học trình độ 1 dành cho người lớn. Trong lớp có 6 học sinh, họ đang chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc khóa học với bài thi viết gồm dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, các bài tập ngữ pháp, ghép các từ đã cho thành câu có nghĩa, đặt câu với các từ gợi ý... Trần Hà Linh, một sinh viên đang làm luận văn thạc sĩ ở trường đại học Genève và là giảng viên của lớp, cho biết học viên của trường Âu Lạc Việt rất chịu khó và thích thú học tiếng Việt, cho dù với họ là một ngôn ngữ khó.
Tiếng Việt cho cả trẻ em và người lớn
Một buổi học tiếng Việt trình độ 1 ở trường Âu Lạc Việt. |
Đúng như tên gọi, Hội Nhịp cầu Hữu nghị ở Genève đóng vai trò là cây cầu nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Tổ chức các lớp học tiếng Việt cho bà con Việt kiều và bạn bè Thụy Sĩ yêu thích tiếng Việt là một trong những hoạt động chính của Hội.
Ở lớp học này, chúng tôi cũng gặp cô gái trẻ Mai Linh, 23 tuổi, có bố là người Thụy Sĩ và mẹ là người Việt. Mặc dù mới chỉ học tiếng Việt từ tháng 9/2012 nhưng sau vài tháng, cô gái này đã có thể giao tiếp khá tự tin với tôi. Mai Linh cho biết: "Ngoài hai buổi học ở trường Âu Lạc Việt, ở nhà em cũng chịu khó thực hành tiếng Việt với mẹ. Em thấy tiếng Việt khó nhất là phát âm, nhưng em sẽ cố gắng học để có thể nói chuyện với ông bà ngoại và mẹ của em bằng tiếng Việt nhiều hơn, tự tin hơn". Tháng 4/2013 tới đây, Mai Linh sẽ về Việt Nam để thực tập về quan hệ quốc tế ở một tổ chức Pháp ngữ ở Hà Nội. Chính vì thế, cô đang rất cố gắng trau dồi vốn liếng tiếng Việt.
Bà Huguette Micard, 64 tuổi, là học viên nhiều tuổi nhất của trường Âu Lạc Việt cũng tỏ ra hào hứng: "Thú thực là tiếng Việt phát âm khó nhưng tôi rất thích học. Sắp tới tôi sẽ về thăm lại quê hương. Tôi là người Việt Nam nhưng tôi đến Pháp từ rất sớm, lúc mới 7 tuổi, sau đó định cư ở Thụy Sĩ. Tôi không có nhiều cơ hội thực hành tiếng mẹ đẻ. Mãi cho đến bây giờ, khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian để ôn lại tiếng Việt", bà Huguette Micard tâm sự.
Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn - một Việt kiều sống ở Genève từ hơn 30 năm nay và là Chủ tịch hội Nhịp cầu Thái Bình - các khóa học tiếng Việt được mở từ năm 2005 với sự giúp đỡ của đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc ở Genève Ngô Quang Xuân. Lúc đầu, lớp học được tổ chức tại khuôn viên của phái đoàn Việt Nam tại LHQ, sau đó số học viên đông lên, hội phải tìm địa điểm khác rộng hơn cũng vẫn tại Genève để đáp ứng nhu cầu của học viên.
Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, mỗi tuần 2 buổi, thu hút cả người lớn và trẻ em, những người là con dâu, con rể người Việt ở Genève và cả những người Pháp, người Thụy Sĩ yêu mến tiếng Việt. Mỗi khóa học, song song với học ngữ pháp, từ vựng, phát âm, học viên còn được học về lịch sử, văn hóa và học ba bài hát bằng tiếng Việt (trong đó nhất thiết phải có một bài hát đồng dao hoặc dân ca và một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Theo ông Khẩn, bên cạnh việc mở lớp dạy tiếng Việt, trường Âu Lạc Việt còn tổ chức đón Tết trung thu, Tết cổ truyền để bà con Việt kiều ở Genève thêm gắn bó với quê hương đất nước./.