Hai tác giả Việt - Đức tâm huyết với giáo trình tiếng Việt
Chị Ngô Thị Bích Thu và anh Martin Großheim đã biên soạn cuốn “Tiếng Việt hiện đại 1” giúp người đọc hiểu về văn hóa, cuộc sống người Việt.
Thông thường, học được một ngoại ngữ không hề dễ, vì muốn sử dụng được thành thạo ngoại ngữ đó thì không phải chỉ phát âm đúng, học được nhiều vốn từ, học được cách đặt câu và ngữ pháp của ngôn ngữ đó, mà phải hiểu được tư duy, văn hóa của dân tộc đó.
Được gặp chị Ngô Thị Bích Thu và anh Martin Großheim, được xem cuốn giáo trình “Tiếng Việt hiện đại 1” (Modernes Vietnamesisch 1) mới xuất bản, xem cấu trúc cuốn sách, những phụ lục đi kèm có thể nhận thấy anh chị rất tâm huyết và có kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt, soạn giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, biết được những khó khăn và mong muốn của học viên khi học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người Việt.
Hai tác giả giới thiệu sách cùng với hai bạn trẻ Mai Phương Lan và Lê Việt Hưng, đại diện Nhóm vận động Đông Nam Á (AKS) của sinh viên Việt Nam tại Đức. |
Chị Ngô Thị Bích Thu từng tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Chị đã có 35 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, trong đó có 25 năm giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản.
Từ năm 2005 tới nay, chị là Trưởng bộ môn tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ trường Đại học Passau, CHLB Đức.
Anh Martin Großheim là Tiến sĩ Sử học, giảng dạy tại Viện Đông Nam Á thuộc trường Đại học Passau, từng nhiều năm học tập và nghiên cứu thực địa tại Việt Nam.
Anh đã có 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại trường Đại học Humboldt, Berlin, trường Đại học Passau và Viện Hàn lâm hợp tác Quốc tế CHLB Đức (AIZ).
Trong nhiều năm trời, hai anh chị đã dành tâm huyết nghiên cứu, biên soạn được cuốn giáo trình “Tiếng Việt hiện đại 1” dày 450 trang, gồm 13 chương, bao gồm các trình độ tiếng Việt cơ sở 1 (A1) tới trình độ trung cấp 1 (B1) dành cho người Đức hoặc các cháu người Việt sinh ra và lớn lên trên nước Đức.
Mặc dù người ta thường nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng chúng tôi cho rằng cái khó nhất đối với người châu Âu mới học tiếng Việt là phải phát âm cho chính xác.
Bởi vì tiếng Việt có sáu dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu), nếu phát âm sai, câu, chữ sẽ có nghĩa khác ngay.
Chính vì vậy, cuốn sách đã dành hẳn một chương cho ngữ âm tiếng Việt và các bài luyện tập phát âm.
Ngoài ra, các đối thoại trong từng chương cũng được ghi âm với 7 giọng Hà Nội chuẩn và được thực hiện tại Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Học viên có thể tải miễn phí những hồ sơ âm thanh theo định dạng MP3 này để luyện nghe.
13 chương của giáo trình tập trung vào những chủ đề thường nhật, được minh họa bằng nhiều tranh, ảnh thú vị. Mỗi chương đều có các bài hội thoại, bài đọc, bài tập thực hành phong phú, đa dạng để rèn luyện kỹ năng nói, nghe, đọc, viết cho học viên.
Khi nói chuyện, người Việt hay dùng thành ngữ, tục ngữ, nên mở đầu mỗi chương, học viên cũng được làm quen với một số thành ngữ, tục ngữ thông dụng.
Cuốn giáo trình cũng rất chú ý tới cách xưng hô, sử dụng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, một điều thường làm học viên người nước ngoài đau đầu, vì không biết lúc nào gọi là ông, bà, lúc nào gọi là anh chị, lúc nào gọi là em hay cháu…
Cuốn sách còn có phần phụ lục, đề cập tới những vấn đề văn hóa và đời sống xã hội của Việt Nam, những điều mà những người học tiếng Việt muốn tìm hiểu.
Đây không phải là lần đầu tiên hai tác giả này xuất bản sách liên quan tới tiếng Việt. Cách đây 5 năm, hai tác giả đã xuất bản cuốn từ điển “Thành ngữ - tục ngữ Việt – Đức tường giải” mang tiêu đề “Die Heuschrecke tritt den Elefanten oder David gegen Goliath” (Châu chấu đá voi hay là David chống lại Goliath).
Cuốn sách dày 160 trang, bao gồm gần 1500 thành ngữ - tục ngữ thông dụng trong tiếng Việt và những thành ngữ - tục ngữ tương đương trong tiếng Đức.
Đây là hai cuốn sách quý đối với những người muốn học tiếng Việt, kể cả đối với các cháu người Việt sinh ra và lớn lên trên nước Đức.
Cuốn từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt – Đức thậm chí còn cần thiết đối với những người Việt thạo tiếng Đức hoặc người Đức thạo tiếng Việt để so sánh tư duy của người Việt và người Đức trong sử dụng hình ảnh ngôn từ.
Hai cuốn sách đều do Nhà xuất bản Regiospectra ấn hành và đã được nhiều bạn đọc vui mừng đón nhận./.