"Sách cho nông thôn” là chương trình phi lợi nhuận, được khởi xướng từ tháng 3/2007 bởi anh Nguyễn Quang Thạch (Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) với mục đích kêu gọi, vận động và thành lập các tủ sách đặt tại mỗi dòng họ, mỗi lớp học và mỗi giáo xứ. "Sách cho nông thôn” nhằm mục đích đưa sách về gần hơn với những người dân sinh sống tại vùng nông thôn, nhất là các em nhỏ để họ có cơ hội dễ dàng được tiếp cận tri thức, nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học thường thức, cũng như làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của thanh thiếu niên đang sinh hoạt tại nông thôn...
Từ năm 2010, chương trình này đã thực sự gây tiếng vang và nở rộ khi huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được Nhà nước chọn là nơi thí điểm mô hình mẫu, để nhân rộng ra khắp cả nước. Tính đến hết tháng 9/2012, chương trình đã vận động và xây dựng được 100 tủ sách dòng họ trên 22 tỉnh, 520 tủ sách phụ huynh riêng ở Thái Bình, 21 tủ sách phụ huynh ở Hà Nội và 25 tủ sách giáo xứ ở 10 tỉnh thành khác nhau.
|
Các thành viên của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
với chương trình "Sách cho nông thôn”
|
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa vô cùng to lớn của việc đưa tri thức về với người dân nông thôn, cũng như ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của đất nước, Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức cũng đã chính thức phát động phong trào gây quỹ cho chương trình "Sách cho nông thôn” với đợt 1 được tổ chức từ ngày 26/10/2012 vừa qua. Anh Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức, tâm sự: "Được may mắn sinh sống và học tập trong một điều kiện thuận lợi, được tiếp xúc với cuộc sống văn minh, hiện đại, nhưng các sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức chúng tôi nói riêng và các bạn du học sinh Việt Nam nói chung không quên nghĩ đến những bạn chưa có đủ điều kiện học tập, nghiên cứu để phát huy hết tiềm năng của mình. Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức đã kêu gọi tất cả các bạn sinh viên - du học sinh Việt Nam cùng nhau chung sức cho một "Nông thôn Việt Nam an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn”. Mỗi người cùng chung tay góp sức để phát triển cho quê hương mình, dòng họ mình là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa to tớn!”
Chị Đỗ Thị Chính, Trưởng ban Tài chính - Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức cũng cho biết: "Chúng tôi luôn tin rằng với tinh thần hiếu học và tấm lòng đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam, tất cả mọi người sẽ cùng Hội chúng tôi góp thêm nhiều tủ sách nữa tới những vùng quê, tới những con người đang khát khao được tiếp cận kiến thức, thông tin. Cụ thể, ngay sau khi vừa khởi động chiến dịch, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của đông đảo các bạn quan tâm. Có rất nhiều bạn trẻ tại các thành phố ở Đức, cũng như các bạn trẻ đang sinh sống và học tập tại các nước bạn (Vương quốc Anh, Pháp, Ba Lan, Úc, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản) đã liên lạc với chúng tôi với mong muốn được nhân rộng chiến dịch này ra các nước sở tại. Riêng tại CHLB Đức, Hội chúng tôi đã nhận được số tiền đóng góp đáng kể của các bạn sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại các thành phố”.
Trong khi đó, theo lời anh Nguyễn Quang Thạch: "Thực tế đã chứng minh hiệu quả của mô hình này. Chúng tôi tin chắc khi được tiếp cận với khoa học, với tri thức sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về nhân cách và trí tuệ của hàng ngàn các em học sinh và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con đang sinh sống ở các miền quê Việt Nam. Kết quả bước đầu này rất đáng khích lệ và có ý nghĩa to lớn cho chương trình đưa sách về nông thôn. Đó là thành quả của tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ và lòng nhân ái không chỉ của các thầy cô giáo, các nhà tài trợ mà quan trọng hơn đó là sức mạnh của tình đoàn kết, của tình tương thân tương ái của mỗi người Việt ở cả trong và ngoài nước”./.