Dành nhiều tâm huyết đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Hoài Bắc (ảnh), một việt kiều tại Canada đã chia sẻ những ý kiến của mình đối với văn kiện chính trị pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam.
Việc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Hiến pháp 1992 đang thu thút sự quan tâm rất lớn của mọi tầng lớp nhân dân, cả bà con trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Là một người sống xa quê hương, ông đánh giá thế nào về lần sửa đổi Hiến pháp lần này?
Kể từ năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cho đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung. Nhưng trên thực tế, chưa bao giờ người dân trong nước và bà con kiều bào lại quan tâm đặc biệt đến việc đóng góp ý kiến cho lần sửa đổi Hiến pháp như lần này. Sự sôi động đó thể hiện thông qua các ý kiến trao đổi, đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân trong các cuộc hội thảo, các tham luận trực tiếp hoặc gián tiếp với cơ quan soạn thảo, sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong các luồng ý kiến đóng góp đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết đều nhất trí với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Ban Soạn thảo công bố. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những luồng ý kiến nên sửa đổi theo hướng này, theo hướng kia. Theo tôi, đó là điều tất yếu bởi người dân đóng góp vào bản Dự thảo đứng trên những quan điểm khác nhau.
Vấn đề đặt ra trên 2 góc độ khách quan và chủ quan: Chủ quan do Ban dự thảo Hiến pháp và các cơ quan có liên quan đã có nhiều thay đổi về cách nhìn, cách đánh giá, cách đặt vấn đề trong các chương, các điều mục của bản dự thảo đã gần với thực tế cuộc sống của người dân và tiếp cận gần với thế giới hiện đại hơn Hiến pháp 1992. Hiện nay với phương tiện đa chiều và thông tin đại chúng qua internet, báo mạng, báo giấy, phát thanh và truyền hình người dân được tiếp cận nhanh nhất, chính xác nhất và được trình bày quan điểm của mình cũng được rộng mở nhất. Từ đó giúp cho Ban soạn thảo cập nhật được nhiều thông tin tốt nhất và các thông tin này vô cùng hữu ích để hướng tới một bản Hiến pháp hoàn thiện hơn.
Nói về khách quan: Việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 có thể nói là quan trọng nhất. Hiến pháp sửa đổi lần này buộc các cơ quan soạn thảo và tham mưu cho Nhà nước phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể và được cộng đồng xã hội Việt Nam không chỉ trong nước và người Kiều bào tham gia góp ý. Hiến pháp là bộ luật khung của nền tảng quốc gia, từ Hiến pháp chúng ta mới triển khai được các đạo luật chi phối kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh quốc phòng... Để đáp ứng được đòi hỏi và yêu cầu của nhân dân, đất nước và phù hợp với sự tiến bộ của thế giới hiện tại và tương lai, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Muốn đạt được kết quả như mong muốn cần phải có thời gian và cân nhắc cẩn trọng về nội dung, câu chữ, văn phong. Chúng ta tuyệt đối không cho phép một Hiến pháp mang tính tương đối, tính dự án và chạy đua với thời gian tiến độ để hoàn thành. Có như vậy sau khi Hiến pháp mới ra đời mới bảo đảm tính xuyên suốt theo chiều dài lịch sử hàng trăm năm sau.
Trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều vấn đề liên quan đến kiều bào ta đang định cư ở nước ngoài – một bộ phận không thể tách rời của dân tộc đã và đang có những đóng góp rất thiết thực cho quê hương. Là một người con đất Việt luôn hướng về quê hương, ông có ý kiến đóng góp gì về lĩnh vực này với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992?
Đối với Người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài tôi thấy nên thay đổi Điều 19 mục 1: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo qui định của pháp luật là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt nam.
Lý do nên bổ sung điều này vào bản sửa đổi Hiến pháp 1992 vì: Từ khi mới thành lập nước với lực lượng Việt kiều còn rất ít nhưng Bác Hồ đã kêu gọi bà con kiều bào quay về góp sức xây dựng Tổ quốc. Đến nay người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã lên đến hơn 4,5 triệu người và có mặt hầu hết các nước trên thế giới. Đến nay đã có gần 4000 doanh nghiệp do bà con Việt kiều đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 8.4 tỷ USD. Ngoài ra họ là đội ngũ trí thức có học hàm và học vị đang tham gia vào các cơ quan tổ chức ở nước sở tại với khoảng hơn 350 nghìn người. Lượng kiều hối bà con kiều bào gửi về nước hàng năm là rất lớn và luôn tăng (khoảng 20% năm). Riêng năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kiều hối vẫn đạt 11.2 tỷ USD. Điều này đã minh chứng rằng, nếu Nhà nước biết khích lệ, kêu gọi và thu hút sức người, sức của từ bà con Việt kiều thì thành công sẽ lớn hơn, đóng góp của bà con với quê hương sẽ lớn hơn. Vì thế, việc sửa đổi Dự thảo Hiến pháp lần này phải làm sao tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để bà con có cơ hội đóng góp, thể hiện trách nhiệm của họ nhiều hơn với quê hương, với đất nước.
Ngoài những ý kiến đóng góp với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này về mảng Người Việt Nam ở nước ngoài, ông còn có trăn trở điều gì khác?
Về cơ cấu tổ chức chính quyền, theo tôi nghĩ Ban soạn thảo nên xem xét bổ sung một vài ý hoặc về câu chữ. Ví dụ như đối với Điều 4, Mục 1 viết: “… Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho quyền lợi hợp pháp của công nhân, nhân dân và cả dân tộc Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội... lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng…”. Theo tôi nên bỏ bớt một số câu chữ ở Mục 1 trong Điều 4, vì: Bất cứ một chính thể nào trên thế giới này khi được nhân dân giao quyền điều hành đất nước thì tôn chỉ đầu tiên được qui định trong Hiến pháp rằng Chính thể đó phải là đại diện cho quyền lợi hợp pháp của nhân dân nên chỉ cần là đại diện hợp pháp cho quyền lợi của nhân dân và xã hội đã đầy đủ ý nghĩa của nó rồi. Từ các năm 1945, 1954 và 1975 đến nay, Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập, có đầy đủ tư cách pháp nhân trên trường quốc tế, là một quốc gia độc lập, chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ có các điều kiện cần và đủ trong các chính sách đối nội và đối ngoại thì không cần thiết phải “lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt” mà chỉ cần lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh vì Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bao gồm và xuyên suốt các nhà tư tưởng lớn châu Á, châu Âu và châu Mỹ rồi.
Việc lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đang thu được những kết quả rất tích cực, vậy cá nhân ông có kỳ vọng gì vào lần sửa đổi lần này?
Thứ nhất, nên kéo dài thời gian để cho mọi tầng lớp người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài có cơ hội tham gia ý kiến, thứ hai Ban soạn thảo Hiến pháp cũng có được thời gian, không gian rộng hơn để tiếp thu chỉnh sửa. Điều này là rất quan trọng. Và quan trọng hơn là Đảng, Nhà nước, Quốc hội và những người có trách nhiệm sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến phản biện để “gạn đục, khơi trong”, nhận ra những gì mà Dự thảo Hiến pháp 1992 cần điều chỉnh, bổ sung. Bởi lẽ, Ban soạn thảo dù có “siêu việt” đến đâu cũng không thể sáng suốt hơn 90 triệu người dân được.
Mọi tầng lớp nhân dân trong nước cũng như bà con kiều bào nước ngoài tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp lần này theo tôi nghĩ sẽ có hàng triệu ý kiến tâm huyết. Và dĩ nhiên, trong hàng triệu ý kiến đó, sẽ có những ý kiến cần tranh luận nhiều hơn nữa. Điều quan trọng nhất, là Ban soạn thảo phải tiếp thu sàng lọc những góp ý được mọi thành phần trong xã hội đồng tình, ủng hộ trên tinh thần xuyên suốt “Lợi ích nhân dân và chủ quyền đất nước là tối thượng”.
Xin cảm ơn ông!