Nghĩa tình kiều bào ở Algeria
Khởi đầu, cộng đồng người Việt tại Algeria rất nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 50 hộ dân, được hình thành từ những năm 1960...
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, một số hàng binh thuộc đội quân lê dương châu Phi gốc Algeria xin ở lại Việt Nam và tình nguyện làm công nhân nông trường. Sau đó, số hàng binh này xây dựng gia đình với các nữ công nhân của nông trường và khi Algeria tuyên bố độc lập (1962), họ xin hồi hương và đem theo cả vợ con. Ở Algeria, phần lớn gia đình chồng Algeria - vợ Việt sinh sống tại Thủ đô Algiers, số còn lại sống rải rác ở các thành phố lớn như Oran, Annaba, Constantine, M'Sila cách Thủ đô 500-600 km.
Trong những năm 1980, một số chuyên gia y tế, giáo dục và thương nhân Việt Nam đã đến Algeria làm việc. Tuy nhiên, khi nạn khủng bố tại đây bùng phát, đa số họ phải sang châu Âu lánh nạn, chỉ có vài chuyên gia y tế ở lại do nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân bạn. Hiện nay, số chuyên gia này cũng trở thành một bộ phận tham gia sinh hoạt cùng với cộng đồng người Việt ở Algeria.
Sau năm 2003, nạn khủng bố ở Algeria dần được dẹp yên. Đảng cầm quyền Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) triển khai xây dựng xa lộ Đông-Tây dài hơn 1.000 km. Vì thế, các kỹ sư cầu đường, lái xe, công nhân Việt Nam đã tới Algeria làm việc trong một gói thầu phụ của nhà thầu Nhật Bản trên tuyến xa lộ này.
Chuyên gia Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc tại Algeria |
Đến năm 2006, thêm gần 1.000 người Việt Nam có mặt ở Algeria. Những lao động này đều có liên hệ mật thiết với Đại sứ quán để được bảo vệ, hỗ trợ giải quyết những khó khăn khi cần thiết.
Chủ tịch chưa biết chữ
Đời sống của bà con phần lớn còn nghèo, công việc chính là nghề tự do, mở tiệm ăn và buôn bán nhỏ. Ở nơi xa Tổ quốc nửa vòng trái đất, bà con vẫn luôn hướng về cội nguồn, vẫn theo dõi sát sao những đổi thay của đất nước.
Năm 2006, Đại sứ quán Việt Nam tại đây đứng ra thành lập Ban liên lạc Cộng đồng người Việt ở Algeria với mục đích tập hợp những nhân tố tích cực và có một trụ sở ổn định cho bà con đến sinh hoạt, thờ cúng tổ tiên, giao lưu nhân ngày lễ, Tết. Chủ tịch Ban liên lạc là một phụ nữ còn trẻ, nói tiếng Việt sõi nhất, nhưng đưa cho xem tờ báo Nhân Dân thì ngượng ngùng nói: "Em không biết đọc. Em không biết chữ tiếng Việt".
Ở thời điểm này, các cô dâu Việt xưa kia nay đã ngoài 60 tuổi. Sinh hoạt hàng ngày của bà con kiều bào thế hệ thứ hai và thứ ba tại đây chủ yếu dùng tiếng địa phương, thường là tiếng Ảrập và tiếng Pháp. Thế hệ người Việt thứ hai còn nói được đôi chút tiếng Việt nhưng với các kiều bào thế hệ thứ ba thì tiếng Việt yếu hơn rất nhiều.
Mặc dù bà con mong muốn học tiếng mẹ đẻ, nhưng việc tổ chức dạy tiếng Việt rất khó thực hiện do mọi người sống rải rác và giao thông đi lại không thuận lợi. Mặt khác, thầy giáo dạy tiếng Việt phải là người thạo tiếng Ảrập thì không có...
Thương nhớ Việt Nam
Mỗi khi nhận được tin có bão lớn đổ về miền Trung, bà con người Việt ở Algeria đều vô cùng trăn trở và triển khai hoạt động quyên góp. Số tiền quyên góp được có thể không lớn, nhưng tấm lòng hướng về quê hương của bà con thì vô cùng đáng quý.
Ở thành phố Annaba xa xôi, cách Algiers hơn 600 km, kiều bào Nguyễn Thị Nội đã vài lần gửi tiền nhờ Đại sứ quán Việt Nam chuyển về ủng hộ đồng bào bão lụt trong nước. Mỗi lần ủng hộ, bà Nội gửi khoảng 10-15.000 dinar (tương đương 200 USD) và đều gọi điện thông báo ngày giờ gửi, số tiền, sẽ đến bưu điện nào và nhờ Đại sứ quán gửi ngay về Việt Nam. Hỏi thăm thì được biết, bà Nội cũng thuộc diện nghèo, tiền ủng hộ phải xin con gái...
Gia đình Việt kiều này cũng như bao gia đình khác ở Algeria đều chung lòng thương nhớ về quê hương, chỉ mong được tới Đại sứ quán ăn Tết Nguyên đán, dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, thắp hương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương… Dù sống cách Algiers hàng trăm cây số, khi nhận được giấy mời đến Đại sứ quán dự các sự kiện quan trọng, các gia đình kiều bào đều lập tức thu xếp tham dự.
Ấn tượng về Tướng Giáp
Tôi đã có dịp đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dung, Việt kiều ở Algiers. Gia đình chị Dung sống trong một căn nhà nhỏ ở một xóm nghèo hẻo lánh giữa Thủ đô rộng lớn trải trên những ngọn đồi, một trong những thành phố cảng đẹp nhất thế giới. Chị Dung thuộc thế hệ kiều bào thứ hai, anh chồng người Algeria và cô con gái học đại học cũng nói được tàm tạm tiếng Việt.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là trong nhà chị có treo tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nơi trang trọng. Tôi hỏi thăm về tấm ảnh này, anh Kenza Ladjal, chồng chị, cho biết: Năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Algeria, các báo đưa tin và đăng ảnh Đại tướng. Thấy trên báo El Moudjahid (Người chiến sĩ), tờ nhật báo chính của Đảng FLN, có tấm ảnh Đại tướng đẹp nhất, anh Ladjal đã chọn cắt ra, đóng khung, để lên bàn thờ.
Người dân Algeria rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nói đến tướng Giáp là họ liên hệ ngay tới chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm nào. Hè năm 2006, nhân có Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ Algeria, một nghệ nhân Algeria ở tỉnh xa đến xem gian hàng Việt Nam và hỏi ngay: "Có phải Việt Nam là đất nước của tướng Giáp không?"./.