Những lời khẩn cầu từ “hòn đảo Thần Vệ Nữ”- chuyện buồn ngày áp Tết
VOV.VN - Hàng trăm (con số thực tế có thể nhiều hơn) lao động Việt Nam ở Bắc Síp đang gặp khó khăn cần được sự hỗ trợ
Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Đoàn công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sáng ngày 10/2/2015 với nhóm lao động không công ăn việc làm ở Bắc Síp tại quán Trà (không tên, cho người nghèo) giữa phố cổ, thành phố Lefkosa thật xúc động.
Với vị trí địa lý thuộc Tây Á, vùng Địa Trung Hải, cách bờ biển Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80 km, rất thuận lợi trên các tuyến đường biển dẫn đến các châu lục xung quanh, đảo Síp đã giữ tầm quan trọng về địa chiến lược từ nhiều thế kỷ và nay vẫn đang là nơi tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng vì vị trí “hòn đảo Thần vệ nữ” đó mà miền đất này đã chứng kiến nhiều làn sóng người lao động nhập cư từ các quốc gia như Thái Lan, Philippines, và Sri Lanka, cũng như số lượng lớn người cư trú thường xuyên thuộc các quốc tịch Nga, Anh và các quốc gia Liên minh Châu Âu khác. Ngoài ra, số cộng đồng người Nga, Ukraina, Bulgaria, Romania và các quốc gia Đông Âu ở Đảo cũng khá lớn (chủ yếu là người Hy Lạp Hắc Hải, nhập cư sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu). Trong tình cảnh chung đó, cũng rất dễ hiểu một phần không nhỏ cộng đồng người Việt từ các quốc gia trên và từ Việt Nam cũng tìm đường đến đảo Síp làm ăn.
Tại các buổi làm việc với các cơ quan hữu quan của Bắc Síp trong chuyến đi trên của Đoàn công tác, Bộ Lao động Bắc Síp cho biết: Theo thống kê tương đối chính xác của Bộ, chỉ tính riêng năm 2014, Bắc Síp đã đón nhận 2.245 người lao động nước ngoài hợp pháp trong đó có 365 lao động Việt Nam.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Lao động Bắc Síp: Trước đó, còn có khoảng 500 lao động Việt Nam có giấy phép lao động và số lao động bất hợp pháp rất nhiều (không có con số thống kê).
Số bất hợp pháp đến Bắc Síp theo nhiều con đường: Một mặt theo các hợp đồng giữa các nhà môi giới Bắc Síp với một số công ty lao động và môi giới Việt Nam; mặt khác, lực lượng thường trực, thường xuyên từ Nam Síp sang rất lớn (tại Nam Síp, có khoảng trên dưới 12.000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp).
Trong thời gian qua, công tác bảo hộ công dân ở Bắc Síp theo vụ việc hoặc xuất phát từ lời kêu cứu gửi trực tiếp tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thông qua Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nam Síp thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Italia (kiêm nhiệm Nam Síp). Nếu việc giải quyết vấn đề vẫn theo cách này, thì chắc chắn những lời kêu cứu nêu trên vẫn phải chờ đợi sự giúp đỡ và mỗi khi Tết đến Xuân về từng hoàn cảnh, từng số phận vẫn tủi hờn trong nước mắt.