Những người đẹp góp phần quảng bá ẩm thực Việt tại Úc
VOV.VN - Đến với nghề kinh doanh quán ăn một cách tình cờ, nhưng họ đang thành công trên con đường đưa món ăn Việt đến với thực khách Úc.
Chúng tôi gặp họ có thể nói là một sự tình cờ. Trong kế hoạch đề ra trước chuyến công tác tại Úc vừa qua, chúng tôi chỉ đề xuất được tiếp xúc, phỏng vấn một số Việt kiều đang sinh sống tại Úc và nhờ các đồng nghiệp tại Đài ABC Úc liên hệ giúp.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả hai người mà chúng tôi gặp gỡ trong chuyến công tác này đều là những người phụ nữ Việt nhỏ nhắn, xinh đẹp. Cả hai đều tới Úc theo tiếng gọi của tình yêu và hiện họ đều đang làm chủ những nhà hàng ẩm thực Việt làm ăn phát đạt tại Adelaide, Nam Úc.
Chị Ngô Lan Thiên Hương, chủ quán Nghi Ngân trả lời phỏng vấn phóng viên VOV |
Đến nước Úc theo tiếng gọi của tình yêu
Sinh ra và lớn lên tại cao nguyên Đà Lạt, năm 1980, Ngô Lan Thiên Hương cùng gia đình chuyển về sinh sống tại Sài Gòn. Năm 1983, chị gặp và yêu người sau này là chồng của chị. Tới năm 1985, phần vì kinh tế gia đình khó khăn, phần vì người yêu muốn đi tìm một vùng đất mới để làm ăn sinh sống đã đưa chị đến với nước Úc.
“Khi đó mình còn trẻ nên cũng không suy tính gì nhiều. Không nghĩ tới một đất nước xa lạ thì sẽ sống như thế nào, hay không biết tiếng thì sẽ tồn tại ra sao… chỉ nghĩ nếu tới đó sẽ chịu khó làm ăn phụ giúp gia đình. Trên hết là theo tiếng gọi của tình yêu, ảnh ở đâu thì mình ở đó”, chị cười tâm sự.
Rời Việt Nam, Ngô Lan Thiên Hương có một năm sống tại Indonesia. Cũng tại đây, anh chị làm đám cưới. Chị kể: Khi làm đám cưới xong, trong thâm tâm mình nghĩ, giờ mình đã có một gia đình nhỏ rồi, cần phải vun vén, chăm sóc cho nó chứ không trông chờ, ỷ lại vào gia đình, bố mẹ nữa. Vả lại, gia đình mình ở Việt Nam cũng không khá giả gì nên mình phải tự lo cuộc sống cho mình và gia đình thôi.
Xác định như vậy nên khi đặt chân tới Úc, chị không nề hà công việc gì có thể kiếm tiền nuôi gia đình, từ làm nông dân tới đi làm thuê cho các hãng. “Ai kêu mình làm việc gì mình cũng làm, kể cả những việc khi còn ở trong nước mình không bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Phần để kiếm tiền nuôi gia đình, phần nữa là trau dồi thêm ngôn ngữ”, chị Thiên Hương kể.
Trường hợp của Đỗ Thị Tươi có khác hơn một chút so với chị Ngô Lan Thiên Hương. 18 tuổi, cô gái sinh ra và lớn lên trên đất Tổ Hùng Vương, mới rời mái trường phổ thông này được cha mẹ cho đi du học ở Singapore. Tại đây, cô gặp và yêu Drant Dickson - một người Úc tới Singapore làm ăn. Theo tiếng gọi của tình yêu, cô theo Drant về Adelaide (Nam Úc) và cũng tại đây, cô tiếp theo học và tốt nghiệp với 2 bằng đại học về kinh doanh và thương mại.
Sau khi tốt nghiệp, cô và Drant cưới nhau, hai người về sinh sống tại quê chồng tại một thị trấn nhỏ ở Barossa (vùng trồng nho và làm rượu vang nổi tiếng của Úc). Ở quê hương hoàn toàn mới mẻ, rất ít người Việt sinh sống, cảm giác ban đầu của Tươi cũng rất buồn, nhất là khi nhớ về cha mẹ ở quê nhà. “Tình yêu của Drant đã giúp em vượt qua những bỡ ngỡ buổi ban đầu và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng dân cư nơi đây” Tươi kể.
“Người Úc nói chung rất thân thiện anh ạ, miễn là mình cởi mở và sống tốt và hòa mình với cộng đồng”. “Nước Úc là quê hương thứ 2 của em, nhưng tới giờ em nghĩ đây là quê hương mà em không thể rời xa được nữa”, Tươi khẳng định.
11 năm sống tại Úc, vợ chồng Tươi đã có với nhau 2 cô con gái xinh xắn. Tạm gác việc theo đuổi những hoài bão lớn khi sở hữu hai tấm bằng đại học danh giá, Tươi và Drant - một người sản xuất rượu vang có tiếng tại Barossa - mở một nhà hàng ẩm thực Việt có tên Ferment Asian tại Barossa. Nhà hàng nhỏ của hai vợ chồng luôn đông khách người Úc đến thưởng thức hương vị của món ăn Việt vào mỗi dịp cuối tuần.
Nhà hàng nhỏ của vợ chồng Đỗ Tươi - Drant nằm ở một thị trấn yên bình nhưng rất đông khách mỗi khi mở cửa |
Quyết định mở quán ăn Việt như một cơ duyên
Đi làm thuê cho các hãng được khoảng 10 năm, chị Ngô Lan Thiên Hương có khoảng nghỉ ngơi khoảng 3 tháng. Chị kể, trong khoảng thời gian nghỉ này, chị suy nghĩ nhiều về gia đình, muốn làm gì đó của riêng mình chứ không muốn đi làm thuê mãi nữa. Thật tình cờ, khi đó đọc một tờ báo thấy có đăng mẩu quảng cáo cho thuê địa điểm mở tiệm ăn và bản thân cũng rất thích nấu nướng, chị có quyết định ngay khi đó.
“Khi đi đến quyết định sẽ mở tiệm kinh doanh món ăn Việt Nam, thực sự mình không nghĩ nhiều đến thành công hay thất bại, chỉ nghĩ cần phải làm một cái gì đó để thay đổi. Mọi chuyện khác mình phó thác vào Chúa”, chị Thiên Hương nhớ lại những ngày đầu quyết định mở Nghi Ngân Quán của mình.
Đi đến quyết định thì đơn giản, nhưng bắt tay vào làm mới thấy hết sự vất vả. Mọi chuyện từ đi chợ, nấu ăn, phục vụ, dọn dẹp… đều phải tự làm tất. “Khi mới mở quán, mình đâu có đủ tiền để thuê người làm, chỉ trông vào sức mình và sự phụ giúp của chồng con, nhiều lúc nghĩ cũng cực”, chị Thiên Hương kể “Trong hai tuần đầu mình bị sút 7kg, không thể tưởng tượng được. Cũng may nhờ sự động viên và phụ giúp của gia đình, mọi chuyện cũng dần ổn thỏa”.
Với Đỗ Thị Tươi, việc mở nhà hàng Việt cũng là một sự tình cờ. Lấy chồng, sinh con và ở nhà nội trợ, cô nghĩ mình cũng nên làm một công việc gì đó. “Sao mình không mở một quán ăn Việt Nam tại vùng đất toàn những món ăn theo khẩu vị Đức? Biết đâu đó lại là một sự mới lạ và được yêu thích?”.
Nghĩ là làm, Tươi bàn với chồng, Drant rất ủng hộ ý tưởng của vợ. Hơn nữa, anh là một người sản xuất rượu vang, biết đâu sự kết hợp giữa rượu vang Úc và những món ăn Việt Nam lại đem đến một trải nghiệm thú vị.
“Từ ngày mở nhà hàng, em có thêm rất nhiều những người bạn Úc. Khi đến với quán của mình, họ kể nhiều chuyện như vừa đi du lịch Việt Nam về, rất thích đồ ăn Việt Nam, thích cuộc sống nhộn nhịp ở Việt Nam… mình cũng cảm thấy rất tự hào”, Tươi kể. “Mọi người cũng rất ngạc nhiên khi thấy một nhà hàng Việt tại vùng này và em cảm thấy rất hạnh phúc vì họ thích những món ăn mà em nấu”.
Nghi Ngân Quán của chị Thiên Hương giờ đã mở rộng và phát triển hơn rất nhiều so với buổi ban đầu. Món ăn của quán cũng vậy, từ chỗ chỉ có những món đơn giản như cơm, phở, hủ tiếu, “Đó là những món ăn mình thích và mình đem chúng ra kinh doanh”, giờ đây quán đã có thêm nhiều món mới như chả giò, chạo tôm, hay là những đồ ăn khác theo yêu cầu của khách.
“Giờ mình ngày càng có nhiều khách người Úc, họ thích uống rượu, chính vì vậy mình phải nghĩ ra các món ăn phù hợp với các loại rượu đó. Hiện món được ưa thích nhất của quán là Bò 7 món, thực khách Úc có thể nướng, cuốn bánh tráng và chấm mắm nêm. Họ rất thích”, chị Thiên Hương hồ hởi kể. “Trong tương lai, mình dự định sẽ chuyển quán ăn đến một địa điểm lớn hơn, ở khu phố sầm uất hơn, bởi cơ ngơi hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu của khách”.
Vài năm một lần, chị Thiên Hương lại sắp xếp công việc và đưa cả gia đình về Việt Nam du lịch. Chị bảo, đó vừa là một dịp để cho con cái thăm lại quê cha đất tổ, vừa là dịp để chị khám phá thêm những món ăn mới lạ của Việt Nam. “Ở Việt Nam bây giờ có rất nhiều món ăn mới lạ và rất ngon. Mỗi lần về, mình học hỏi thêm được chút xíu, mang về quảng bá với thực khách ở bên này”.
Gia đình Đỗ Tươi chụp ảnh lưu niệm cùng phóng viên VOV trước nhà hàng nhỏ của họ |
Với Đỗ Thị Tươi, dù lâu rồi chưa về lại Việt Nam nhưng chị đã bảo lãnh cho bố mẹ sang Úc được 4 năm. Qua bố mẹ, qua nghe Đài, qua những thông tin trên mạng Internet, chị cũng có điều kiện hiểu thêm về quê hương cũng như làm dày thêm những món ăn mang phong cách và hương vị Việt.
Hôm chúng tôi hẹn đến phỏng vấn Đỗ Thị Tươi vào đúng buổi trưa, quán ăn của chị lúc này đang đông khách nên chúng tôi phải tìm một quán ăn khác. Buổi chiều quay lại, Drant – chồng Tươi bảo: Rất tiếc là các anh chị không ở lại thưởng thức các món ăn Việt của quán. Các món ăn này kết hợp với rượu vang của vùng Barossa mang lại một hương vị tuyệt vời. Chả biết có phải anh nói khéo để quảng cáo cho quán ăn hay không nhưng tôi thầm nghĩ: Sự kết hợp văn hóa Việt – Úc thông qua phong vị ẩm thực có lẽ là sự kết hợp nhẹ nhàng, sâu lắng nhất, gần gụi nhất./.