Những người thầy U80 miệt mài ươm mầm tiếng Việt trên đất Thái
VOV.VN - Tại Trụ sở Hội người Việt tỉnh Udon Thani, một lớp học đặc biệt với các thầy cô đã ở độ tuổi U70, U80 vẫn duy trì đều đặn hai buổi mỗi tuần với ước mong lan tỏa tình yêu tiếng Việt không chỉ tới con em kiều bào mà còn cả người Thái mọi lứa tuổi.
Ghé thăm Phố Việt Nam - Vietnam Town ở tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, vào một buổi chiều muộn cuối tuần khi hàng quán đã đóng cửa hết, dưới ánh đèn vàng ấm áp tỏa ra từ Trụ sở Hội người Việt tỉnh Udon Thani là những bà giáo, ông giáo Việt kiều đã cao tuổi ăn vận chỉn chu, kiên nhẫn ngồi đợi các em học sinh của mình tới lớp – lớp học tiếng Việt trường Khánh An.
Lớp học tiếng Việt ở Vietnam Town - Udon Thani
Tại trụ sở Hội người Việt tỉnh Udon Thani trong phố Vietnam Town, một lớp học đặc biệt với các thầy cô đã ở độ tuổi U70, U80: thầy Đon, thầy Chun, cô Hường, cô Hằng, cô Thế, cô Lan, cô Oanh, cô Hà, cô Ánh, vẫn duy trì đều đặn hai buổi mỗi tuần với ước mong lan tỏa tình yêu tiếng Việt không chỉ tới con em kiều bào, mà còn cả người Thái mọi lứa tuổi ở Đông Bắc Thái Lan.
Cô Hường, giáo viên phụ trách lớp tiếng Việt trường Khánh An tại Vietnam Town, chia sẻ: “Mình tổ chức lớp học vào tối thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần cho các cháu. Lớp học có đủ mọi trình độ, các cháu vào học lúc nào là các các cô nhận lúc đấy vì các cô cần học trò lắm. Có bố mẹ hay ông bà dắt các cháu tới, dù ở trình độ nào các cô cũng chạy ra đón, đấy cứ như tranh khách vậy, trình độ nào cũng dạy được hết, từ vỡ lòng cho đến tập nói”.
Cô giáo Oanh, người đã gắn bó với lớp học tiếng Việt trường Khánh An từ những ngày đầu thành lập cách đây 7 năm, cho biết: “Hiện lớp học có 9 giáo viên, chia thành 9 nhóm nhỏ học theo trình độ của 25 học viên. Lớp có học viên mới liên tục do học viên đang học dở phải dừng vì ở quá xa hay các cháu phải đi học thêm tới muộn không tham gia được cũng nhiều, thành ra phải sắp xếp lại trình độ liên tục. Các cháu dù phải đi học thêm nhưng vẫn rất tích cực, có khi học thêm đến 7 giờ tối mới về mà cũng cố đến học chữ Việt cho bằng được”.
Gần 7h tối, các em học sinh tới lớp đông dần, đủ mọi lứa tuổi, từ bé gái người Thái mới đang học lớp 1, các em học sinh, sinh viên đủ các cấp là con em của kiều bào sinh sống tại Udon Thani, cho tới học viên lớn tuổi đã đi làm, hay cả gia đình ba người gồm bố mẹ và con trai 10 tuổi cũng tới tham dự lớp học.
Lớp học bắt đầu khi các học viên đứng trang nghiêm và đồng thanh hát Quốc ca Việt Nam rồi đọc to 5 điều Bác Hồ dạy. 9 nhóm học sinh do 9 thầy cô phụ trách bắt đầu giờ học sôi nổi, nhóm thì tập viết chữ, nhóm thì học đánh vần, đọc thơ hay học câu chữ tiếng Việt qua những ca khúc Việt Nam.
Dưới sự hướng dẫn của cô Hà (cô Tun), chị Túc-ta (tên tiếng Việt là Hằng Nga), cùng chồng và con trai ôn lại bài thơ đã học từ buổi trước. Có bố mẹ là người Việt nhưng không có nhiều cơ hội nói tiếng Việt, chị Túc-ta quyết định tới lớp học tiếng Việt trường Khánh An cùng chồng và con trai út đã 10 tuổi của mình.
“Chị sinh ra ở Thái, bố mẹ là người Việt, và hiện đã học ở trường Khánh An được 1 năm rưỡi. Chị muốn nói tiếng Việt được, muốn cho con nói tiếng Việt được theo, muốn cho con học tiếng Việt. Chị tự hào là người Việt Nam và muốn con cũng tự hào có dòng máu Việt”, chị Túc-ta chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Túc-ta, lớp học còn là cái nôi đào tạo nhiều con em kiều bào đã giành giải cao trong các cuộc thi nói tiếng Việt toàn Thái, trong đó có cuộc thi tiếng Việt Spelling Bee 2024 do trường Đại học Maha Sarakham tổ chức ở Đông Bắc Thái Lan hay cuộc thi sinh viên nói tiếng Việt toàn Thái vào cuối tháng 11/2024 tại trường Đại học Srinakharinwirot ở thủ đô Bangkok.
Gửi gắm tình yêu đất nước qua những con chữ tiếng Việt
Trường dạy tiếng Việt Khánh An được thành lập vào năm 2017 từ ý tưởng của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành và Chủ tịch Hội người Việt ở tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa, cùng sự hỗ trợ tham gia của tập thể kiều bào yêu nước ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trong đó có các thầy cô giáo vẫn tham gia dạy học cho tới ngày nay như cô Oanh, cô Hường, thầy Chun, cô Hằng, cô Thế…
Lớp học ban đầu được đặt tại chùa Khánh An - ngôi chùa Việt ở tỉnh Udon Thani và được đặt tên là Trường dạy tiếng Việt Khánh An.
Cô giáo Oanh nhớ lại: “Thành lập trường Khánh An, tôi chỉ thông báo thế là một số giáo viên đến tình nguyện dạy luôn, có đến 10 giáo viên dạy. Lúc đầu cũng rất lo vì bài vở chưa có mà nếu lấy nguyên si sách ở bên Việt thì dạy các cháu lại không phù hợp. Một là lo sách giáo khoa, hai là lo thầy cô đến dạy. Thầy cô giáo Việt kiều dạy tiếng Việt ở Thái từ những năm 1975 bây giờ cũng nhiều tuổi rồi nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, có người 70, có người hơn 60 tuổi nhưng vẫn yêu việc dạy tiếng Việt, nhất là họ thấy việc giữ gìn tiếng Việt trong thế hệ thứ ba, thứ tư của Việt kiều tại Thái Lan là điều cần thiết và là trách nhiệm”.
Ngoài dạy chữ, nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, các thầy cô còn dạy các cháu hát, múa bài hát Việt, đọc thơ Việt, đọc những câu thơ của Bác Hồ, ca dao tục ngữ, hay tổ chức những sự kiện chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ quan trọng như Ngày Quốc khánh 2/9, ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc.
Phong trào dạy tiếng Việt tại trường Khánh An hết sức sôi nổi với con số hơn 40 học viên trong ngày đăng ký đầu tiên, rồi dần dần lên tới con số cao nhất là 65 học viên với đủ mọi lứa tuổi. Từ mục đích ban đầu là dạy cho các cháu nhỏ không biết tiếng Việt, trường mở thêm 2 lớp dạy cho cả người lớn là ông bà, bố mẹ các cháu học cùng mỗi buổi đưa các cháu tới lớp.
Niềm vui ánh lên trong ánh mắt cô giáo Oanh khi nhớ lại những ngày hoạt động đầu tiên của Trường dạy tiếng Việt Khánh An: “Tất cả những người đi học bảo là khi chưa đi học tưởng giỏi lắm mà đến đây mới biết là chưa thạo tiếng Việt, đến đây mới được học. Còn riêng các cháu thì rất thích vì các cháu cũng thấy tự hào khi đến trường Thái khi bạn chỉ biết 2 thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Thái còn mình lại có thêm một thứ tiếng là tiếng Việt, và các cháu cũng tự hào là người Việt”.
Sau thời gian phải tạm dừng do dịch Covid-19, lớp học tiếng Việt trường Khánh An chính thức nối lại và chuyển địa điểm tới trụ sở Hội người Việt tỉnh Udon Thani trong khu phố Vietnam Town vào ngày 13/6/2023. Một lần nữa quay lại vạch xuất phát, các thầy cô giáo của trường dạy tiếng Việt Khánh An dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng vẫn không nản lòng, đều đặn mỗi tuần kiên trì truyền dạy tiếng Việt cho bất kỳ ai muốn học, không ngừng lan tỏa con chữ tiếng Việt trên đất Thái Lan.
“Mục đích của các cô là muốn tiếng truyền Việt cho các cháu để gìn giữ được tiếng Việt. Bây giờ người Việt mà không nói tiếng Việt thì hết mất, cho nên các cô khó khăn mấy cũng dạy được. Giáo trình thì các cô phải tùy theo học sinh mà dạy vì giáo trình bên Việt Nam cho rất nhiều nhưng chưa phù hợp, phải tự soạn giáo trình riêng do lứa tuổi trình độ các em học viên không đồng đều”, cô Hường tâm sự.
Ươm mầm tiếng Việt – cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
Hai buổi mỗi tuần, lớp học tiếng Việt trường Khánh An ở Vietnam Town lại sáng đèn, vang lên tiếng đọc số, đọc chữ, đọc thơ Việt của con em kiều bào Việt Nam hay những em học sinh người Thái yêu tiếng Việt.
Các thầy cô tự hào khi các em đều có thể giới thiệu được tên mình, kể về bản thân, gia đình, trường lớp của các em bằng tiếng Việt, thậm chí còn có thể hát và đọc thơ tiếng Việt, hiểu được ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy, có tình cảm hướng về Tổ quốc, quê hương.
Thầy giáo Trần Trọng Tài, tên thường gọi là thầy Chun, nay đã xấp xỉ 80 tuổi, bày tỏ sự hài lòng khi cháu học sinh người Thái ít tuổi nhất lớp do thầy kèm cặp nay đã có thể đếm số lưu loát bằng tiếng Việt.
“Tôi đã đồng hành cùng các thầy cô ở đây từ những ngày đầu thành lập trường Khánh An, chấp hành theo đường lối của Đảng, của Chính phủ: Tiếng Việt còn thì người Việt còn, người Việt còn thì nước Việt Nam còn. Chúng tôi dạy học ở đây cũng vất vả lắm vì như là dạy người ngoại quốc vậy do các em không có vốn tiếng Việt nào hết, phải dạy, phải kèm, phải dịch tiếng Việt sang tiếng Thái cho các em”, thầy Chun cho biết.
Không to tát, phô trương, các thầy cô giáo kiều bào cao tuổi vẫn lặng lẽ góp sức, hướng về Tổ quốc trong giai đoạn chuyển mình của đất nước, âm thầm mong một tương lai ngày càng rạng rỡ hơn cho Việt Nam. Cô giáo Oanh tâm sự: “Các thầy cô giáo ở đây giờ chỉ biết góp sức cho đất nước bằng cách truyền dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ, để các cháu biết yêu Tổ quốc và biết nguồn gốc là người Việt Nam, thấy trách nhiệm phải đóng góp cho đất nước sau này. Biết đâu trong số 25 em học sinh ở đây sẽ có em thành người tài giỏi, biết quay lại đóng góp cho đất nước, đó sẽ là điều rất đáng mừng đối với những người giáo viên như chúng tôi”.
Giống như những cây tre Việt Nam kiên cường vươn mình trong nắng gió, các thầy cô dù cao tuổi vẫn luôn cần mẫn cố gắng không ngừng truyền dạy tiếng Việt cho các thế hệ con em kiều bào, nỗ lực chuẩn bị cho tương lai của Việt Nam.
Cô giáo Thế khẳng định: “Tiếng Việt còn thì người Việt còn nên chúng tôi cũng cùng với đất nước vươn lên bằng cách làm thế nào để các em biết được tiếng Việt. Dù tuổi già vẫn cố gắng để trao lại cho các em tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình, để các em biết được phong tục của người Việt Nam như thế nào, ngày lễ, ngày tết, yêu Bác Hồ, biết được Bác Hồ là ai, những lời Di chúc của Bác mấy chục năm rồi cũng vẫn truyền lại cho các em biết, làm thế nào để thấy đất nước ngày càng vươn mình lên cao”.
Không phụ sự dạy dỗ của thầy cô trường Khánh An, em Thanakorn, tên tiếng Việt là Huy Hoàng, đã giành giải Nhất với điểm tuyệt đối 30/30 môn viết và nói tiếng Việt tai cuộc thi Nói tiếng Việt Spelling Bee 2024 của trường Đại học Maha Sarakham ở Đông Bắc Thái Lan.
Huy Hoàng cho biết em quyết tâm học thật tốt để sau này có thể góp phần nhỏ bé xây dựng Việt Nam - quê hương mà ông bà, cha mẹ em vẫn luôn nhắc trong những câu chuyện thường ngày: “Em tên là Huy Hoàng, năm nay em 16 tuổi, học lớp 10 ở trường Udonpittayanukoon. Em đã học tiếng Việt được 6 năm, chủ yếu học ngoài giờ học trên lớp. Lúc đi học trên tỉnh Udon Thani thì em học tiếng Việt với cô giáo Oanh ở Vietnam Town. Nếu có điều kiện, em cũng muốn được đi dạy tiếng Việt và góp sức nhỏ bé cho Việt Nam”.
Trải qua bao thăng trầm, dù có lúc bị ngắt quãng khi các lớp học tiếng Việt ở Thái Lan phải đóng cửa hoàn toàn vào năm 1975 do tình hình quá khó khăn, phong trào dạy và học tiếng Việt ở tại Thái Lan vẫn duy trì bền bỉ, ươm mầm tiếng Việt cho biết bao thế hệ con em kiều bào tại Thái Lan.
Hình ảnh các thầy cô giáo Việt kiều đã ở lứa tuổi thất thập cổ lai hi với phong thái chỉn chu, mực thước, hàng tuần vẫn đều đặn kiên nhẫn đợi các em tới lớp học tiếng Việt ở Vietnam Town thật đẹp và ấm áp, là minh chứng cho tình yêu quê hương, Tổ quốc luôn sáng mãi trong trái tim kiều bào Việt Nam tại Thái Lan cũng như trên khắp thế giới.