Tình hình Syria không ảnh hưởng tới kiều bào ở Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN -Phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình công dân Việt Nam tại nước sở tại.
Trong những ngày qua, nhiều biến động xảy ra tại khu vực, đặc biệt là Syria cũng như khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Đại sứ quán Việt Nam tại địa bàn tập trung quan tâm theo sát cuộc sống của bà con ta tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt luôn coi công tác cộng đồng và bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm.
Để hiểu thêm về cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Thế Cường.
PV: Xin Đại sứ cho biết về tình hình của cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay ra sao?
Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng người Việt tương đối khiêm tốn. Theo thống kê tương đối chính xác, đến nay ta mới có khoảng 49 công dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về cơ bản, công dân Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Qua tiếp xúc thường xuyên của chúng tôi với Tổng cục An ninh của nước bạn, được biết là không có vấn đề gì lớn trong cộng đồng của mình.
PV: Thưa Đại sứ, tình hình hiện nay có tác động hay ảnh hưởng đến đời sống của bà con ta không?
Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Về cơ bản, chúng tôi thấy tình hình hiện nay, đặc biệt là cuộc chiến ở Syria, về mặt tổng quan tác động đến cuộc sống của người Thổ Nhĩ Kỳ nói chung cũng như bộ phận cộng đồng người nước ngoài ở đây.
Nhưng về đặc thù, bản thân chúng tôi trực tiếp đến vùng biên giới có cộng đồng người Việt, chỉ có 1 gia đình, nhận thấy cuộc sống của họ ổn định, việc quản lý tương đối tốt.
Chẳng hạn, tại thành phố này có trên dưới 40.000 người Syria nhập cư, không kể số người Syria đã từng sang đây làm ăn sinh sống, nhưng quản lý của họ rất tốt.
PV: Thưa Đại sứ, trong bối cảnh hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách hỗ trợ bà con ta như thế nào, đặc biệt là về những chính sách về lâu dài?
Đại sứ Nguyễn Thế Cường: Chính sách đối với cộng đồng của ta ở nước ngoài phải xuyên suốt và có nền tảng từ trước, và khi có những tình hình đặc biệt hoặc sự cố xảy ra thì điều đó giúp chúng ta nhanh chóng hỗ trợ cộng đồng của mình.
Chúng tôi xác định, công tác cộng đồng và bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ chính của cơ quan đại diện, cho nên ngay từ khi sang nhận nhiệm vụ ở đây, dù số người Việt ở đây rất ít, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng cộng đồng trên các mặt, chủ động đến với cộng đồng.
Bản thân tôi đã trực tiếp đến những nơi có cộng đồng. Đồng thời xây dựng mối quan hệ mới ở cộng đồng, tức là tạo một môi trường thân thiện giữa cộng đồng, không chỉ tại cơ quan mà còn tạo thuận lợi cho cộng đồng khi họ cần đến sự giúp đỡ của Đại sứ quán. Đồng thời, chúng tôi có cán bộ chuyên trách đối với cộng đồng sinh viên. Một điểm nữa tôi nghĩ rất cần thiết là xây dựng đường dây nóng.
Do hoạt động đối ngoại ở khu vực Hồi giáo nói chung và đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi giáo ôn hòa, nhưng vẫn có những thành phần quá khích đánh bom các cơ quan đại diện ở đây.
Do đó trong công tác hàng ngày, đặc biệt từ khi có bất ổn ở Syria, chúng tôi luôn nhắc nhở cán bộ công nhân viên chức giữ đúng kỷ cương trong tiếp xúc đối ngoại và khéo léo xử lý tình hình khi ta đang công nhận chính quyền Syria.
Đồng thời tôn trọng sinh hoạt và tập tục của người đạo Hồi, tránh bị lôi kéo vào các hoạt động biểu tình. Ngoài ra, điều hết sức quan trọng là phải quan hệ tốt với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là bộ phận chuyên trách kiều dân; trực đường dây nóng và có báo cáo để hỗ trợ xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.