Liên Hợp Quốc đã có báo cáo về vũ khí hóa học của Syria
VOV.VN -Phát hiện của đoàn thanh sát có thể sẽ cung cấp manh mối về thủ phạm thực sự đứng đằng sau các cuộc tấn công.
Ngày 16/9, Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ công bố kết quả cuộc điều tra của đoàn thanh sát LHQ về những cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công làm hơn 1.400 người chết hôm 21/8 gần Damascus.
Liên Hợp quốc cho biết, ngày 15/9 các báo cáo điều tra đã được bàn giao cho Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Trưởng đoàn thanh sát LHQ Ake Sellstrom trao báo cáo về vũ khí hóa học ở Syria cho Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 15/9(Ảnh: United Nations) |
Đoàn thanh sát của Liên Hợp Quốc do nhà khoa học người Thụy Điển Ake Sellstrom, một chuyên gia trong lĩnh vực giải trừ quân bị và các vấn đề về vũ khí hóa học đứng đầu.
Các chuyên gia về vũ khí hóa học đã đến Syria ngày 18/8 và lưu lại đây 2 tuần để tiếp cận các khu vực có cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và thu thập các mẫu vật. Họ đã dành phần lớn thời gian để tiến hành điều tra về cáo buộc đối với vụ tấn công hôm 21/8 gần Damascus.
Vấn đề về vũ khí hóa học ở Syria hiện đang là chủ đề khiến cả thế giới quan tâm. Những hình ảnh trong một đoạn video được quay sau vụ tấn công hôm 21/8 đã khiến cả thế giới choáng váng. Trong đoạn băng, các nạn nhân đều có những biểu hiện khó thở, miệng sùi bọt mép, các xác chết được quấn trong những tấm vải trắng nằm la liệt, trong đó có không ít nạn nhân là trẻ em.
Phe đối lập đã đổ lỗi cho quân đội Chính phủ Syria đứng đằng sau cuộc tấn công này trong khi đó Chính quyền Tổng thống Assad lại cho đây là kịch bản của lực lượng nổi dậy để kêu gọi sự can thiệp của quốc tế vào cuộc nội chiến ở Syria.
Giới chức Mỹ sau đó đã đưa ra kết luận cho rằng, quân đội Syria chính là thủ phạm gây ra cuộc tấn công. Theo đó, phe Chính phủ đã sử dụng chất độc thần kinh sarin trong cuộc tấn công gần Damascus hôm 21/8 làm hơn 1.400 người thiệt mạng trong đó có hơn 400 trẻ em.
Để trừng phạt Chính phủ Syria vì cho rằng, ông Assad vượt qua “ranh giới đỏ”, Tổng thống Obama đã lên kế hoạch tấn công quân sự vào Syria nhưng vào phút chót, đề xuất của Nga đặt kho vũ khí của Syria dưới sự kiểm soát của công đồng quốc tế đã cứu vãn được tình hình. Syria cũng đã đồng ý trở thành thành viên của một điều ước quốc tế cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học.
Nhiệm vụ của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria là xác định xem liệu có đúng là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc chiến tại đây hay không, đoàn thanh sát sẽ không tìm hiểu xem thủ phạm sử dụng loại vũ khí chết người này là ai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những phát hiện của đoàn thanh sát có thể sẽ cung cấp manh mối về thủ phạm thực sự đứng đằng sau các cuộc tấn công./.