“Tôi biết đến quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ có Fidel”
VOV.VN - Ông Rodrigo luôn cảm kích người lãnh tụ Cuba vĩ đại Fidel Castro vì đã tạo điều kiện cho ông được đến sống và làm việc ở Việt Nam vào những năm 70.
Dường như với Rodrigo Rodríguez, sự thay đổi giọng điệu trong cách nói chuyện cũng không đủ để diễn tả hết những xúc cảm của ông khi kể về những tháng ngày ông góp mồ hôi, công sức cho công cuộc tái thiết Việt Nam.
Chính vì thế mỗi một câu nói ông đều kèm theo rất nhiều điệu bộ cử chỉ. Trong ánh nhìn của ông chất chứa bao nhiêu tình cảm. Đôi mắt ông phản chiếu nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có cả nỗi đau, sự tức giận và cả niềm hi vọng nữa. Với Việt Nam, Rodrigo Rodríguez luôn hướng đến với một lòng biết ơn sâu sắc.
Với Việt Nam, Rodrigo Rodríguez luôn hướng đến với một lòng biết ơn sâu sắc. |
Ông Rodrigo Rodríguez, người Guantanamo, kể lại quãng thời gian của mình tại Việt Nam: “Nếu không nhờ Fidel thì chắc có lẽ tôi đã không bao giờ có cơ hội được biết đến quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông nói nhấn giọng và khẳng định: “Tôi luôn nhớ điều này và mãi biết ơn Fidel. Với vợ con mình tôi cũng luôn nhắc đi nhắc lại như vậy.”
Bị sốc trước sự tàn phá của chiến tranh
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm ngày xưa vẫn hiện lên rõ mồn một và rồi khi nó được ông xâu chuỗi lại, bất kì ai nghe chuyện cũng có thể hình dung được mức độ khốc liệt của thời gian đó; đã có lúc ông không thể kìm nén được nỗi đau cũng như sự phẫn nộ.
“Đó là vào năm 1974, khi tôi vừa bước sang tuổi 28. Người ta hỏi tôi có sẵn sàng đến Việt Nam để hỗ trợ công cuộc tái thiết tại đó không. Tôi đồng ý không một giây ngần ngại cho dù vì chuyến đi đó tôi phải hoãn đám cưới của mình, nhưng may thay tôi có sự thấu hiểu của người con gái mình yêu”. Người đàn ông 70 tuổi tiếp tục câu chuyện của mình tại căn phòng khách nhỏ bé trong căn hộ nằm ở khu Caribe, phía Bắc thành phố Guantanamo.
Rodrigo Rodríguez được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị. Tờ chứng nhận đã bạc màu thời gian. |
Ngay lập tức ông bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến đi, và chỉ vài tuần sau đó, cùng vài trăm kỹ sư xây dựng của Cuba trong đó có hơn 20 phụ nữ của nhóm chuyên gia mang tên Hồ Chí Minh, ông lên đường. “Chúng tôi bay từ La Habana qua Rabat (thủ đô của Maroc), rồi sau đó đến Liên Xô cũ và cuối cùng là tới Hà Nội. Chuyến bay kéo dài hơn 40 giờ đồng hồ, chúng tôi gần như kiệt sức nhưng quan trọng là cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi cần tới”.
Đôi khi trên đường đi, nỗi nhớ xâm chiếm tâm trí ông. Đó là nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ người thương và bè bạn. Nhưng rồi những cảm xúc đó đã phải nhường chỗ cho cảm xúc khác. “Tôi bị sốc khi chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh tại Hà Nội. Cảnh tượng thật quá khủng khiếp”, Rodrigo nhớ lại.
Trước sự tàn khốc đó ông tự nhủ: “Không thể để Tổng tư lệnh Fidel phải thất vọng”. Ông biết rằng cũng như mình, những đồng chí cùng đoàn cũng đồng lòng quyết tâm như vậy. “Chúng tôi đến đây để xây dựng lại Việt Nam, nhưng nếu cần, thậm chí chúng tôi còn có thể hiến dâng cả máu và mạng sống của mình, như Fidel đã từng nói. Tôi nhận ra rằng mỗi lời nói, mỗi lời hứa của Tổng tư lệnh đều xác đáng cả. Fidel quả thật quá vĩ đại!”.
Muốn quay lại Việt Nam một lần nữa
Vậy là cùng với các chuyên gia Cuba khác, anh thợ điện Rodrigo Rodríguez tham gia giúp Việt Nam xây dựng khách sạn Victoria, trong khu vực gần Hồ Tây và cách không xa phố cổ Hà Nội là bao. “Một địa điểm tuyệt vời”, ông nói. “Chính nơi đây và trong khi làm việc với những người bạn Việt Nam tôi được trải nghiệm điều đẹp đẽ nhất, đó là tuy hai bên đều không biết ngôn ngữ của nhau, nhưng chúng tôi kết nối với nhau bằng tình anh em bằng hữu”.
Khách sạn Thắng Lợi, kết quả của sự đoàn kết và tương trợ của nhân dân Cuba với Việt Nam. |
“Dù các bạn Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng họ luôn dành cho chúng tôi một tình cảm đặc biệt. Chúng tôi làm việc vất vả nhưng rất vui. Chúng tôi luôn cập nhật tin tức và biết rằng chiến tranh đã kết thúc tại miền Bắc Việt Nam, nhưng nó vẫn rất khốc liệt tại chiến trường miền Nam. Đây là chủ đề thường trực trong những cuộc nói chuyện của chúng tôi”.
Có lẽ vì thế sự kiện ngày 30/4/1975 khiến ông mừng vui khôn xiết. Ông Rodrigo nhớ lại: “Cứ như thể nó vừa mới xảy ra vậy. Ai đó cho biết là Sài Gòn đã thất thủ, và thông tin này được xác nhận ngay sau đó. Vui không thể tả! Chúng tôi, những người anh em Cuba và Việt Nam ôm xiết lấy nhau và chúc mừng nhau cứ như thể chúng tôi mới là những người tiến vào Sài Gòn vậy. Chúng tôi cười, chúng tôi khóc và chúng tôi hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Việt Nam muôn năm”. Kỷ niệm đó mới đẹp đẽ làm sao! Đã 41 năm trôi qua kể từ hôm đó, nhưng tôi có cảm giác mọi chuyện chỉ mới xảy ra hôm qua thôi”.
“Gần đây, tôi có xem một vài phóng sự do Đài truyền hình Cuba thực hiện tại Việt Nam. Tôi rất vui trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Đó là điều mà dân tộc Việt Nam xứng đáng có được vì họ là những con người vô cùng gan dạ, chăm chỉ, khiêm tốn và đầy lòng tương thân tương ái. Họ đã gây dựng lại tất cả từ đống tàn tro đổ nát của chiến tranh. Thế giới cần học tập dân tộc này, một dân tộc đầy ý chí mà một khi đã giành được từng ấy kỳ tích thì còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Tôi rất muốn quay lại thăm Việt Nam một lần nữa”, ông Rodrigo chia sẻ.
Thấm nhuần tinh thần quốc tế của Cuba, ông Rodrigo Rodríguez cũng đã đến Libia và Angola, những nơi đó cũng cho ông rất nhiều trải nghiệm. Tuy vậy, quãng thời gian ở Việt Nam đã để lại trong ông dấu ấn vô cùng sâu đậm và nó sẽ mãi đi theo ông đến hết cuộc đời, ông thú nhận như vậy.
“Tôi ngưỡng mộ người dân Việt Nam, ngưỡng mộ quan hệ giữa Cuba và Việt Nam. Tôi xin cảm ơn chủ tịch Fidel một lần nữa vì đã cho tôi cơ hội góp một phần công sức nhỏ bé của mình để vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và đẹp đẽ giữa hai nước”, ông rưng rưng nói./.
Bài viết do José Llamos Camejo, hội viên Hội Nhà báo Cuba tại thành phố Guantanamo, là một cộng tác viên tích cực của chương trình tiếng Tây Ban Nha, thuộc Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện. Năm 2014 trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam ông đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với các thành viên khác trong đoàn đại biểu Hội Nhà báo Cuba. Ông José Llamos Camejo gửi bài viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam với hy vọng góp thêm một câu chuyện về mối tình anh em đồng chí giữa hai nước và hai dân tộc Cuba và Việt Nam và cũng là để chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của Chủ tịch Fidel Castro (13/8/1926).