Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Trên đời vẫn còn những Romeo và Juliet

(VOV) - Xuyên suốt tập truyện ngắn "Sẫm violet" và cuốn tản văn "Vợ cũ" mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ vừa ra mắt độc giả là chữ tình

Và ở tuổi 66, sau bao thăng trầm, nhà văn vẫn tin rằng trên đời vẫn còn có những Romeo và Juliet..

Chắt lọc những cái vị tình để nói về cái tình

Thưa nhà văn, tập truyện ngắn "Sẫm violet" và tạp văn "Vợ Cũ" mà ông vừa cho ra mắt độc giả, cho dù đề cập đến vấn đề nào của đời sống, thì chung quy lại cũng chỉ vì một chữ tình...

Vì suy cho cùng, nếu như không có chữ tình thì độc giả không cần đến nhà văn. Dù ở tiểu thuyết, truyện ngắn, hay bút ký thì mục đích cuối cùng của nhà văn từ xưa tới nay vẫn là duy tình, vượt trên cái đau khổ cá nhân để nói lên cái đau khổ của đồng loại, từ đó khơi đúc cái thiện, hướng con người về phần sáng cuộc đời. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam là dân tộc duy tình - chín bỏ làm mười, cốt lõi là sự tha thứ, bao dung. Ở cương vị người cầm bút, tôi vẫn chắt lọc những cái vị tình để nói về cái tình. Trong đời sống luôn cần áo cơm, nhưng vật chất luôn biến đổi, chỉ có tình người là ở lại.

Văn là người, tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ nói rằng ông là người sống duy tình, trọng nghĩa. Nhưng hình như trong nhiều tác phẩm, không thấy có cái chao chát, đanh đá của Nguyễn Văn Thọ ngoài đời, thay vào đó là văn phong dịu dàng, tinh tế và có phần điệu đà như trong "Sẫm violet", "Lỡ chuyến" hay "Hương mỹ nhân"...

Thực ra khi đối thoại với những mặt xấu trong cuộc sống, tôi rất quyết liệt. Nhưng khi đặt bút để phê phán những mặt xấu tôi lại có lối ứng xử khác. Cái ứng xử của đời sống và ứng xử của chữ nghĩa là hai điều khác nhau, chữ nghĩa phải thận trọng hơn. Trong văn chương tôi cũng đào xới, đấu tranh với cái ác rất quyết liệt chua chát, như "Lằn ranh kẻ cắp", "Bão tuyết", "Hương mỹ nhân"... bộc lộ mình chống lại bản năng của con người và sự tranh đấu ấy bao giờ cũng ẩn náu trong tầng ngôn ngữ.

 ... Bằng việc chỉ nhìn vào những mặt tích cực và luôn tin vào sự hoàn lương?

Trong những mặt tiêu cực của cuộc đời, tôi vẫn cố gắng khai thác những phần người trong những hoàn cảnh éo le của cuộc sống. Trong Tam tự kinh các cụ nói "nhân tri sơ tính bản thiện" và cũng còn một phần nữa là tính bản ác. Nghĩa là ở mỗi con người đều có ác thiện, trái phải, xã hội cũng vậy. Bản ác gieo ở đất xấu thì sẽ sinh ra ác, bản thiện gieo ở đất thiện thì sẽ sinh ra thiện. Một kẻ tử tù mà đứng trước người quản giáo tử tế lương thiện cũng có thể bộc lộ cái tính thiện của mình. Và nhiệm vụ của nhà văn là khơi gợi phần thiện của con người.

Nhà văn phải nhân văn, chứ mang tiếng người cầm bút mà không khắc họa được thân phận với cái nhìn nhân văn, với cái tâm thiện thì thiếu trách nhiệm.

Cuộc sống có nhà văn hay không có nhà văn thì hoa vẫn nở, gió vẫn thổi, tuyết vẫn rơi... Nhưng khi có nhà văn thì sự tinh tế được khơi gợi. Trước mỗi sự việc, sự vật nhà văn phải luôn nhớ vị trí của người cầm bút, để thật “tĩnh” lắng nghe sự va đập của chính tâm hồn mình mới nắm bắt, khơi ra được những khoảnh khắc vô cùng đẹp ở mỗi nhân vật, con người trên trái đất này.

Viết về vợ cũ không phải là "thủ thuật" đối với vợ mới

Thất bại nhiều dễ khiến con người ta sinh nghi ngờ, nhưng Nguyễn Văn Thọ vẫn nặng tình khi viết về vợ cũ, và cũng rất lạc quan khi nói về hạnh phúc mới, với ông thì niềm tin vẫn còn lớn lắm?

Tôi biết có những người khi bị phản bội thì không còn lòng tin nữa, mà chỉ coi người tình sau đổ vỡ như một thú vui. Nhưng tôi dù có thất bại bao nhiêu đi nữa vẫn luôn nghĩ: đàn ông hay đàn bà thì cũng là "đàn", có người này, người khác. Tôi luôn tin lòng chân thành của con người. Tin trên đời này còn những Romeo và Juliet. Không biết sau này cuộc sống của vợ chồng tôi thế nào, vì có khi điều này còn phụ thuộc vào số phận, nhưng hiện tại tôi thỏa mãn với hạnh phúc của mình. Vợ tôi là người vợ trẻ, yêu chồng, kính trọng chồng, nhường nhịn chồng. Và tôi bằng bề dày kinh nghiệm sống để biết nhường nhịn vợ. Xưa khi còn trẻ chưa hiểu dễ cáu với vợ, hai vợ chồng có khi cãi nhau suốt đêm vì chuyện chả đâu. Chuyện này là bình thường, anh chồng nào mà sĩ diện hão thì dễ đổ vỡ. Có khi một cái tát không nhớ lâu bằng lời nói đau.

Từ khi ra mắt bạn đọc tạp văn "Vợ Cũ", nhiều người ca ngợi chuyện Nguyễn Văn Thọ viết tốt về vợ cũ khi đã có vợ mới, nhưng tôi lại nghĩ đó là điều bình thường, nếu ông viết không tốt về vợ cũ  mới là chuyện đáng nói...

Tôi không viết tốt về vợ cũ như một "thủ thuật" với vợ mới để tỏ ra ta thế nọ ta thế kia, vì trước khi tôi gặp vợ mới tôi đã viết "Vợ Cũ" rồi. Thực ra đây là sự trân trọng vẻ đẹp của người đàn bà Việt, vẻ đẹp mà tôi nhận thấy đẹp hơn những dân tộc khác ở chỗ đó, nên vợ cũ được viết hoa. "Vợ Cũ" của Nguyễn Văn Thọ là "Vợ Cũ" của rất nhiều người, là câu chuyện của nhiều người. Đa số những người phụ nữ Việt khi ly hôn, dù có ghét chồng đến bao nhiêu vẫn rất yêu con. Họ trọng cái nghĩa mà đã quên đi những hận thù với người chồng, coi nhau như bạn để bàn cách cùng nhau chăm con.

Hơn nữa, tôi có niềm tin sâu sắc vào tình yêu đích thực nên tôi đã đưa vợ mới đọc (khi đó mới trong thời gian yêu nhau). Đọc xong cô ấy đã khóc vì thương vợ cũ của tôi và muốn tôi đưa đến gặp bà ấy trước khi chúng tôi cưới nhau. Nếu vợ mới ghen tuông thì đó lại không phải là đối tượng mà tôi đi tìm. Vì cô ấy trân trọng tôi nên thoát ra khỏi tâm lý ghen tuông thông thường.

Tôi cố gắng sử dụng cách viết dễ hiểu, nhưng ẩn sau đó là tầng ý nghĩa sâu xa, chứ tôi không "làm chữ". Tôi dựng câu chuyện có thật về vợ cũ một cách nghệ thuật bằng những tiếng động của trái tim, nên tác phẩm lấy được nước mắt của nhiều người, đến ngay cả tôi cũng khóc khi viết tạp văn này.

Bản tính của tôi vẫn là duy tình

Từ thực tế bản thân, ông có thấy rằng với những người sống duy tình quá mà thiếu lí trí, thành ra dễ thiệt thòi...

Đúng, là vì duy tình nên đôi khi tôi bị cảm tính, vì chữ tình mà sai về nguyên tắc, nên thiệt thòi, không theo đuổi được chức vụ, danh vọng... Trong đời sống cá nhân cũng thiệt thòi, sau mỗi lần đổ vỡ tôi ra đi mà không để ý đến vật chất. Ngay cả trong mối tình thứ 3 này nhiều người cũng lo sợ, không hiểu vì sao tôi được một cô gái trẻ yêu và làm vợ, người đời dùng cái thông thường để áp đặt vào chuyện của tôi, nên sợ liệu cô ấy có yêu thật lòng tôi không, hay vì mưu cầu một điều khác. Nhưng tôi lại cho rằng, khi một người đàn bà quyết định hy sinh, dám vượt qua ý thức cũ đến với tôi đã là một sự thật lòng.

Và ông có nghĩ rằng nếu bớt duy tình đi, cuộc sống đỡ khổ...

Không, tôi không thể sống khác được. Con người nào cũng có phần tiên thiên là cha mẹ cho, trời cho. Cái phần tiên thiên vẫn không thể thay đổi, bản tính của tôi vẫn là duy tình, vì thế mà tôi đi theo nghiệp văn chứ không buôn bán hay làm chính trị. Duy tình mà làm cho tâm hồn phong phú hơn, sống nhân ái hơn, thì đừng nên thay đổi. Duy lý nhiều khi nghiệt ngã và tính toán. Nếu tôi cứ mải mê buôn bán thì tôi không thành nhà văn, và nếu cuộc tình thứ 2 của tôi không tan nát thì tôi không có tiểu thuyết "Quyên" để mãi sau đó gặp được Châu Giang của tôi ngày hôm nay. Thôi thì mình cứ sống thuận theo tự nhiên vì như Lão Tử nói, đạo sinh ra trước vạn vật. Quy luật sinh tồn hợp theo tự nhiên chính là đạo - là lẽ phải của con tim và cả khối óc. Cuộc sống như bây giờ với tôi thế là đủ rồi, cho dù hơi chật vật một chút, thì cần gì phải nói giá như...         

Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này!         

"Nguyễn Văn Thọ khá cuốn hút. Anh chinh phục bạn đọc không phải bằng những tình tiết lắt léo hay những cốt truyện li kỳ, mà bằng sự chân thành, từng trải và giàu tính nhân bản. Mà cũng phải thôi. Bởi trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, được khẳng định bằng nhiều giải thưởng văn chương có uy tín, Nguyễn Văn Thọ từng là lính trận, lại trải qua nhiều năm lặn lội kiếm sống trong nước và cả ở nước ngoài. Chính những năm tháng khốc liệt, gióng gió ấy đã cho Nguyễn Văn Thọ một vốn sống phong phú, sự từng trải đến lọc lõi, thành hành trang có thể đi được bền, đi được xa trên con đường sáng tạo văn chương" - Trần Đăng Khoa

        

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Lại chuyện quốc phục, quốc hoa
Trần Đăng Khoa: Lại chuyện quốc phục, quốc hoa

(VOV) - Có đến 78% ý kiến người dân được hỏi đều khẳng định cần phải có quốc hoa. 

Trần Đăng Khoa: Lại chuyện quốc phục, quốc hoa

Trần Đăng Khoa: Lại chuyện quốc phục, quốc hoa

(VOV) - Có đến 78% ý kiến người dân được hỏi đều khẳng định cần phải có quốc hoa. 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra sách mới về “Vợ cũ”
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra sách mới về “Vợ cũ”

(VOV) - Dù là tản văn hay truyện ngắn, những câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể với độc giả đều chân thực, giản dị mà vẫn nhiều ám ảnh.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra sách mới về “Vợ cũ”

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra sách mới về “Vợ cũ”

(VOV) - Dù là tản văn hay truyện ngắn, những câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể với độc giả đều chân thực, giản dị mà vẫn nhiều ám ảnh.