Tự truyện của người phụ nữ Việt đầy nghị lực đấu tranh với ung thư
VOV.VN - Nữ tác giả Ngân Trương người Việt sống ở Áo can đảm đấu tranh với căn bệnh ung thư. Chị đã viết tự truyện “Cuộc chiến ung thư: Tôi đang và sẽ sống”.
Buổi giao lưu, ký tặng sách sẽ diễn ra từ 10- 12h ngày 30/11/2019 tại Trixie Cofe & Lounge, 165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội.
Tám năm trước tác giả Ngân Trương, tên thật là Trương Thanh Ngân- một người Việt đang sống tại thủ đô Vienna của Áo phát hiện bị ung thư vú. Sau lần điều trị đầu tiên, bệnh dừng hẳn trong năm năm. Quãng thời gian tưởng có thể đã được dùng đến hai từ chiến thắng. Mùa hè 2018, mầm bệnh ác nghiệt âm thầm trở lại, mạnh mẽ hơn, khó lường hơn và di căn vào phổi. Ngân phải theo phác đồ điều trị mới: 18 lần truyền hóa chất trong 18 tuần. Chụp cắt lớp (CT) cho kết quả tốt. Ngân vững tâm mình đi đúng đường.
Bìa cuốn sách do Ngân Trương viết. |
Vượt lên ở giai đoạn này mới là điều khiến Ngân thấy mình cần phải kể ra qua 160 trang sách tê lạnh hóa chất nhưng cũng ấm nóng nước mắt và tình yêu.
Bệnh viện Hietzing ở quận 13 của thủ đô nước Áo là nơi Ngân thường xuyên vào ra điều trị. Đây là bệnh viện cổ nhất Vienna (xây dựng từ 1907), đang có nhiều phương pháp, thử nghiệm công nghệ mới trong điều trị ung thư. Một thử nghiệm đã áp dụng chính lên Ngân đó là sử dụng công nghệ lạnh làm tê các mô ở chân tóc, nhằm hạn chế hóa chất xâm nhập gây rụng tóc. Mùa thu năm 2018, Ngân được phát một chiếc mũ đặc biệt đội đầu trước khi truyền hóa chất. Cô nhớ lại “Lạnh tê người. Không chỉ mũ mà còn có các bao tay bao chân để tránh tê đầu ngón tay chân khi truyền hóa chất”. Tỷ lệ thành công của phương pháp này hiện nay là 50/50.
Áo là quốc gia có nhiều khác biệt ưu việt về dịch vụ y tế so với nhiều nước ở châu Âu. Bệnh nhân ung thư là một trong những đối tượng được ưu đãi nhất ở Áo. Giá một lần truyền thuốc Avastin lên đến 6.000 EUR. Bảo hiểm tại đây chấp nhận chi trả cho Ngân ngay cả với loại thuốc đắt bậc nhất này. Ngân nhận ra “Bây giờ đã hiểu tại sao người lao động tại đây thường nhận lương sau thuế thấp hơn các nước khác. Vì phải đóng góp nhiều cho y tế, bảo hiểm, hưu trí”. Người ta xây dựng những khu nghỉ dưỡng dành riêng cho người bệnh nặng. Chỉ cần giấy giới thiệu của bệnh viện, bệnh nhân ung thư có thể đến đây an dưỡng vài tuần, được hướng dẫn tập luyện, được tư vấn về tâm lý, được mát xa trị liệu, tất cả đều miễn phí.
Bệnh viện nơi Ngân điều trị cũng có bác sĩ tâm lí thường xuyên túc trực.
“Không chỉ bệnh nhân, chính các con tôi cũng sẽ được hỗ trợ bác sĩ tâm lý nếu cần. Ở đây, trẻ con có bố hoặc mẹ bị ung thư được ngành y tế quan tâm đặc biệt. Khi truyền hóa chất đau đớn, tâm lí bất ổn, có lần tôi đã hỏi các con: Mẹ ốm thế này các con có thấy mệt mỏi theo không? Các con có muốn đến bác sĩ tâm lí trò chuyện không. Các con trai tôi nói không sao đâu, khi nào cần chúng con sẽ nói. Tôi thấy cái phước của mình là được ở bên các con ngay cả khi mình bệnh tật. Đây cũng là điều duy nhất khiến tôi quyết tâm chiến đấu với ung thư: Tôi muốn sống để nhìn con mình lớn lên.”
Ngân và chiếc mũ chống rụng tóc khi truyền hóa chất. |
Anh Tạ Đức Nam, chồng Ngân nói về giai đoạn hiện nay của vợ: “Ba tuần một lần truyền thuốc miễn dịch tại bệnh viện. Ba tháng tiêm một mũi Zoladex. Hàng ngày dùng thuốc Aromasin, thuốc ngủ, giảm đau, thuốc Bắc, thuốc của bác sĩ đông y, thuốc bổ, thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, tập pháp luân công, yoga và viết hồi ký.”
Còn lý do nữa để Ngân muốn viết về cuộc chiến chống ung thư của mình. Đó là cô nghĩ về chồng “Có lần đọc báo trong nước viết bài khen một người đàn ông bỏ cả việc để ở nhà chăm vợ ung thư vú mấy năm. Người đàn ông này được đưa lên như một hình tượng. Càng đọc tôi càng nghĩ chưa chắc anh này đã bằng được chồng mình đâu. Nhiều người Việt vẫn nghĩ đàn ông bỏ công sức ra chăm vợ ốm đau là cả một sự hi sinh lớn lao khủng khiếp lắm. Nhưng vợ chồng là cần bên nhau cả lúc khó khăn chứ đâu phải chỉ khi thuận lợi. Chồng tôi vẫn đi làm, vẫn chăm vợ ốm và nuôi dạy ba con trai”.
Vừa xong 18 đợt truyền hóa chất, sức khỏe chưa hẳn đã hồi phục, Ngân bảo phải viết ra ngay khi còn nhiều cảm xúc. Phải viết ra ngay kẻo quên. Đau đớn thế, vào ra bệnh viện nhiều thế mà cũng có thể quên đấy. Cũng cần quên để còn sống tiếp. Nhưng viết không chỉ lưu lại cảm xúc cho mình, viết để còn chia sẻ kinh nghiệm với người khác.
“Ai ở giai đoạn mới phát hiện ung thư tâm trạng cũng như rơi tõm xuống dòng nước. Chỉ muốn bấu víu vào mọi chỗ có thể. Thấy ai sống sót thì coi đó là niềm hi vọng cho mình, là nguồn sức mạnh cho mình chiến đấu với bệnh tật.” Mất một tháng để Ngân viết ra những gì còn nhớ được. Ở chương viết về ngày sinh nhật cũng là ngày truyền hóa chất, Ngân bật khóc nhớ lại cơn đau chợt bùng lên dữ dội “Đau đến mức đang chuẩn bị thổi nến phải dừng lại. Tôi chạy vội lên phòng tắm, áp người vào lò sưởi cho cái nóng làm dịu bớt cơn đau”.
Các cơn đau chưa hết. Còn tiếp tục uống thuốc nghĩa là còn phải chiến đấu với tác dụng phụ của thuốc. Càng cần lạc quan và khát khao từng ngày sống ý nghĩa. Cứ hai năm Trương Thanh Ngân lại cùng chồng con về thăm quê một lần. Nhưng chuyến trở về cuối tháng Mười Một này có ý nghĩa đặc biệt. Lần trở về này Ngân mang theo thông điệp Tôi đang và sẽ sống để chia sẻ thông tin, truyền cảm hứng cho người cùng cảnh ngộ và lan tỏa tinh thần trân trọng cuộc sống cho những ai may mắn còn đang mạnh khỏe./.