Viếng mộ Kazik- người đã hiến cả cuộc đời cho di tích Mỹ Sơn

Kazik đã nặng tình với Mỹ Sơn đến mức bất chấp khó khăn vật chất, bất chấp bom mìn sau chiến tranh, coi việc phục hồi và bảo tồn các di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn là lẽ sống, coi Việt Nam là Tổ Quốc thứ hai của mình.

Do tác động của thời gian, sự khắc nghiệt của điều kiện thiên nhiên và chiến tranh, tình trạng của các đền đài lăng miếu thuộc khu di tích Mỹ Sơn ngày càng xuống cấp và nếu không được bảo tồn, trùng tu thì nhiều công trình có nguy cơ sập đổ. Ngay sau khi đất nước chúng ta vừa thoát ra khỏi chiến tranh, các chuyên gia hàng đầu của Ba Lan trong lĩnh vực kiến trúc đã tiến hành hàng loạt công việc nhằm bảo tồn khu di tích Tháp Chàm nổi tiếng này. Trong nhóm chuyên gia đó có kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski, người mà những bạn bè Việt Nam và nhân dân địa phương thường gọi một cách đầy thương yêu trìu mến là Kazik.

Năm 1980, KTS Kazik đã cùng với các bạn bè của mình đến mảnh đất đầy nắng và gió Quảng Nam giúp Việt Nam bảo quản và phục hồi khu di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn. Và số phận đã gắn kết người kiến trúc sư 36 tuổi này với các công trình lăng tẩm Chăm Pa suốt 17 năm trời, từ 1980 đến 1997. Đây là giai đoạn lịch sử đầy vất vả gian truân của cả Việt Nam và Ba Lan. Kazik đã nặng tình với mảnh đất miền trung Việt Nam, nặng tình với Mỹ Sơn, với Huế đến mức bất chấp khó khăn trong đời sống vật chất, bất chấp bom mìn sau chiến tranh, coi việc phục hồi và bảo tồn các di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn là lẽ sống, coi Việt Nam là Tổ Quốc thứ hai của mình.

Nhiều đêm ngày ông say sưa dấn thân vào công việc, lăn lộn ở hiện trường, nát óc tìm phương pháp bảo tồn và trùng tu các ngọn tháp đang nằm trong tình trạng kêu cứu khẩn cấp. Năm 1991, khi Hiệp định về hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan chấm dứt, không còn kinh phí để tiếp tục công việc, ông đã về nước vận động, quyên góp và gây quỹ để tiếp tục công trình Mỹ Sơn còn bỏ dở. Ông đưa cả hai con trai của mình, cũng là những kiến trúc sư sang Việt Nam công tác trong nhóm chuyên gia Ba Lan.

Năm 1997 ông đã đột ngột từ trần ở tuổi 53. Người ta kể lại rằng, khi còn sống, ông đã từng nói, nếu sau này mất đi ông muốn được chôn ngay tại mảnh đất Mỹ Sơn. Song thi thể của KTS Kazik đã được quàn vào quan tài kẽm và đưa về Ba Lan chôn cất tại thành phố Lublin, quê hương ông, nơi vợ con ông sinh sống. Nhân dân và chính quyền Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, khắc ghi công ơn của người KTS Ba Lan hiến dâng cả đời mình cho khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn, đã dựng tượng Kazik ở Hội An và sắp tới, tháng 12 năm 2009 sẽ khánh thành tượng đài ông ở chính khu di tích Mỹ Sơn.

Ngày 22 tháng 10 năm 2009, trong khuôn khổ các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan nhân Ngày Lễ Các Thánh (1/11) hàng năm, chúng tôi bao gồm đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Hội Người VN tại BL „Đoàn kết và Hữu nghị” cùng Ban Từ thiện Cộng đồng, đã đến thăm gia đình người KTS quá cố Kazimierz Kwiatkowski và đặt vòng hoa tại mộ ông.

Nơi ở của gia đình Kazik là căn nhà liền kề nhỏ nằm trên một con phố tương đối tĩnh mịch giữa thành phố Lublin. Vợ KTS đã ở tuổi ngoài 60, ăn mặc giản dị, với cánh tay bó bột (vì bị ngã cách đây ba tuần), cùng con trai cả, anh Bartek, 37 tuổi, ra tận cửa chào đón chúng tôi. Căn nhà không lớn, điều kiện vật chât khá khiêm tốn, đồ đạc cũ kỹ, giản đơn, với vài bậc cửa từ tiền sảnh xuống phòng khách đã bị sứt vỡ. Chủ và khách quây quần bên bàn ăn với bánh ngọt, cà phê, bánh mỳ, pho mát và hoa quả, nhắc lại những kỷ niệm Việt Nam của gia đình KTS.

Nhà có bàn thờ nhỏ, với bát hương và đèn nến cùng một tấm ảnh chân dung Kazik nhỏ xíu đặt ở một bên. Trong nhà nhìn đâu cũng thấy những kỷ vật Việt Nam, từ chiếc lư hương, đỉnh đồng, đến những bát đĩa, tách chén, thậm chí có cả chiếc điếu bát.

Bà quả phụ không giấu những giọt nước mắt cảm động khi chúng tôi đến thăm và tặng quà. Bà bồi hồi nhớ lại người chồng quá cố đã vĩnh viễn ra đi cách đây trên 12 năm, nhắc đến chuyến thăm duy nhất của mình ở Việt Nam hơn một phần tư thế kỷ trước đây. Anh con trai lớn, Bartek Kwiatkowski đã từng theo KTS Kazik sang công tác ở Mỹ Sơn và Huế từ 1996, thậm chí sau khi ông Kazik mất, anh vẫn tiếp tục công trình đến tận năm 1998 mới về nước. Con trai thứ hai của ông bà cũng là KTS, hiện công tác tại Công ty xây dựng của thành phố Lublin, đã thành lập gia đình riêng và hôm nay đang làm việc ở hiện trường, do đó chúng tôi không được gặp.

Con trai lớn của ông bà là tiến sĩ, đang giảng dạy tại Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách Khoa Lublin. Anh khoe sắp tới sẽ bảo vệ luận án TSKH về đề tài Tháp Chàm, và do vậy hy vọng sau này sẽ có điều kiện đến lại Mỹ Sơn.

Chúng tôi đã cùng anh đến khu nghĩa trang, nơi KTS Kazik yên nghỉ. Đó là một nghĩa trang cổ, tương đối nhỏ, nằm không xa khu nhà ở của gia đình anh. Anh khoe mộ ông nội anh cũng đặt tại đây. Mộ KTS Kazik được đặt gần giữa nghĩa trang, ốp đá, trên nắp mộ có bảng khắc họ tên, ngày sinh và ngày mất, nhưng không có ảnh chân dung. Ban Từ thiện cộng đồng đã chuẩn bị một vòng hoa rất trang trọng, ở chính giữa là những đóa cúc vàng to đẹp, viền xung quanh là những bông hoa màu đỏ thắm, với dòng chữ „Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan kính viếng hương hồn ông Kazimierz Kwiatkowski”. Chúng tôi đã thắp nến, hương và cùng đứng lặng bên mộ người KTS đã dâng hiến cả cuộc đời cho các công trình Tháp Chàm Mỹ Sơn, thầm cầu mong ở dưới suối vàng ông an giấc ngàn thu.

Chúng tôi chợt nhớ lại và cảm thấy áy náy khi nghe vợ KTS tâm sự trong buổi gặp trưa nay. Bà bảo: Có một chuyện làm tôi cứ băn khoăn, không biết có nên nói ra hay không. Số là một bạn thân của chúng tôi khi đi du lịch Việt Nam về đã kể, ông ta rất bức xúc và ngạc nhiên, khi thấy người hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam đã chỉ vào bức tượng KTS Kazik ở Hội An mà bảo „Đây là KTS người Hà Lan”. Nghe người bạn kể lại chuyện ấy, bà quả phụ rất buồn. Tại sao người ta lại có thể nhầm chồng bà với một người Hà Lan nhỉ?  Để làm bà bớt bức xúc, chúng tôi đành phải giải thích rằng, trong tiếng Việt Hà Lan và Ba Lan có trùng 1 từ, do đó có thể người hướng dẫn viên du lịch nói nhầm hoặc khách nghe nhầm. Dù sao đây cũng là một bài học.

Chia tay gia đình KTS Kazik, cả đoàn chúng tôi cứ ước ao, giá mà ngành Văn hóa Việt Nam hoặc Chính quyền Mỹ Sơn dành thêm một hình thức thiết thực nữa để tưởng thưởng công lao của KTS, thí dụ như giúp đỡ cho bà quả phụ kinh phí để sửa chữa lại ngôi nhà, nơi bà và con trai cả đang sinh sống, hoặc mời bà và các con đến thăm lại Việt Nam để tận mắt chứng kiến xem di sản nhân loại Mỹ Sơn giờ đây thu hút khách du lịch từ khắp thế giới ra sao!   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên