Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 24/6.
Các nước BRICS ủng hộ đàm phán giữa Nga và Ukraine: Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 14, các thành viên BRICS đã thảo luận về tình hình nhân đạo ở Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Tuyên bố về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh các nước BRICS được tổ chức dưới sự chủ trì của Trung Quốc, nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Chúng tôi cũng thảo luận về những quan ngại về tình hình nhân đạo trong và xung quanh Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, các cơ quan thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo theo các nguyên tắc nhân văn, trung lập và không thiên vị được thiết lập theo nghị quyết 46/182 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”.
Ukraine lên tiếng sau khi được trao tư cách ứng viên EU: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi quyết định của Hội đồng châu Âu khi trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine là một "chiến thắng". Dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo về quyết định trên, Tổng thống Zelensky cho biết đây là "một khoảnh khắc lịch sử" trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.
Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ quân sự trị giá 450 triệu USD cho Ukraine: Hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, nước này dự kiến sẽ viện trợ thêm gói trang thiết bị quân sự trị giá 450 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống tên lửa tầm xa hơn.
Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến tranh với Ukraine: Ukraine phải chấp nhận tất cả yêu cầu của Nga nếu muốn chấm dứt chiến tranh, hiện đã kéo dài 4 tháng, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Phát biểu trước báo giới ở Moscow, khi được hỏi về kế hoạch hòa bình 15 điểm đăng tải trên National Interest hồi tuần trước, ông Peskov cho biết điện Kremlin không biết về bài báo này và bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào chỉ có thể diễn ra sau khi Ukraine "hoàn thành tất cả yêu cầu của phía Nga". Người phát ngôn điện Kremlin cũng khẳng định Ukraine "biết rõ mọi thứ".
Tình cảnh của châu Âu nếu không có khí đốt Nga trong mùa đông tới: Nga đã bắt đầu giảm hoặc dừng hẳn cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu, khiến những nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước mùa đông. Các nước châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang lục địa này, đặc biệt là vào mùa đông năm nay.
>>> Châu Âu sẽ ra sao nếu không có khí đốt Nga trong mùa đông tới?
Đồng rúp mạnh nhất trong 7 năm: Đồng rúp đang ở mức mạnh nhất trong vòng 7 năm, thậm chí mạnh tới nỗi Ngân hàng Trung ương Nga đã chủ động thực hiện các biện pháp để làm suy yếu nó do lo ngại điều đó có thể khiến các mặt hàng xuất khẩu ít cạnh tranh hơn.
Đồng rúp đã cán mốc 52,3 rúp đổi 1 USD ngày 22/6 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Tỷ giá này hoàn toàn khác với tỷ giá 139 rúp đổi 1 USD hồi đầu tháng 3, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiến hành các biện pháp trừng phạt chưa từng có với Moscow nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine. Sự hồi phục đáng kinh ngạc của đồng rúp những tháng sau đó dường như là "bằng chứng" cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây không hiệu quả.
>>> Đồng rúp mạnh nhất trong 7 năm: Nga làm sụp đổ lệnh trừng phạt của phương Tây
EU sẽ xem xét lại việc bao vây Kaliningrad sau khi Nga tuyên bố đáp trả: EU không tìm cách "bao vây" khu vực Kaliningrad của Nga và sẽ xem xét lại các biện pháp trừng phạt để tránh chặn việc đi lại vào và ra khỏi vùng lãnh thổ này, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay.
"Chúng tôi muốn kiểm soát và ngăn chặn bất kỳ hành vi nào lách khỏi lệnh trừng phạt chứ không ngăn chặn việc đi lại. Ủy ban châu Âu và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu sẽ xem xét các chỉ dẫn để làm sáng tỏ việc chúng tôi không muốn ngăn cấm việc đi lại giữa Nga và Kaliningrad", ông Borrell bình luận.
Mỹ chỉ ra nguyên nhân Nga đang có lợi thế ở chiến trường miền Đông Ukraine: Các lực lượng của Nga đang đạt được lợi thế ở phía Đông Ukraine khi họ học hỏi được từ những sai lầm trong những giai đoạn trước đó của chiến dịch quân sự, 2 quan chức Mỹ nhận định với CNN. Theo đó, Nga đã phối hợp tốt hơn giữa tấn công trên không và tấn công mặt đất, cũng như cải thiện về các tuyến tiếp tế và hậu cần.
Mỹ cho rằng những hệ thống vũ khí mới mà gần đây nước này cung cấp cho Ukraine như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) sẽ không thay đổi ngay lập tức tình hình chiến trường, một phần là bởi những hệ thống được gửi tới Ukraine cho đến nay vẫn có tầm bắn và số lượng tên lửa hạn chế để đảm bảo chúng không thể bắn vào lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, các lực lượng của Nga có thể phá hủy một số hệ thống vũ khí mới của phương Tây, trong đó có lựu pháo M777.
Quan chức Hungary nhận định EU sẽ là bên thua thiệt nếu tiếp tục trừng phạt Nga: Liên minh châu Âu nên dừng các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine và thay vào đó nên thúc đẩy lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán, một quan chức cấp cao của Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định.
"Cuối cùng, châu Âu sẽ là bên thua thiệt trong cuộc chiến này do các vấn đề kinh tế. Đề xuất của chúng tôi là chúng ta nên ngăn chặn trừng phạt", ông Balazs Orban nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters.
Phương Tây khó cho phép Ukraine nối lại đàm phán với Nga: Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Belarus, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, các nước phương Tây rất khó cho phép Ukraine quay lại bàn đàm phán với Nga. Khi được hỏi liệu Nga có đề xuất phiên bản thỏa thuận mới nào với Ukraine giống như các thỏa thuận Minsk hay không, ông Lavrov nói rằng làm việc theo các khuôn khổ hiện có là điều vô nghĩa.
Ukraine đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu: Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denis Malyuska cho biết, nước này vừa đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Đây là vụ kiện mới và Ukraine yêu cầu Nga rút quân và bồi thường tài chính; cùng với cáo buộc chính phủ Nga vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền. Vụ kiện được áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2 đến ngày 7/4 – thời điểm quân đội Nga rút khỏi khu vực ngoại ô thủ đô Kiev.
Hiện chưa rõ Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp nhận vụ kiện như thế nào; song trước đó vào ngày 11/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành dự luật không tuân thủ các quyết định của Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Nga
Nga chỉ rõ mục đích của “liên minh ngũ cốc” phương Tây muốn thiết lập: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết đề xuất thành lập một liên minh hải quân quốc tế nhằm hộ tống các tàu chở ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, trên thực tế có mục tiêu hoàn toàn khác.
“Các nỗ lực nhằm thiết lập một liên minh như vậy chỉ nhằm mục đích can thiệp vào khu vực Biển Đen dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Nga nhận thấy điều này rất rõ ràng” ông Lavrov cho biết sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Tehran.
Dư luận về việc EU quyết định trao quy chế ứng viên cho Ukraine: Trong một động thái chưa có tiền lệ, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, lãnh đạo khối này đã nhất trí cấp quy chế ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu cho Ukraine và nước láng giềng Moldova. Ukraine gọi đây là quyết định lịch sử trong khi Nga ngay lập tức phản đối quyết định trên của Liên minh châu Âu. Gọi là chưa có tiền lệ bởi thời gian từ khi nộp đơn đến khi được cấp quy chế ứng viên Liên minh châu Âu của Ukraine và Moldova diễn ra quá nhanh, chỉ vỏn vẹn vài tháng.
>>> Dư luận về việc EU quyết định trao quy chế ứng viên cho Ukraine
Quân đội Ukraine sẽ phải rút khỏi Severodonetsk: Thống đốc khu vực Lugansk cho biết, quân đội Ukraine sẽ phải rút khỏi Severodonetsk, thành phố miền Đông mà Nga đã kiểm soát phần lớn. Những cuộc giao tranh ác liệt nhất trong xung đột Nga-Ukraine hiện đang diễn ra ở Severodonetsk. Các trận đánh tranh giành từng con phố đã diễn ra suốt một tháng qua và Nga đang dần dần chiếm được thêm nhiều vị trí.
Moscow cáo buộc EU và NATO đang hình thành liên minh cho cuộc chiến chống Nga: Những hành động của EU và NATO chẳng khác gì việc hình thành một "liên minh mới" nhắm vào Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định với báo giới ngày 24/6. Moscow không có "ảo tưởng" về việc "tâm lý bài Nga" ở EU sẽ chấm dứt sớm, ông Lavrov nhận định. Nga sẽ theo dõi tất cả "bước đi thực tế" của liên minh này và các quốc gia ứng viên, dường như muốn nhắc đến Ukraine - quốc gia vừa được trao tư cách ứng viên ngày 23/6.
Lệnh cấm nam giới độ tuổi nhập ngũ rời Ukraine đã được trình lên Quốc hội: Dự luật cấm nam giới trong độ tuổi nhập ngũ rời Ukraine trong thời kỳ thiết quân luật đã được trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) ngày 24/6.
Ngoại trưởng G7 kêu gọi Nga khai thông cảng Biển Đen để xuất khẩu lương thực: Các Ngoại trưởng G7 đã kêu gọi Nga "dừng các hành động tấn công và đe dọa" cũng như khai thông các cảng ở Biển Đen để xuất khẩu lương thực. Các Ngoại trưởng G7 cáo buộc Nga đang khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn do Moscow phong tỏa và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine.
Các Ngoại trưởng cũng cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và Moscow phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhận định với báo giới./.