Cán bộ cấp chiến lược phải có tầm nhìn và “sạch”
VOV.VN - Đội ngũ này cần tầm nhìn chiến lược. Người nào đã được giới thiệu quy hoạch cấp chiến lược nhưng bị phát hiện có vấn đề thì cần phải loại ngay.
“Phải có tư duy tầm chiến lược”
Theo Kế hoạch, trong tháng 11 này, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là khâu tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong quy hoạch cán bộ để trình Ban chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 12 năm nay.
PGS.TS, giảng viên cao cấp Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) nhấn mạnh, cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ có vai trò quyết định và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân. Do đó, công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng cần phải làm hết sức thận trọng, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia). |
“Cán bộ mà tính liêm chính thấp, lòng tự trọng không cao thì thường làm những việc chúng ta không lường hết được, gây nguy hại đến dân, đến nước”- PGS.TS Ngô Thành Can nói.
Công tác cán bộ luôn giữ vị trí trọng yếu, then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ đang có những tồn tại khiến dư luận bức xúc như tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch... ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân. Trong khi đó, tình trạng “lên không xuống, vào không ra” vẫn còn phổ biến, vừa thiếu bình đẳng, làm nhụt chí phấn đấu, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài.
Để không bỏ sót người tài và không để những kẻ cơ hội chính trị, suy thoái vào bộ máy, theo ông Ngô Thành Can, cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra” cần được thực hiện như lẽ bình thường. Người nào đã được quy hoạch cấp chiến lược nhưng lại bị phát hiện có vấn đề thì cần phải loại ngay. Song song với đó là kịp thời bổ sung những cán bộ có phẩm chất quý, dấu hiệu tốt, có lịch sử hoàn thành công việc tốt vào quy hoạch.
“Không để trong đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược những người đã vi phạm hoặc có “tì vết”, không xứng đáng làm tấm gương gương mẫu. Cán bộ nào đã bị kỷ luật ở bên dưới rồi nhưng vẫn được đưa lên vị trí cao hơn sẽ dẫn tới dư luận không hay. Đặc biệt, trong việc tiến cử nhân sự cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của người giới thiệu, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu hoặc cấp phó”– ông Ngô Thành Can nêu quan điểm.
Ràng buộc trách nhiệm để không đưa vào “con lươn”, “con chạch”
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, trong quy trình thực hiện việc quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương lần này có nhấn mạnh một điểm đó là các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các nhân sự do chính địa phương, cơ quan, đơn vị mình giới thiệu vào quy hoạch.
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV. |
Do đó, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cần quy định làm sao để ràng buộc để họ xác định được nghĩa vụ, trách nhiệm giới thiệu nhân sự cho Đảng, cho Nhà nước.
Nói đến trách nhiệm thì phải thưởng, phạt nghiêm minh. Tiến cử được hiền tài đích thực và qua kiểm nghiệm thực tiễn người được tiến xử là xuất chúng thì người giới thiệu sẽ được trọng thưởng. Ngược lại, ai tiến cử nhầm người, vì lợi ích cá nhân, dòng họ, lợi ích nhóm thì truy cứu bất cứ lúc nào, kể cả khi đã nghỉ hưu. Phải có hình phạt nghiêm khắc thì họ mới không dám giới thiệu những “con lươn, con chạch” vào bộ máy.
Và cuối cùng vẫn là trách nhiệm cá nhân, là người đứng đầu, những người trong tập thể có quyền lựa chọn, bỏ phiếu thì phải có cơ chế để minh định xem ai là người đã bỏ phiếu, giới thiệu nhân sự.
“Ví dụ như lá phiếu đó như tờ phách của bài thi. Khi bỏ phiếu xong, phần cuống phiếu có thể lưu lại ở cấp trên, phần lá phiếu được cấp dưới giữ. Đến khi phát hiện lựa chọn sai người thì cấp trên hồi phách lại, nhận ra những ai tham gia bỏ phiếu để không chối bỏ được trách nhiệm của cá nhân trong tập thể”- ông Lê Thanh Vân nêu ví dụ.
Xem xét công khai quy hoạch cán bộ, tránh vào rồi thì "rung đùi"
Theo vị đại biểu Quốc hội, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là bước quan trọng tiếp theo để làm công tác nhân sự. Theo đó, để ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, cần giải quyết các câu hỏi: không thể, không muốn và không dám.
Làm sao đặt ra được tiêu chuẩn đối với cán bộ để người ta tự thấy không thể đáp ứng được mà phải đi tìm việc khác. Không muốn tức là phải có lựa chọn để họ thấy rằng có thể làm được việc khác, không nhất thiết phải leo vào chốn “quan trường”. Không dám là phải có những trừng phạt nghiêm khắc, nhìn thấy phải sợ hãi, không dám phạm.
“Lần này cần phải có quy định ràng buộc thì các cấp ủy, cá nhân người đứng đầu buộc phải chọn người xứng đáng nhất để giới thiệu vào quy hoạch. Bởi vì nếu lạm dụng quyền lực trong việc đưa vào quy hoạch thì trách nhiệm của anh đã bị ràng buộc, dù đã về hưu vẫn phải chịu kỷ luật như một số trường hợp vừa qua” – ông Lê Thanh Vân kiến nghị./.
“Dựa vào dân để sớm phát hiện những kẻ cơ hội chính trị”
“Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị“