Chuyện cả họ làm quan và quyết tâm ngăn chặn lợi ích nhóm ở Quỳnh Nhai
VOV.VN - Với quyết tâm khắc phục tình trạng cả nhà làm quan, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) ban hành kế hoạch điều động luân chuyển cán bộ công chức, viên chức.
Huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đang đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ. Mục tiêu là ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen, cục bộ, khép kín. Việc luân chuyển cán bộ được huyện triển khai trên cơ sở bám sát các quy định của Đảng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng.
Cả nhà làm quan
Hơn 2 năm trôi qua, nhưng câu chuyện về Chủ tịch UBND xã bị trượt khi bầu làm đại biểu HĐND vẫn được nhiều người dân ở xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai nhớ rõ.
Theo họ, Chủ tịch xã lúc đó là người rất năng động, trách nhiệm với công việc và được nhân dân yêu quý. Vì vậy, việc ông không đủ tỷ lệ phiếu bầu để trúng cử vào chức danh đại biểu HĐND xã khiến không ít người bất ngờ.
Và một trong những nguyên nhân chủ yếu được bà con nhắc đến trước hết là vì vị Chủ tịch này là người nơi khác, trong khi những “đối thủ” của ông tại xã này lại có nhiều người nhà, cùng giữ các chức danh chủ chốt ở xã, như có vị là Thường trực cấp ủy còn có con gái là Phó bí thư Đoàn xã, có cháu trai là Phó Chủ tịch HĐND xã, 2 cháu là cán bộ công chức xã; ngoài ra còn có con gái, con rể, cháu dâu, cháu rể là cán bộ bán chuyên trách ở xã…
Trụ sở UBND huyện Quỳnh Nhai |
Anh Lò Văn Phong, Bí thư Chi bộ bản Nà Đo, xã Pá Ma Pha Kinh cho biết: “Về cơ cấu cán bộ xã, Bí thư xã hiện có con dâu là cán bộ xã; Chủ tịch thì có con gái là Phó Bí thư Đoàn xã. Việc này chắc cũng do cơ cấu của Ban chấp hành Đảng bộ”.
Không riêng Pá Ma Pha Khinh, việc một gia đình, dòng họ có nhiều người cùng giữ các chức danh chủ chốt cũng phổ biến ở nhiều xã khác của huyện Quỳnh Nhai. Cụ thể, tại xã Mường Giôn, Bí thư Đảng ủy xã có con trai là công chức Tư pháp hộ tịch xã, con dâu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, cháu gái là Phó Chủ tịch UBND xã.
Tại xã Chiềng Khay, có thời điểm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã có em trai là Phó Chủ tịch UBND xã, con trai là Bí thư Đoàn xã, con gái là công chức Văn phòng Đảng ủy xã.
Hay xã Chiềng Bằng, thời điểm năm 2018, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã là anh em đồng hao…
Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳnh Nhai Lừ Mai Văn, việc một xã có nhiều người nhà, người thân cùng giữ các chức danh chủ chốt trong xã thường dẫn tới sự cả nể, cục bộ trong triển khai thực hiện công việc, hay “lợi ích nhóm”…
“Về vấn đề đoàn kết nội bộ, người nhà, người thân bao giờ cũng đoàn kết nội bộ, ít mâu thuẫn xảy ra. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thì người nhà, người thân thường hay có sự cả nể, không mạnh mẽ, quyết liệt, nhất là đối với các cán bộ ứng cử các chức danh cấp xã. Nếu giới thiệu người từ nơi khác đến thì hầu như bầu không trúng, mà người sở tại họ thường chỉ bầu người của họ chứ không bầu người từ nơi khác đến. Vì vậy, chúng tôi thực hiện quy trình này rất khó khăn vất vả” – ông Lừ Mai Văn cho biết.
Luân chuyển cán bộ, tránh lợi ích nhóm
Trước thực trạng này, tháng 7/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Nhai đã ban hành các Quy định về luân chuyển cán bộ và phân cấp, quản lý cán bộ cũng như bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Thực hiện các Quyết định này, các tháng cuối năm 2018, Quỳnh Nhai đã thực hiện điều động, luân chuyển một số cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt ở một số xã, như: Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng sang làm Phó bí thư xã Mường Sại; Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Sại sang làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ét; Phó Chủ tịch UBND xã Mường Giàng lên làm Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn; Bí thư huyện Đoàn làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Giàng…
Mặc dù vậy, việc điều động, luân chuyển cán bộ từ xã sang xã, từ huyện xuống xã, hay từ xã lên huyện không phải dễ dàng triển khai, do tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ và do cả các quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Lừ Mai Văn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳnh Nhai cũng chia sẻ, người đứng đầu cấp xã hiện đang đương nhiệm, Ban Tổ chức huyện rất muốn đưa về huyện, nhưng lại có vướng mắc về phân cấp giữa cấp huyện và cấp xã. Khi chuyển cán bộ từ cấp huyện lên xã, xã lên cấp huyện thì quy trình phải xét tuyển, thi tuyển, thành lập Hội đồng để công nhận.
Hơn nữa, cán bộ cấp xã theo quy định, bằng cấp chỉ từ Trung cấp trở lên song nhiều người cũng chưa đảm bảo. Đối với cấp huyện thì có quy định về tiêu chuẩn, bằng cấp, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm thì mới được tuyển về.
“Do vậy rất khó, nên nhiều đồng chí chúng tôi cũng không bố trí được” - Ông Lừ Mai Văn chia sẻ.
Với quyết tâm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cùng là người nhà, dòng họ, hạn chế tình trạng cục bộ, khép kín; hạn chế tình trạng một người do giữ cương vị lãnh đạo hoặc quản lý một công việc ở một đơn vị quá lâu dẫn đến thoả mãn, bảo thủ, trì trệ, thiếu sự chủ động, sáng tạo và đổi mới để nâng cao chất lượng công việc, đầu năm nay, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục ban hành kế hoạch điều động luân chuyển và luân phiên công việc đối với cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.
Theo Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai Đặng Ngọc Hậu, huyện xác định điều động, luân chuyển, luân phiên công việc của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo là biện pháp quan trọng để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, giúp mỗi người có điều kiện tiếp cận và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết, Huyện thận trọng từng bước, trên cơ sở cụ thể hóa các quy định, đặc biệt là Ban chấp hành đã thảo luận, thống nhất rất cao thì mới ban hành, tổ chức triển khai thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện, có những trường hợp phải gặp gỡ, trao đổi để tư tưởng cán bộ thông trong quá trình triển khai thực hiện.
“Liên quan đến quyền lợi, đôi khi cũng phải chấp nhận đối mặt những vấn đề như đơn thư nặc danh liên quan đến chủ trương, tổ chức triển khai công tác cán bộ. Phương châm của Huyện là tiếp tục nắm bắt tình hình tư tưởng, trao đổi để đi đến thống nhất cao từ tập thể Ban thường vụ đến cơ sở, để khi điều động luân chuyển thì cán bộ ấy thực sự là vì công việc” - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết thêm.
Vẫn được xem là một trong những việc nhạy cảm, phức tạp, song công tác luân chuyển cán bộ lại được xác định là “một giải pháp – nhiều mục tiêu”. Do vậy, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai xác định sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, hướng tới mục tiêu lớn nhất là ngăn chặn hành vi tiêu cực, cũng như tăng cường ý thức, kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức quản lý. Từ đó, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương vốn có số dân di chuyển lòng hồ thủy điện Sơn La lớn nhất cả nước./.
Vụ cả họ làm “quan” ở Quảng Bình: Bí thư Huyện ủy bị kiểm điểm