Giám đốc Sở bổ nhiệm con trai: Có chuyện nể nang, thiếu trách nhiệm
VOV.VN - Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, có chuyện nể nang, thiếu trách nhiệm trong việc Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương bổ nhiệm con trai.
Nhiều người chưa quên câu chuyện cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), hay vụ thuyên chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang… thì mới đây câu chuyện Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ đã ký quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp phòng cho con trai mà không qua thi tuyển công chức lại khiến dư luận xôn xao về việc quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ trong bộ máy nhà nước.
Về nội dung này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Vũ Quốc Hùng (Ảnh: ANTĐ) |
Ông Vũ Quốc Hùng: Câu trả lời như vậy cũng chứng minh rằng ông Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương đã thừa nhận không theo đúng quy định trong việc bổ nhiệm con trai. Điều đó không thể chấp nhận được và mong rằng bài học này nên nói rộng ra để cảnh báo tới tất cả mọi người khi đề bạt người thân của mình phải đảm bảo tất cả các quy định nhưng đồng thời phải rất khách quan.
PV: Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, tuy nhiên việc này lại gây nên những phản cảm trong dư luận, nhiều người cho rằng đó là nguy cơ của bè phái, lợi ích nhóm rất có khả năng hình thành, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Dư luận lo lắng về nguy cơ bè phái, lợi ích nhóm là có cơ sở. Điều đó cho thấy quy định của chúng ta chưa chặt chẽ, còn sơ hở mà Luật cần phải bổ sung, xác định rõ, thủ trưởng cơ quan đề bạt người thân của mình phải qua những công đoạn đặc biệt như thế nào.
Việc đề bạt con cái, người thân trong một cơ quan là phải cân nhắc rất kỹ chứ không thể tùy tiện. Trong những trường hợp cụ thể, dù chưa có biểu hiện lợi ích nhóm nhưng nói chung không thể như vậy được và luật pháp cần phải bổ sung những quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, khi luật chưa bổ sung thì tất cả các đơn vị, cơ quan khi đề bạt, bổ nhiệm con cái, người thân của mình cần phải cân nhắc và phải tuân thủ tất cả các quy định hiện hành, đảm bảo dân chủ, khách quan.
PV: Có ý kiến đặt vấn đề cấm bổ nhiệm những người trong một gia đình cùng làm quan trong một địa phương, đơn vị vì dễ dẫn đến câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. Ông thấy giải pháp này như thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi ủng hộ giải pháp này và luật pháp cũng nên quy định như vậy. Những người thân thuộc trong gia tộc không nên làm cùng một cơ quan vì như thế sẽ cản trở việc thu hút những người có chuyên môn tốt vào cơ quan, đơn vị ấy. Còn người thân nếu thực sự được đào tạo bài bản, có kiến thức tốt thì nên làm ở cơ quan khác.
Giám đốc Sở Nội vụ đặc cách bổ nhiệm con trai: Không chấp hành luật!
PV: Ông có cho rằng, để xảy ra tình trạng này do đã có những hạn chế về công tác giám sát của một số cán bộ được trao quyền lực?
Ông Vũ Quốc Hùng: Việc đề bạt người thân trong cùng cơ quan là không nên. Nếu luật chưa quy định thì các cơ quan giám sát, kiểm tra phải vào cuộc, nhắc người đó: nếu con anh giỏi thì anh nên để con làm ở cơ quan khác. Dù con anh tốt, dù anh không hình thành bè phái thì cũng không nên.
Cái gì luật pháp không cho làm thì tuyệt đối không được làm, nhưng những điều luật pháp còn sơ hở, chưa bao quát được thì những người lãnh đạo có trách nhiệm sẽ không bao giờ làm những việc để trong cơ quan thêm dư luận, thêm hoài nghi.
Các cơ quan có trách nhiệm cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc này. Vì bộ máy, hệ thống của chúng ta đủ các cơ quan để giám sát mọi hoạt động nhưng có vào cuộc, có thẳng thắn, nể nang, “dễ người dễ ta” hay không?
Để kết luận việc người đứng đầu có lạm quyền, lợi dụng chức quyền trong bổ nhiệm cán bộ hay không thì cần phải để pháp luật, các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Song, phải nói thêm rằng, thời xưa, khi bố trí quan về trị nhậm tác các địa phương cần phải tránh những nơi: quê gốc, trú quán… (tức là người tỉnh này thì phải đi làm ở tỉnh khác); những người thân như anh em, cha con,… thì không được làm quan cùng một chỗ, ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Đó là quy luật của tâm lý xã hội và phải tính đến trong khi xây dựng luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền.
PV: Như ông nói, quy trình bổ nhiệm khá chặt chẽ, từ chủ trương đến quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng... và có sự phân cấp nhất định. Để xảy ra những sự việc được coi là bất thường trong bổ nhiệm cán bộ rõ ràng có trách nhiệm không chỉ của người đứng đầu mà của các cơ quan liên quan, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng như vậy. Chúng ta có đủ các bộ máy để giám sát, kiểm tra, không chỉ có cơ quan chuyên môn như thanh tra, kiểm tra, Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh trong công tác lãnh đạo của mình cũng không thể thiếu khâu kiểm tra được. Như trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư đã nói: Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Vì vậy, những chuyện bổ nhiệm cán bộ như thế này thì Ban tổ chức tỉnh ủy phải biết đầu tiên, bên cạnh đó là Ủy ban kiểm tra của các cơ quan khác. Bên chính quyền, các đồng chí Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh cũng phải biết chuyện đó. Rõ ràng đây là một sơ hở, có chuyện nể nang, thiếu trách nhiệm.
PV: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm tra, giám sát để tăng cường chỉnh đốn Đảng. Ông có cho rằng, với công tác cán bộ, giải pháp này càng phải được chú trọng?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trong những việc kiểm tra thì công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc, thuyên chuyển cán bộ phải được quan tâm vì cán bộ là gốc của các vấn đề. Vì vậy, các cấp ủy cũng như các cơ quan chức năng cần phải lấy việc đó làm trọng tâm số 1, luôn luôn kiểm tra công tác cán bộ, tư cách, hoạt động của cán bộ cũng như những diễn biến trong đời sống của cán bộ. Chính việc làm đó là bảo vệ cán bộ, để không có chuyện thoái hóa, “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa”.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bổ nhiệm cấp phó tràn lan, không đạt chuẩn là điều đáng lo