Điểm danh các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang được bán tại Việt Nam
VOV.VN - Hàng loạt thương hiệu ô tô của Trung Quốc đã tham gia vào Việt Nam trong thời gian gần đây, điều này hứa hẹn tạo nên bức tranh thị trường ô tô Việt có nhiều màu sắc hơn trong thời gian tới.
Sự xuất hiện của các thương hiệu ô tô Trung Quốc là tất yếu tại thị trường Việt Nam dù sớm hay muộn. Ngay trong năm 2023, rất nhiều hãng xe đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo nên một làn sóng tràn vào, giúp tăng sự đa dạng để giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn hơn.
1. Chery
Mới đây, thông tin công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) ký kết hợp đồng nguyên tắc với tập đoàn Geleximco để hợp tác xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Dù không quá bất ngờ nhưng đây là một trong những hãng xe Trung Quốc có bước đi táo bạo nhất khi sẵn sàng lắp ráp ô tô ngay tại Việt Nam để phục vụ cho thị trường trong nước trong giai đoạn đầu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD, tổng công suất sản xuất sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn đạt 200.000 xe/năm.
Hai thương hiệu trước mắt được tập đoàn Trung Quốc này mang đến Việt Nam là Omoda và Jaecoo, hãng cũng công bố nhập khẩu lô xe đầu tiên về thị trường trong nước vào tháng 8 vừa qua với 10 chiếc thuộc 4 mẫu khác nhau để phục vụ cho quá trình trải nghiệm và lái thử cho người dùng trong khi chưa rõ thời điểm bán chính thức của các mẫu xe này.
2. Haima
Đây là một thương hiệu đã từng làm đối tác của Mazda tại Hải Nam (Trung Quốc) trước đây. Sau khi kết thúc việc hợp tác, hãng ra mắt nhiều mẫu xe của riêng mình và hiện được nhập khẩu về thị trường Việt Nam với đối tác phân phối là công ty Carvivu.
Cách đây vài tháng, thương hiệu Haima đã công bố có 3 mẫu xe bán ra tại thị trường trong nước, gồm 2 mẫu xe MPV có tên gọi 7X và 7X-E (phiên bản thuần điện) cùng mẫu crossover cỡ C có tên 8S.
Một mẫu MPV của Haima đã được trưng bày tại trung tâm hội nghị ở TP HCM vào tháng 2/2023. Đây là một thông tin khá bất ngờ vào thời điểm đó khi Haima không phải một thương hiệu nổi bật so với các hãng xe Trung Quốc khác đang gia nhập thị trường Việt Nam. Dự kiến, xe của Haima được bán thông qua 2 đại lý tại Hà Nội và 1 tại TP HCM.
3. Haval
Vào tháng 8 vừa qua, Haval đã chính thức bước vào thị trường Việt Nam và giới thiệu mẫu xe dđầu tiên có tên gọi H6 HEV, cạnh tranh ở phân khúc crossver cỡ C với hệ thống truyền động dạng Hybrid còn khá mới mẻ tại thị trường trong nước.
Thực tế, Haval là thương hiệu thuộc tập đoàn ô tô Trường Thành (Great Wall Motor), được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và phân phối trong nước thông qua công ty Thành An. Đơn vị này vốn không còn xa lạ khi đang sở hữu mạng lưới đại lý chuyên bán ô tô Hyundai.
Haval H6 HEV được đặt mục tiêu doanh số khá khiêm tốn với chỉ 500 chiếc trong năm 2023, đồng thời hệ thống phân phối mới chỉ dừng lại ở một showroom tại Hà Nội và sẽ mở rộng dần ra các tính phía Bắc trong năm 2023.
4. Lynk & Co
Chốt ngày ra mắt vào 16/12 tới, Lynk & Co là thương hiệu ô tô Trung Quốc tiếp theo vào thị trường Việt Nam. Thương hiệu này thuộc tập đoàn Geely (sở hữu Volvo) và dự kiến cạnh tranh trong các phân khúc bán cao cấp với 4 mẫu xe gồm: 01, 03, 05 và 09.
Các xe Lynk & Co được nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối tại Việt Nam với sự hợp tác của công ty Greenlynk, đây là đơn vị trực thuộc Tasco, chủ sở hữu Savico - một ông lớn chuyên về mảng phân phối và bán lẻ ô tô tại Việt Nam.
Thương hiệu này sẽ thổi làn gió mới vào các phân khúc tại Việt Nam với thiết kế và trang bị cao cấp nhưng được kỳ vọng sở hữu mức giá "mềm" và dễ tiếp cận cho đa số các khách hàng.
5. Wuling
Chính thức ra mắt mẫu xe đầu tiên có tên gọi Hongguang Mini EV tại Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, Wuling là cái tên được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu với những dòng xe quốc dân giá rẻ, giúp người tiêu dùng phổ thông dễ dàng tiếp cận với ô tô hơn.
Wuling đã hợp tác với TMT Motors - một trong những doanh nghiệp chuyên lắp ráp, kinh doanh xe tải tại Việt Nam - để sản xuất mẫu xe Hongguang Mini EV ngay trong nước và sẽ tiếp tục với những mẫu xe tiếp theo. Nhà máy của hãng được đặt tại Văn Lâm (Hưng Yên) với công suất 30.000 xe/năm.
Wuling Hongguang Mini EV là mẫu xe điện có kích thước nhỏ gọn với 3 cửa và 4 chỗ ngồi. Xe có giá bán chính thức trải dài từ 239 - 282 triệu đồng (đã bao gồm pin). Đến tháng 10 vừa qua, những chiếc xe đầu tiên đã được giao đến tay khách hàng theo dạng đặt cọc từ trước đó.
6. MG
Xuất hiện từ cách đây khá lâu như một thương hiệu của Anh Quốc nhưng MG vốn đã thuộc sở hữu 100% của SAIC cùng với đơn vị phát triển và sản xuất tại Trung Quốc. Thương hiệu này cũng vào Việt Nam từ cách đây nhiều năm thông qua nhà phân phối TC Services (thuộc Tan Chong Motor) nhưng đã chuyển giao cho tập đoàn mẹ SAIC chính thức từ tháng 6 vừa qua.
Đại diện cho SAIC tại Việt Nam chính là SMV với quá trình chuyển giao tốn khá nhiều thời gian trong vài tháng đầu. Sau đó, hãng trình làng 2 mẫu xe MG5 hoàn toàn mới và RX5 cạnh tranh trong các phân khúc sedan và crossover cỡ B.
Theo thông báo trước đây, SMV sẽ tích cực nhập khẩu về thị trường Việt Nam các mẫu xe MG thuộc phân khúc phổ thông với tầm giá 300 triệu đến 1 tỷ đồng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính đến hết năm nay, hãng vẫn tiếp tục duy trì các mẫu MG 5 và MG ZS tương tự trước đây.
7. Beijing và Hongqi
Hai thương hiệu này đều có mặt tại Việt Nam từ cách đây khá lâu thông qua nhà phân phối chính thức Kylin-GX668 với số lượng ít các mẫu xe đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Với Beijing (thuộc tập đoàn BAIC) là mẫu X7 nổi danh và Hongqi (Hồng Kỳ) là bộ đôi H9 và E-HS9.
Beijing X7 vẫn được đánh giá là một trong những mẫu crossover cỡ C có giá bán cùng lượng trang bị cực kỳ hấp dẫn khách hàng hiện nay trong khi các mẫu xe của Hongqi được ví như "Rolls-Royce" của Trung Quốc và được chọn làm xe phục vụ Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, hệ thống đại lý khá khiêm tốn cùng chiến lược kinh doanh chưa quá đầu tư mạnh mẽ khiến cả Beijing và Hongqi khó tiếp cận đến phần đông khách hàng tại Việt Nam, những người vẫn còn khá e ngại các thương hiệu ô tô Trung Quốc.