Nhiều doanh nghiệp ô tô FDI đi ngược lại với mong muốn của Chính phủ?
VOV.VN - Thay vì lắp ráp như trước, hầu hết các doanh nghiệp ô tô FDI hiện nay đều đang chuyển dần qua nhập khẩu các dòng xe để bán tại Việt Nam…
Trong những ngày gần đây thị trường ô tô đang nóng lên với những thông tin về lô xe hưởng thuế nhập khẩu 0% theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đầu tiên của Honda Việt Nam đã cập cảng. Lô xe này cũng góp phần nào giải tỏa được “cơn khát” xe nhập khẩu trên thị trường.
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Nghị định 116//2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Chính phủ ban hành và Thông tư 03/2018 (Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116) thực sự không phải là vật cản lớn cho xe nhập khẩu.
Trước đó, trong những cuộc gặp gỡ với các cơ quan quản lý của Chính phủ, hầu hết các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đều bày tỏ sự lo lắng trước các quy định của Nghị định 116.
Tổng giám đốc của Toyota Việt Nam đồng thời là Chủ tịch VAMA, ông Toru Kinoshita bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một số quy định hành chính trong Nghị định 116, mà theo ông là không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và nhập khẩu ôtô của các thành viên VAMA.
Lô xe Honda cập bến Việt Nam đầu tháng 3/2018. |
Những quan điểm của VAMA vấp phải nhiều phản biện của các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Trong cuộc gặp gỡ lấy ý kiến dự thảo Thông tư 03, đại diện Bộ GTVT đã giải thích rất rõ về việc cần có quy định về giấy chứng nhận kiểu loại –VTA như sau: “Các quy định tại nghị định cũng như thông tư hướng dẫn đều phù hợp với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng cũng như minh bạch hóa xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm ô tô (bất kể là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước). Điều này là cần thiết để người tiêu dùng có cơ sở đối chiếu, kiểm tra nếu cần thiết cũng như để các cơ quan chức năng, có thể quản lý hoạt động của doanh nghiệp một cách chặt chẽ”.
Đại diện Bộ GTVT còn cho biết thêm: “Đây là yêu cầu tối thiểu để chứng minh chất lượng các mẫu xe sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu có đạt được theo chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền hay không. Một mẫu xe nếu không đạt được các tiêu chuẩn thử nghiệm tối thiểu thì việc giao xe tới cho khách hàng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao”.
Một quy định khác cũng được nhiều đại diện của VAMA kiến nghị là việc kiểm định các mẫu xe nhập khẩu theo lô sẽ gây tốn kém cũng như phát sinh nhiều chi phí cũng như thời gian không cần thiết.
Nhưng, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã trả lời chính thức về vấn đề kiểm định được thực hiện theo thông tư 03/2018. Qua đó, xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm xe mẫu đại diện cho lô nhập khẩu và không phải thử nghiệm các linh kiện kèm theo như: lốp, gương, kính, đèn chiếu sáng, vật liệu nội thất chống cháy (các giấy linh kiện này chỉ phải xuất trình giấy chứng nhận); không phải thử nghiệm phép thử bay hơi trong thử nghiệm khí thải, do đó thời gian và chi phí giảm nhiều so với việc thử nghiệm mẫu, chứng nhận kiểu loại xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho biết: “Trình tự thực hiện việc đăng kiểm nhập khẩu như sau: khi cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên mẫu trong lô xe nhập khẩu (có thể 2 mẫu để thử đồng thời cả khí thải và thử an toàn cùng một thời điểm), doanh nghiệp đưa xe đến cơ sở thử nghiệm”.
Ông Hà cho biết thêm: “Thời gian và chi phí cho một mẫu xe thử nghiệm như sau: Đối với thử nghiệm khí thải, từ khi cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu đến khi trả kết quả không quá 2 ngày. Chi phí thử 27 triệu đồng/mẫu (đối với động cơ xăng) và 28 triệu đồng đối với xe động cơ diesel). Về thử nghiệm an toàn, cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu để thử nghiệm và trả xe ngay trong ngày và báo cáo thử nghiệm phát hành vào ngày hôm sau (nếu doanh nghiệp cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật về xe mẫu). Chi phí thử nghiệm là 12 triệu/mẫu thử”.
“Vì vậy, ý kiến cho rằng, việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới 6 - 8 tuần (chưa kể thời gian nộp hồ sơ, kiểm tra xe, cấp chứng chỉ - mất thêm khoảng nửa tháng) và chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử khí thải là rất thiếu cơ sở”, ông Hà khẳng định.
Như vậy hầu hết các kiến nghị của VAMA đều mong muốn cổ xúy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan và Indonesia vào nước ta. Điều này đi ngược hoàn toàn với định hướng xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt Nam của Chính phủ./.
Hưởng thuế 0%, loạt ô tô nhập khẩu vừa về Việt Nam có giá bao nhiêu?
Ô tô nhập khẩu thuế 0% về Việt Nam, giá xe giảm ngay 200 triệu
Xe ô tô nhập khẩu sắp đổ bộ Việt Nam: Hết khan hàng, giá xe giảm?