Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
VOV.VN - An ninh phi truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, không bó hẹp trong một phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu
“Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay” là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Đà Nẵng và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức sáng nay (20/12) tại thành phố Đà Nẵng. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Hiện nay, bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống đã xuất hiện ngày càng nhiều, các vấn đề an ninh phi truyền thống, không có tiền lệ, liên quan sức mạnh mềm, tồn tại và hoạt động như một tác nhân xuyên quốc gia, tác động rất phức tạp đến an toàn của cộng đồng, đất nước và cả thế giới. Một số nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, dịch bệnh toàn cầu, tấn công mạng, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính – tiền tệ, thông tin giả...
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm an ninh phi truyền thống như đối phó với đại dịch Covid-19, các chính sách giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều địa phương. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, trong đó đặc biệt là bài học về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong phối hợp chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, an ninh mạng đang là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống và đang gia tăng tại Việt Nam. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ số, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn từ các cuộc tấn công mạng và các vấn đề an ninh thông tin. Vài năm gần đây, Việt Nam phải đối phó với hàng loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng của chính phủ và doanh nghiệp, gây ra thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân vào hệ thống thông tin quốc gia. Thực tế, vẫn còn nhiều người, thậm chí một số cán bộ trong hệ thống công quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của các mối đe dọa này.
Thượng tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, an ninh phi truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, không bó hẹp trong một phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu: “Bảo đảm an ninh mạng là bảo vệ những lợi ích cực kỳ quan trọng của quốc gia, của dân tộc, loại trừ các nguy cơ đe dọa. Các hoạt động an ninh phi truyền thống là không giới hạn, không có phạm vi không gian, thời gian. Thực chất đây là cuộc đấu tranh với nhiều kẻ thù, nhiều loại đối tượng tác động chi phối trực tiếp trên các lĩnh vực và toàn cầu hóa”.
Tại hội thảo, các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Giải pháp ưu tiên và quan trọng hiện nay là cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, như công nghệ sạch, an ninh mạng, y tế công cộng. Xây dựng khung pháp lý và thể chế phù hợp cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và cách thức ứng phó.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc huy động sự tham gia của toàn xã hội ứng phó với an ninh phi truyền thống cũng rất quan trọng: “Các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương cần được khuyến khích và tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động bảo đảm an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Việc bảo đảm an ninh phi truyền thống cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các giải pháp đề xuất cần phù hợp với điều kiện và nguồn lực của Việt Nam, đồng thời tận dụng được sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế”.