Bẫy lừa đảo "nở rộ" với nhiều thủ đoạn tinh vi
VOV.VN - Dù xã hội có phát triển đến đâu thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn luôn tồn tại, với phương thức, thủ đoạn thay đổi không ngừng. Trong khi cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc truy bắt, xử lý các đối tượng, đa số người dân dường như chỉ biết cách bảo vệ bản thân bằng kinh nghiệm.
Do vậy, để người dân không đơn độc trước “ma trận” lừa đảo, để những cạm bẫy không còn bủa vây cộng đồng thì trách nhiệm của tất cả ban, ngành chức năng cần được nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thay đổi cuộc sống con người, nhưng mạng viễn thông, Internet với tính ẩn danh cao, đã bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo ngày càng phổ biến.
Chúng đánh vào lòng tham, sự cả tin của nạn nhân như trúng thưởng, việc nhẹ lương cao, mạo danh người thân, cơ quan nhà nước,… hay đánh vào nỗi sợ: sợ bị khóa tài khoản, sợ bị điều tra, sợ không được cấp cứu,…
Cạm bẫy giăng ra trong mọi lĩnh vực của đời sống như “vòi bạch tuộc”, “vòi” này bị chặt đứt thì “vòi” khác lại mọc ra.
Đây là lúc cần sự hiện diện của các cơ quan quản lý với vai trò phá “bẫy” và dẫn đường. Đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, làm cơ sở để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Đặc biệt là các quy định về an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu người dùng, đi kèm chế tài đủ mạnh và biện pháp giám sát, phát hiện hiệu quả.
Trong đó, cần gắn trách nhiệm của các đơn vị nắm giữ thông tin, từ đó khắc phục tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân xảy ra phổ biến thời gian qua.
Có ràng buộc chặt chẽ trong những giao dịch có yếu tố kinh tế, tạo nên “hàng rào” đủ mạnh ngăn ngừa hành vi phạm tội và giúp cơ quan điều tra có thể nhanh chóng can thiệp khi cần.
Lợi dụng tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và hiểu biết hạn chế, sự cả tin của một bộ phận người dân, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ''nở rộ'' với thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi (Ảnh minh họa: NLĐ)
Với cơ quan công an, cần nắm bắt những thủ đoạn mới và phổ biến rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông; điều tra, xử lý nhanh chóng các vụ việc nổi cộm, công khai các kênh tiếp nhận phản ánh để tạo sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân.
Việc tăng cường niềm tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước và tăng khả năng tiếp cận với các kênh giao dịch chính thống còn có ý nghĩa với tất cả ban ngành khác và mọi lĩnh vực, để người dân không còn nỗi sợ và không bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Xa hơn là tiếp tục thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng và các loại tội phạm nói chung.
Còn để trực tiếp ngăn ngừa tội phạm lừa đảo thì cần hạn chế công cụ gây án. Chúng thường sử dụng mạng xã hội, SIM “rác” để không lộ danh tính, tài khoản ngân hàng được mua bán để không xác định được người giao dịch.
Do vậy, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đẩy mạnh xử lý việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vốn nhức nhối nhiều năm nay, phối hợp các doanh nghiệp xóa bỏ những tài khoản, hội nhóm giả mạo, lừa đảo. Tương tự là xử lý quyết liệt với tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng, yêu cầu người dân không tiếp tay cho hành vi phạm tội.
Cùng với đó là tăng cường truyền thông đến mọi người dân về nhận diện tội phạm, nâng cao nhận thức về việc tự bảo vệ bản thân và hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng Internet, thiết bị công nghệ an toàn. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm người ở vùng nông thôn, người cao tuổi,… những người có hiểu biết hạn chế hơn về công nghệ thông tin.
Phương thức tuyên truyền cũng cần thay đổi linh hoạt, trong đó chú trọng vào mạng xã hội - một trong những kênh thông tin nhanh chóng và hiệu quả nhất hiện nay. Nếu mọi cơ quan, tổ chức có tinh thần trách nhiệm, chủ động có bài đăng trên tài khoản “tích xanh”, hoặc gửi tin nhắn đến từng người liên quan, thì sẽ chẳng có chuyện lừa đảo “con đi cấp cứu” lan rộng từ TP.HCM ra Hà Nội như vừa qua, khi ngành giáo dục chậm trễ trong việc yêu cầu các trường gửi khuyến cáo đến phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần đưa chương trình đào tạo công dân “số” vào giảng dạy các cấp học, sớm hình thành kỹ năng cho học sinh, sinh viên; đồng thời thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật và chế tài xử phạt để răn đe, ngặn ngừa mầm mống tội phạm.
Cuối cùng, mọi nỗ lực của cơ quan quản lý cần sự đồng hành, phối hợp của người dân để phát huy hiệu quả cao nhất.
Mỗi người cần tự trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, hoặc nhờ người thân bảo mật tài khoản, tránh bị đối tượng xấu chiếm đoạt; cảnh giác trước mọi yêu cầu chuyển tiền, cung cấp OTP và các loại thông tin cá nhân khác; không làm theo yêu cầu của những người chưa xác thực danh tính; kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi phạm tội hoặc có biểu hiện nghi ngờ; và cùng lên tiếng, chia sẻ với cộng đồng, để cùng nhận diện và tránh xa mọi cạm bẫy lừa đảo./.