Cách rút tiền từ sổ tiết kiệm của người thân đã mất

VOV.VN - Bên cạnh nhà, đất, xe... thì một trong những di sản thừa kế thường gặp là sổ tiết kiệm.

Có không ít trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan tới khoản tiền gửi tiết kiệm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về di sản thừa kế là sổ tiết kiệm? Làm thế nào để những người thừa kế có thể rút tiền tiết kiệm của người đã mất? Về vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thẻ tiết kiệm hay sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền. Theo quy định của ngân hàng thì sổ tiết kiệm có thể là tiền gửi tiết kiệm của một hoặc nhiều người. Tuy nhiên, thông thường trong gia đình, sổ tiết kiệm thường chỉ đứng tên chồng hoặc vợ. Vậy theo quy định, sổ tiết kiệm chỉ đứng tên mình người chồng hoặc người vợ thì đây được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng thưa luật sư?.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc Sổ tiết kiệm đứng tên một mình vợ hoặc chồng không có nghĩa là số tiền gửi tiết kiệm sẽ là tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng đó. Việc xác định số tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng thì phải căn cứ vào nguồn gốc và thời điểm phát sinh số tiền đó, cũng như các thoả thuận giữa vợ và chồng về số tiền này (nếu có).

Nếu số tiền gửi tiết kiệm là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, hoặc là tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung, hoặc vợ và chồng có thỏa thuận đó là tài sản chung, thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, số tiền gửi tiết kiệm sẽ là tài sản chung của vợ chồng

Nếu số tiền tiết kiệm là tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn; hoặc được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; hoặc đã được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, số tiền gửi tiết kiệm sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Và tại Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp vợ chồng có tranh chấp mà không có căn cứ để chứng minh số tiền gửi tiết kiệm là tài sản riêng của mỗi bên thì số tiền đó sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng.

PV: Như vậy, mặc dù sổ tiết kiệm gửi trong thời kỳ hôn nhân nhưng nếu có căn cứ chứng minh được thì đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên lãi suất từ sổ tiết kiệm thì sẽ là tài sản chung hay tài sản riêng, thưa luật sư. Với những khoản tiền gửi hàng tỷ đồng thì tiền lãi cũng là một khoản thu nhập đáng kể.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì số tiền lãi là lợi tức phát sinh từ tiền gửi tiết kiệm. Theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, lợi tức hoặc các khoản thu nhập khác phát sinh từ việc khai thác tài sản chung của vợ chồng, hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân đều sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, dù tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì số tiền lãi phát sinh (từ tiền gửi tiết kiệm) trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp giữa vợ và chồng có sự thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nếu vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và theo đó, số tiền gửi tiết kiệm được thoả thuận là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, thì từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, số tiền lãi phát sinh sẽ là tài sản riêng của người được chia số tiền gửi tiết kiệm đó, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.

PV: Bên cạnh nhà đất, xe ô tô, sổ tiết kiệm cũng là một khoản thừa kế của nhiều gia đình. Nếu là tài sản riêng của người chết thì cũng sẽ được đem chia thừa kế nhưng nếu đó là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản chung của người chết với người khác thì sẽ xác định di sản thừa kế như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Tiền gửi tiết kiệm là một loại tài sản nên khi chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm chết, thì số tiền này sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật cho những người thừa kế của người chết theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế.

Nếu tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của người chết với người khác (tài sản chung của vợ chồng, hoặc với người khác), thì việc xác định phần quyền sở hữu của người chết (di sản thừa kế) trong số tiền gửi tiết kiệm sẽ được căn cứ vào nguồn gốc hình thành và phát triển của số tiền gửi tiết kiệm, các tài liệu, giấy tờ có liên quan (văn bản thoả thuận gữa các đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm.v.v.), cũng như sự thoả thuận giữa các bên có liên quan và các quy định của pháp luật. Ví dụ: Nếu tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng thì về nguyên tắc sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển số tiền tiết kiệm đó.

Nếu các bên có liên quan không tự thỏa thuận và thống nhất được việc xác định di sản thừa kế đối với số tiền gửi tiết kiệm thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự, để yêu cầu Tòa án xác định và phân chia phần quyền sở hữu đối với số tiền gửi tiết kiệm theo quy định của pháp luật.

PV: Thưa luật sư, trong trường hợp người chết để lại di chúc hợp pháp thì đương nhiên sẽ chia tài sản thừa kế theo di chúc, nhưng nếu người chết không để lại di chúc thì sổ tiết kiệm là tài sản thừa kế sẽ được chia ra sao? Luật sư có thể hướng dẫn thủ tục khai nhận di sản thừa kế với sổ tiết kiệm?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Trong trường người chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm chết mà không để lại di chúc định đoạt số tiền này, thì theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, số tiền gửi tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật của người chết theo quy định của Bộ luật dân sự.

Để được hưởng thừa kế thì người thừa kế cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế đối với số tiền gửi tiết kiệm tại Tổ chức hành nghề

công chứng (Phòng/Văn phòng công chứng) hoặc UBND cấp xã theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện thủ tục này, người yêu cầu cần chuẩn bị các giấy tờ như: Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có); Sổ tiết kiệm và Giấy chứng tử của người để lại di sản; Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.v.v.); Giấy tờ tuỳ thân của những người thừa kế (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu.v.v.)

Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã sẽ tiến hành niêm yết thông báo khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế tại UBND xã/phường/thị trấn (nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó) trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Trong thời gian trên, nếu không phát sinh khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến số tiền gửi tiết kiệm là di sản thừa kế thì UBND cấp xã hoặc Tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành chứng thực hoặc công chứng Văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

PV: Vậy sau khi làm thủ tục phân chia di sản thừa kế thì chúng ta sẽ làm như thế nào để rút tiền từ sổ tiết kiệm do người chết để lại? Sẽ phải có những giấy tờ nào? Có cần giấy chứng tử của người chết, biên bản khai nhận thừa kế không? Trong trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của người chết và người khác thì những người sở hữu chung sổ tiết kiệm đó có phải ra ngân hàng làm thủ tục rút tiền không hay chỉ có người thừa kế của người chết, luật sư có thể hướng dẫn cụ thể?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Sau khi thực hiện xong thủ tục công chứng hoặc chứng thực Văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế thì những người thừa kế có thể trực tiếp (hoặc ủy quyền cho người khác) mang theo Văn bản khai nhận/thoả thuận phân chia di sản thừa kế, Sổ tiết kiệm và Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy tờ tùy thân đến ngân hàng nơi người chết gửi tiền tiết kiệm, để thực hiện thủ tục rút tiền hoặc chuyển tên trên Sổ tiết kiệm cho mình theo quy định và hướng dẫn của ngân hàng.

Nếu tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung giữa người chết và những người khác thì khi thực hiện các thủ tục rút tiền hoặc đổi tên trên Sổ tiết kiệm cũng cần phải có sự có mặt và tham gia của những người đồng chủ sở hữu tiền người tiết kiệm đó hoặc người đại diên theo uỷ quyền của họ.

Đối với các thủ tục và giấy tờ cụ thể thì các ngân hàng có thể có những quy định riêng, không hoàn toàn giống nhau. Do đó, những người thừa kế nên liên trước với ngân hàng, để được hướng và chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ và thực hiện đúng các thủ tục cần thiết.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?
Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?

VOV.VN - Người để lại tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết thông qua việc lập di chúc. Trong trường hợp không có di chúc, liệu em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột? Con dâu có được thừa kế tài sản của bố chồng?

Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?

Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?

VOV.VN - Người để lại tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết thông qua việc lập di chúc. Trong trường hợp không có di chúc, liệu em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột? Con dâu có được thừa kế tài sản của bố chồng?

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai
Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

VOV.VN - Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

VOV.VN - Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

Được nhận di sản thừa kế, phải chuẩn bị những gì trong hồ sơ?
Được nhận di sản thừa kế, phải chuẩn bị những gì trong hồ sơ?

VOV.VN - “Khi cha mẹ qua đời, cả 4 chị em đều đồng ý để lại ngôi nhà của cha mẹ cho chị cả.  Nay chị tôi muốn xây lại ngôi nhà đó thì chúng tôi phải làm các thủ tục gì?”

Được nhận di sản thừa kế, phải chuẩn bị những gì trong hồ sơ?

Được nhận di sản thừa kế, phải chuẩn bị những gì trong hồ sơ?

VOV.VN - “Khi cha mẹ qua đời, cả 4 chị em đều đồng ý để lại ngôi nhà của cha mẹ cho chị cả.  Nay chị tôi muốn xây lại ngôi nhà đó thì chúng tôi phải làm các thủ tục gì?”