Cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát kêu oan: Cơ quan tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng
VOV.VN - “Trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm ở Bình Dương đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; việc đánh giá chứng cứ còn phiến diện và thiếu cơ sở”. Đó là một trong những nhận định làm cơ sở để TAND cấp cao hủy toàn bộ bản án.
“Công đoạn” nào cũng có vi phạm
Vụ án cựu Bí thư thị ủy Bến Cát – Nguyễn Hồng Khanh được khởi nguồn từ “Đơn tố giác tội phạm” của ông Nguyễn Hiệp Hòa, con ruột bà Hồ Thị Hiệp. Ông Hòa tố cáo ông Khanh lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cấu kết với cán bộ BIDV Tây Sài Gòn o ép bà Hiệp chuyển nhượng đất với giá rẻ.
Những chi tiết rất cần được làm rõ, bà Hiệp mất ngày 11/8/2016, thì hai tháng sau, ngày 16/10/2016, ông Hòa viết đơn tố cáo gửi Công an Bình Dương. Ông Hòa khai, ông “quăng” đơn vào cổng bảo vệ mà không giao cho ai tiếp nhận, thụ lý?
Ngay trong ngày 16/10/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Dương và VKSND tỉnh Bình Dương “thần tốc” ban hành Quyết định phân công Điều tra viên và Kiểm sát viên phụ trách giải quyết đơn tố cáo. Nhưng 2 ngày sau (18/10/2016) CQĐT mới thụ lý đơn tố cáo của ông Hòa và ban hành Thông báo việc tiếp nhận tin báo tội phạm.
Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận tin tố giác, nếu không xác minh được có hành vi phạm tội và nếu không được VKSND gia hạn thêm 20 ngày nữa thì CQĐT Công an tỉnh Bình Dương phải ra “Quyết định không khởi tố vụ án”. Thế nhưng mãi gần 17 tháng sau (ngày 12/3/2018) Cơ quan này mới ban hành Quyết định khởi tố vụ án. Mặc dù vậy, VKSND tỉnh Bình Dương vẫn phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
TAND cấp cao khẳng định, đó là những quyết định vi phạm pháp luật. Về nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa làm căn cứ xử lý vụ án chứa đựng nhiều mâu thuẫn.
Một nhân chứng rất quan trọng trong vụ án là ông Nguyễn Hữu Trọng (người làm nghề môi giới bất động sản) khẳng định, chính ông Hòa đã nhiều lần cùng mẹ ruột và ông Trọng gặp nhau, trao đổi, dẫn ông Khanh đi xem đất và đến văn phòng công ty thỏa thuận việc mua bán này. Thực tế như vậy, thì hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản không thể xảy ra.
“Tôi mong muốn các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ: Tôi có gây thất thoát tài sản nhà nước hay không? Nếu không có hành vi phạm tội thì sớm trả lại công bằng cho tôi và những anh em khác” - ông Nguyễn Hồng Khanh
Ông Nguyễn Hồng Khanh đặt câu hỏi: Ông Hòa từng trực tiếp chứng kiến chuyện mua bán đất giữa hai người và nhiều lần chở bà Hiệp gặp ông để nhận tiền nên biết rất rõ việc mua bán. Mặt khác, trong suốt 3-4 năm liền sau khi mua đất, gia đình ông trồng, chăm sóc cây cao su thì ông Hòa thường xuyên qua lại đều nhìn thấy. Nếu bà Hiệp bị o ép, thì làm sao việc mua bán có thể kéo dài giữa hai bên, và tại sao chỉ đến khi bà Hiệp vừa qua đời, ông Hòa mới tố cáo? Vì sao việc mua bán hai bên lại bị chuyển thành vụ án hình sự?
Theo TAND cấp cao “đây là tình tiết rất quan trọng dẫn đến việc xác định bản chất vụ án. Tuy nhiên CQĐT chưa tiến hành cho đối chất, làm rõ là thu thập chứng cứ không đầy đủ và vi phạm quy định tại điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Sai thẩm quyền, xâm phạm quyền lợi của bị can?
Theo các luật sư, việc khởi tố, truy tố ông Nguyễn Hồng Khanh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 là trái pháp luật, sai thẩm quyền. Bởi vì, Bộ luật Hình sự 2015 mãi đến 0 giờ ngày 01/01/2018 mới có hiệu lực, thì chỉ những hành vi phạm tội xảy ra sau 0 giờ ngày 01/01/2018 mới được áp dụng. Trong khi đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Khanh và bà Hiệp đã diễn ra từ năm 2012 đến năm 2015.
Ngoài ra, CQĐT và VKSND tỉnh Bình Dương đã vi phạm về thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ, bởi BIDV Tây Sài Gòn có địa chỉ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Trụ sở chính của BIDV tại Hà Nội.
Nếu cho rằng tài sản Nhà nước tại BIDV Tây Sài Gòn bị thất thoát, thì thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử thuộc về các Cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hồ Chí Minh hoặc Cơ quan pháp luật cấp trung ương, bởi điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình”. Trong trường hợp này, nơi có tài sản thế chấp và quá trình tiến hành các thủ tục chuyển nhượng không thể coi là nơi xảy ra tội phạm.
Còn ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết, suốt 2 năm bị tạm giam, ông nhiều lần đề nghị nhưng không được gặp người thân theo quy định; không được thông báo kết quả định giá tài sản nên không biết để khiếu nại; sức khỏe thể chất và tinh thần suy sụp. Mặc dù gia đình ông viết đơn xin tại ngoại, nhưng VKS chuyển CQĐT, rồi CQĐT chuyền lại cho VKS, cứ lòng vòng không ai xem xét.
“Mặc dù đang là tỉnh ủy viên, là cán bộ do Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng tôi bị coi như những đối tượng phạm tội manh động đặc biệt nguy hiểm. Những người cố tình ngăn cản yêu cầu chính đáng của tôi đã vi phạm nghiêm trọng các quyền và hợp pháp của bị can, bị cáo” - ông Khanh nói.
Tách vụ án không có căn cứ, trái quy định
Ngoài bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Cơ quan điều tra còn khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. CQĐT cho rằng ông Khanh có hành vi gian dối trong việc chuyển dịch trái phép tài sản gắn liền với đất của bà Hiệp thành tài sản riêng của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng Bình Dương còn khởi tố, điều tra một số bị can khác về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Mặc dù cho rằng các hành vi đều có liên quan đến hậu quả gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nhưng CQĐT Công an Bình Dương và VKSND tỉnh Bình Dương lại tách ra thành những vụ án khác nhau để giải quyết sau.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng luật Hưng Yên (tại TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc tách vụ án để giải quyết sau là không có căn cứ và vi phạm nghiêm trọng pháp luật Tố tụng hình sự. Mặt khác, một hành vi xử lý tài sản thế chấp của các bị cáo không thể tách ra để điều tra, xét xử hai lần hoặc tạo thành hai tội danh”.
Và theo nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm: “CQĐT Công an Bình Dương và VKSND tỉnh Bình Dương tách một số hành vi liên quan để xử lý trong vụ án này là không phù hợp và trái với quy định tại khoản 2, điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự. Thiếu sót này đã ảnh hưởng tới tới việc xác định bản chất của vụ án, dẫn tới việc giải quyết vụ án thiếu tính toàn diện và triệt để”./.