Dễ dàng lừa hàng tỷ đồng với lời hứa hão “chạy việc“
VOV.VN - Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra PC45, Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị đang điều tra nhiều vụ lừa hàng tỷ đồng “chạy việc”.
Mới nhất, vào 16h chiều 28/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45), Công an tỉnh Gia Lai đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đức Đệ (SN 1971), trú tại số nhà 59, đường Lý Chính Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh bắt tạm giam và khám nhà đối với Nguyễn Đức Đệ tại nhà riêng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Đệ có tên gọi khác là Nguyễn Thanh Mười, tự xưng mình là cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, có khả năng xin việc vào biên chế ngành giáo dục, ngành an ninh và có khả năng luân chuyển công tác một số ngành trong tỉnh Gia Lai.
Trong khoảng thời gian từ 8/2014 – 4/2017, Nguyễn Đức Đệ đã nhận tổng số 1,6 tỷ đồng của 17 cá nhân. Trong số đó, có người giao dịch trực tiếp với Đệ, có người thông qua người môi giới là Trần Trường Giang (trú tại số 41, đường Âu Cơ, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku).
Số tiền Đệ nhận từ 100 - 250 triệu đồng tùy vào từng công việc. Sau khi tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra PC45, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thi hành bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đức Đệ để điều tra về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Gia Lai cũng đang điều tra hành vi lừa chạy xin việc của Võ Thị Cẩm Thủy (SN 1985), trú Tổ 5, phường Thống Nhất,thành phố Pleiku.
Mặc dù chỉ là người buôn bán tạp hóa, nhưng Thủy giới thiệu mình có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo công an địa phương, có khả năng xin việc vào ngành. Trong năm 2017, Thủy đã nhận tổng số hơn 2,7 tỷ đồng của 4 cá nhân. Hiện, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ vụ án.
Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra PC45, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, tình trạng lừa đảo chạy việc đang diễn ra khá phức tạp tại hầu khắp các huyện, thị của Gia Lai.
Các đối tượng lừa đảo thường dùng chung thủ đoạn là giới thiệu mình là cán bộ, hoặc quen biết với lãnh đạo của các ngành công an, giáo dục, có khả năng xin được việc. Tuy nhiên, thực tế, các ngành này đều thông qua thi tuyển để lựa chọn cán bộ, do đó, người dân nên cảnh giác.
"Việc tuyển dụng vào ngành công an đều có thông báo công khai. Chỉ có 2 trường hợp, một là thi các kỳ thi đại học, hai là tuyển lại trong nghĩa vụ. Hai trường hợp này đều được công khai rộng rãi, chứ không có cá nhân nào có khả năng xin được vào ngành công an" - Thượng tá Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra PC45, việc bố trí các vị trí công tác ở các ngành ngoài, việc tuyển công chức cũng được công khai; luân chuyển giáo viên hàng năm đã có chỉ tiêu. Do đó, người dân không nên tin vào những lời giới thiệu của các đối tượng./.