Du học sinh đoạn tuyệt với ma túy- "nẻo về" lắm chông gai
VOV.VN - Nghe lời bố, anh Nguyễn Văn Thiệu sang Bắc Kinh- Trung Quốc du học để tránh “nhóm bạn xấu tại Việt Nam rủ rê dùng ma túy”. Tuy nhiên, đến năm thứ 2 Đại học, trong một lần đi sinh nhật bạn, vì say quá nên anh dùng thử ma túy và nghiện cho đến tận bây giờ.
Thử sử dụng ma túy để hưng phấn hơn trong công việc
Nếu không dính đến ma túy, giờ này anh Lê Nhật Quang (39 tuổi) nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đang hạnh phúc bên vợ và đứa con nhỏ của mình. Nhưng thực tế, anh đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (Sóc Sơn- Hà Nội).
Trải qua bao công việc, từ làm thợ điện nước, bưng bê, tạp vụ, rồi đầu bếp nhà hàng,… nhưng nhờ đam mê với ngành điện nên Quang nỗ lực thi Đại học Bách khoa Hà Nội ở tuổi 29, rồi chính thức trở thành sinh viên hệ cao đẳng trường đại học này.
Niềm vui chưa được bao lâu, ngay năm đầu, Quang đã “bập” vào ma túy vì tò mò và bị bạn bè lôi kéo. Theo lời chia sẻ của Quang thì “trước đó, khi đi làm, tiếp xúc bạn bè thấy mọi người sử dụng ma túy thì hưng phấn hơn với công việc nên muốn thử xem thế nào? Ban đầu chỉ thử 1, 2 liều, sau dần không kiểm soát được thì “nghiện” lúc nào không hay".
Điều đáng nói là, Quang "chơi" ma túy đá nhưng giấu giếm gia đình, vợ con. Tiền thu được từ việc đi làm, đến tiền bố mẹ hỗ trợ thêm để học hành đều bị Quang cắt xén để mua ma túy. Trung bình một ngày, Quang “nướng” từ vài trăm đến 1,5 triệu đồng cho ma túy đá, tùy theo thu nhập và sức khỏe của ngày hôm đó. Sau gần 2 năm, gia đình mới biết thì Quang đã lún sâu vào ma túy và "nướng" hơn 100 triệu đồng tích lũy của hai vợ chồng vào những “cơn phê” kéo dài
“Khi mới sử dụng ma túy thì hưng phấn. Khi không có để sử dụng thì sinh cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, dễ đau ốm, cảm sốt, nhiều khi còn tự kỷ, chán nản. Trước khi nghiện, tôi nặng 70kg, giờ còn có 58 kg”- anh Quang kể.
Gương mặt hốc hác, mắt hõm sâu, Quang cho biết, khi thấy sức khỏe giảm sút, nhìn thấy khuôn mặt mình như vậy trong gương, Quang xin phép gia đình đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội để cai nghiện tự nguyện.
“Thời gian đầu cắt cơn khó chịu lắm, người giống như bị hàng ngàn con dòi đang đục vào xương tủy, cảm giác đau đớn, mất ăn, mất ngủ” - Quang kể.
Vậy nhưng, khi được hỏi "cai nghiện có khó không, có quyết tâm không?", Quang cho biết, anh không dám hứa mà chỉ cố gắng. Bởi, cai tạm thời thì không khó, nhưng để dứt điểm được là cực kỳ khó, vì nó ảnh hưởng đến thần kinh mà tác hại đến thần kinh thì rất lâu dài. Có thể 6,7 năm, hoặc 10 năm sau, khi cơ thể không khỏe mạnh, không chống trọi được thì người nghiện lại quay về với ma túy.
Thiếu kiến thức về ma túy dẫn đến nghiện
Anh Quang là 1 trong gần 500 học viên đang cai nghiện ma túy ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội. Mỗi người ở đây mỗi hoàn cảnh, trình độ khác nhau. Có người là lao động chân tay, nhưng cũng có người có trình độ, từng là du học sinh như trường hợp anh Nguyễn Văn Thiệu, 39 tuổi, nhà ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Cách đây hơn 10 năm, nghe lời bố, Thiệu sang Bắc Kinh- Trung Quốc du học để tránh “nhóm bạn xấu tại Việt Nam rủ rê dùng ma túy”. Đến năm thứ 2 Đại học, trong một lần đi sinh nhật bạn, vì say quá nên anh dùng ma túy khi được bạn mời mọc và nghiện đợt 1 cho đến tận năm 2018.
“Ngày đấy kiến thức về ma túy không có, nên dần dần dấn sâu vào và thành nạn nhân của nó. Lúc đầu, tôi dùng heroin, ngày hút 1 lần. Sau này nặng lên thì ngày 2 lần. Cảm giác phê pha lâng lâng, thoải mái con người. Để có tiền hút ma túy, tôi phải chờ bố gửi tiền phí sinh hoạt sang”.
Đến năm 2008, tốt nghiệp Đại học, Thiệu trở về Việt Nam, làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương 350 USD. Số tiền này, theo lời kể của Thiệu là tương đối cao so với thời điểm đó, nhưng cũng không đủ cho anh sử dụng ma túy. Xấu hổ với người thân, làng xóm, để che giấu, bố anh phụ cấp thêm tiền cho anh thỏa mãn cơn nghiện.
Sau gần 10 năm sử dụng ma túy, thấy sức khỏe giảm sút, thương vợ và hai con, năm 2018 Thiệu đến Cơ sở cai nghiện số 6 để tham gia cai nghiện tình nguyện
“Khi tham gia vào giai đoạn cắt cơn, ai trải qua cũng thấy đó là sự kinh hoàng, không muốn nhớ lại. Nếu đi cai nghiện tại Trung tâm thì ai nghĩ cũng có thể bỏ được vì sợ. Lý do em đi cai nghiện, khi mất bố có dặn “không được quay lại con đường này nữa" và em cũng đã quyết tâm bỏ được 6 năm”.
Sau 6 năm tạm ngưng sử dụng ma túy, cách đây không lâu, vào năm 2022, do bị tai nạn xe máy, chấn thương tương đối nặng, phải sử dụng móc - phin để giảm đau, Thiệu lại tái nghiện và tiếp tục đến Cơ sở số 6 cai nghiện lần 2.
“Đã từng sử dụng ma túy, nên khi có móc- phin vào người tôi cảm nhận được ngay. Lúc đó, tôi lại tiếp tục giấu gia đình, ra một hiệu thuốc quen gần nhà mua móc phin về sử dụng”- Thiện ngậm ngùi.
Nghiện ma túy như một điểm đen trong não bộ, rất khó mất đi
Với suy nghĩ sai lầm “ma túy đá không gây nghiện” nên số người dùng ma túy ngày càng có xu hướng gia tăng gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tính đến tháng 2/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc là hơn 48.200 người, khoảng 190.000 người nghiện ma túy.
Theo các chuyên gia y tế, hiện, không có phác đồ điều trị riêng cho những người nghiện ma túy đá. Bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng và cắt cơn, sau đó về với cộng đồng. Nếu nghiện nặng, não sẽ tổn thương và không có khả năng phục hồi.
Anh Phan Văn Hà, cán bộ trực chỉ huy phòng Y tế chăm sóc sức khỏe, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội thông tin, trong quá trình cai nghiện, mỗi giai đoạn có một đặc trưng nhất định. Giai đoạn vất vả nhất đối với người nghiện cũng như đối với công tác quản lý đó là giai đoạn cắt cơn, giải độc. Do trước đó, người ta đã quen với sử dụng ma túy, nên khi cắt cơn giải độc phát sinh ra rất nhiều vấn đề. Trong đó, có cả vấn đề tư tưởng và thực thể, có biểu hiện vật vã, hoang tưởng,…
Tiếp đó, đến giai đoạn nữa mặc dù không vất vả bằng giai đoạn vừa rồi, nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì. Đó là giai đoạn giáo dục hành vi từ bỏ ma túy. Quá trình giáo dục này không phải ngày 1, ngày 2, mà đòi hỏi cả một quá trình dài, kiểu như mưa dầm thấm đất.
Cùng với đó , còn phải giáo giáo dục giá trị sống, để người nghiện hiểu được lòng nhân ái, yêu thương, hạnh phúc là gì. Khi người ta hiểu được giá trị sống đó, người ta sẽ làm tốt được bổn phận của từng cá nhân.
“Người khi đã nghiện ma túy có hiện tượng rối loạn hành vi. Hơn nữa với tình hình nghiện ma túy như hiện nay, giới trẻ đa phần sử dụng rất nhiều loại ma túy cùng một lúc, đặc biệt là ma túy tổng hợp gây lên những hội chứng loạn thần ở giai đoạn vào cắt cơn, nên trong quá trình cắt cơn giải độc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Với một học viên để cắt cơn kéo dài trong vòng 15-20 ngày. Thế nhưng vất vả nhất trong vòng 1 tuần. Lúc đó, tư tưởng chưa ổn định. Thứ hai có những biểu hiện loạn thần của ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp”- Anh Phan Văn Hà nói.
Về vấn đề này, ông Phí Anh Hoàng, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội khẳng định, khi sử dụng ma túy, nó tác động vào thần kinh trung ương, đặc biệt là não bộ sau đó tạo thành một tổn thương, một điểm đen trong não, rất khó mất đi. Và khi nào chúng ta chạm đến điểm đen đó, có vấn đề, và khi đó có vấn đề.
“Cho nên, có thể nói vấn đề tái nghiện, khi tái hòa nhập cộng đồng, khi người ta chạm đến những điểm nhớ. Ví như, đến những nơi người ta đã từng sử dụng ma túy, gặp những bạn đã từng sử dụng ma túy, hoặc người ta tưởng tượng đến những nơi, những khuôn viên,….mà gợi nhớ đến ma túy làm người ta thèm muốn. Cái đó là tổn thương mà chúng ta đáng quan tâm nhất và chúng ta cần phải một quá trình và thời gian dài.”- ông Phí Anh Hoàng chia sẻ.
Do vậy theo ông Hoàng, để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng không chạm đến điểm nhớ cần nhiều người giúp đỡ, trong đó có cả gia đình, xã hội, các ban, ngành chức năng.