Du học “trên mây”: Tiền mất mà vẫn… ở nhà
Được học tập tại các quốc gia tiên tiến hơn Việt Nam là mơ ước của một bộ phận không nhỏ người dân. Lợi dụng tâm lý ấy, nhiều đối tượng đã có các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo thông qua hình thức tư vấn du học.
Như tin báo chí đã đưa ngày 18/4, Cơ quan CSĐT CAQ Bắc Từ Liêm cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đinh Thị Quỳnh (SN 1988) trú tại phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thu tiền của những người có nhu cầu đi du học Hàn Quốc.
Đinh Thị Quỳnh khai nhận bản thân thành lập Công ty Cổ phần phát triển nhân lực Jako, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học. Để tạo lòng tin, Quỳnh đã yêu cầu bị hại nộp tiền vào công ty để chứng minh năng lực tài chính; làm sổ tiết kiệm gửi ngân hàng Hàn Quốc thì mới có đủ điều kiện đi làm và du học. Khi các bị hại nộp tiền, Quỳnh không sử dụng để làm sổ tiết kiệm cho bị hại mà chuyển sang ký hợp đồng thuê tài chính.
Quỳnh còn làm giả các Invoice (thông báo học phí) của trường Dong Duk tại Hàn Quốc và yêu cầu bị hại nộp tiền học phí theo quy định. Tổng số tiền Quỳnh đã yêu cầu bị hại nộp khoảng gần 1 tỷ đồng, cùng hồ sơ để làm thủ tục đi du học tại Hàn Quốc.
Cũng trong tháng 4/2022, Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng điều tra vụ án hình sự cùng thủ đoạn tương tự đối với Đinh Thị Quỳnh. Quá trình điều tra xác định, người đại diện Công ty là Đào Thị Trang (trú tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) lập Công ty TNHH TCS Education để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, nhưng không thực hiện.
Qua các vụ việc xảy ra, có thể thấy tội phạm lợi dụng tâm lý muốn được đi du học nước ngoài của nhiều phụ huynh, học sinh, để có những thủ đoạn lừa đảo một cách tinh vi hòng chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng thường thành lập các công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, sau đó lợi dụng sự thiếu hiểu biết của phụ huynh, học sinh để thu tiền dịch vụ nhưng không dùng số tiền đó đúng mục đích mà tiêu xài cá nhân, hoặc bán lại hồ sơ cho các trung tâm khác.
Tiền bay vèo vèo, nhưng người vẫn… ở nhà
Trong đơn trình báo gửi cơ quan công an của anh N.T.T, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, cách đây hơn một năm, qua giới thiệu, anh đăng ký hợp đồng dịch vụ đi du học Nhật Bản tại một trung tâm ở Hà Nội với phí dịch vụ hơn 100 triệu đồng.
Ban đầu, trung tâm cam kết sẽ lo toàn bộ thủ tục, anh T. chỉ đi thi và chờ ngày ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó, anh T. không đủ điều kiện để được giấy chứng nhận tư cách lưu trú dành cho du học sinh tại Nhật Bản (COE) dù trước đó trung tâm này cam kết 100% đỗ COE.
Sau đó, trung tâm yêu cầu đóng thêm tiền, vì muốn được đi du học nên anh chấp nhận. Tuy nhiên, chờ đợi hơn một năm, anh vẫn không thể đi du học. Đến nay, sau nhiều lần hứa hẹn, anh đã không còn liên lạc được với nhân viên tư vấn và trung tâm cũng biến mất, nên anh không đòi lại được khoản tiền mình đã đóng.
Thủ đoạn lừa đảo du học đã xuất hiện nhiều năm qua và rất nhiều người “ngậm đắng nuốt cay” vì tin vào lời quảng cáo.
Thủ đoạn của các đối tượng thường quảng cáo trên các website, mạng xã hội về việc sẽ cam kết với khách hàng là sẽ được học ở các trường tốp đầu, bằng cấp được công nhận toàn cầu, học bổng cao và không cần chứng minh thu nhập… để thu hút phụ huynh, học sinh. Sau khi tư vấn dịch vụ, ký hợp đồng, thu tiền, các đối tượng sẽ cao chạy xa bay hoặc hứa hẹn nhiều lần, đòi thêm tiền để hoàn thiện thủ tục.
Nhiều trung tâm quảng cáo với khách hàng là chắc chắn đỗ vào trường hay có visa dễ dàng. Đây là những quảng cáo không đúng thực tế vì có được theo học tại trường hay không là quyết định của hội đồng tuyển sinh của trường đó.
Việc cấp visa là quyền của cơ quan ngoại giao. Các trung tâm không liên quan gì đến các hoạt động này. Với các loại học bổng như các trung tâm hay quảng cáo, người có nhu cầu đi du học cần hết sức chú ý. Hầu hết các trường ở nước ngoài chỉ trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc và các thông tin này sẽ được thông báo công khai.
Cơ quan công an khuyến cáo nếu có dự định du học qua các công ty, trung tâm tư vấn dịch vụ, khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ giấy phép, độ uy tín của các cơ sở.
Không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng, chuyển tiền một cách nhanh chóng mà cần xem xét kỹ, nhất là các điều khoản trong hợp đồng.
Không ít trường hợp các trung tâm kém chất lượng đã đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi, thậm chí miễn trừ trách nhiệm của họ khi xảy ra sự cố đối với khách hàng./.