Gia Lai: Chặn đứng nạn trồng và buôn bán cây gây nghiện

Từ việc bắt quả tang hai đối tượng mua bán 2kg cần sa khô, cơ quan chức năng địa phương phát hiện một vùng“chuyên canh” cây cần sa rộng hơn 6.500 m vuông, thu giữ khoảng 3 tấn cần sa tươi.  

Thời gian gần đây, ở khu vực Tây Nguyên, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển và trồng cây cần sa trái phép, trong đó xã Ia Le, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai là một điểm nóng.  Từ việc bắt quả tang hai đối tượng mua bán 2kg cần sa khô, cơ quan chức năng địa phương phát hiện một vùng“chuyên canh” cây cần sa rộng hơn 6.500 m vuông, thu giữ khoảng 3 tấn cần sa tươi. Cùng với việc xử lý các đối tượng vi phạm, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của cây cần sa và quyết tâm triệt phá loại cây gây nghiện này.

Xã Ia Le, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cách thành phố Pleiku hơn 100 km, tiếp giáp với vùng rừng núi của huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắc Lắc, có quốc lộ 14 đi qua. Lợi dụng địa bàn hiểm trở, dân trí thấp, một số đối tượng trồng cây cần sa trên nương rẫy trong một thời gian dài mà không ai hay biết. Một số bà con di dân tự do vào đây, mua đất không ai biết, và trồng cây gì cũng không ai biết. Cây được trồng lén lút, xen với cây sắn, cây tiêu và nhiều loại cây khác.

Anh Trần Quốc Phận, nông dân ở thôn Phú An, xã Ia Le, cho biết: Nhiều người dân ở đây đã thấy loại cây này lâu rồi, nhưng hỏi thì họ nói là cây thuốc nam, mà nông dân ở đây không biết đó là cây cần sa. Khi phát hiện được thì tôi mới biết là cây cần sa, thuộc loại cây gây nghiện. Tôi đề nghị là phải có biện pháp ngăn ngừa và dứt khoát triệt phá.

Vụ việc được phát giác từ đầu tháng 9 vừa qua, khi Công an huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an xã Ia Le bắt quả tang Nguyễn Thị Bích, thường trú xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh đang mua 2kg cần sa khô của Vũ Văn Chương, trú ở thôn Phú Bình xã Ia Le, với giá 1 triệu 700 nghìn đồng/kg. Trong lúc các trinh sát truy đuổi Chương tại rẫy thì anh trai của Chương là Vũ Văn Đức dùng 35 triệu đồng tiền mặt và 4 cây vàng để mua chuộc những người thi hành công vụ, nhưng bị lực lượng lập biên bản về hành vi đưa hối lộ, đồng thời tạm giữ Đức và Bích cùng các tang vật, gồm môtô, điện thoại di động và 14 triệu đồng. Qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện tại rẫy của Vũ Văn Chương ở xã Ia Le trồng gần 5.000 mét vuông cây cần sa, thu gom được gần 3 tấn cây cần sa tươi. Tại rẫy của Vũ Văn Đức, cũng thu gom  khoảng 500 kg cần sa tươi.

Việc điều tra, rà soát cây cần sa tiếp tục được mở rộng trên địa bàn xã Ia Le. Chỉ vài ngày sau, cơ quan công an phát hiện thêm 1.000 m2 trồng cần sa, trên đất rừng thuộc tiểu khu 1127, lâm phần do xã Ia Le quản lý, tiêu hủy khoảng 1 tấn cây cần sa gần 1 năm tuổi. Ông Vũ Văn Long, Phó Công an xã Ia Le, cho biết:

“Bọn chúng đã lợi dụng vùng trồng ngô để trồng cây cần sa, tức là mang cây cần sa trồng giữa vùng trồng ngô. Vì thế việc phát hiện cây cần sa cũng khó đối với các cơ quan chức năng. Tác hại của nó là nguy hiểm nên chúng tôi phải tập trung công tác tuyên truyền để dân hiểu được sự nguy hiểm của các đối tượng trồng cây gây nghiện. Cách tuyên truyền của chúng tôi là mang cây cần sa xuống cho người dân thấy để khi họ phát hiện và báo cho chính quyền địa phương để triệt phá loại cây gây tác hại này.”

Được tuyên truyền và nâng cao cảnh giác, mới đây, một số người dân địa phương phát hiện khu vực trồng cây cần sa trên diện tích khoảng một nghìn rưỡi mét vuông ở núi Chư Tung, kịp thời báo cho chính quyền và ngành chức năng tổ chức tiêu hủy. Các vụ việc liên tục được phát hiện, khẳng định việc trồng, tiêu thụ cây cần sa ở Chư Sê là rất đáng lo ngại. Cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc để góp phần phát hiện, ngăn chặn loại cây gây nghiện này. Bà Nguyễn Thị Mầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho biết từ khi bắt được vụ trồng cây cần sa. Chị em tập trung tuyên truyền sâu rộng, nhất là đến với vùng dân tộc thiểu số, vùng ít người, vắng người.

Theo Thượng tá Phan Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có khả năng cây cần sa trồng ở Ia Le được thu hoạch và bán ra thị trường khoảng 1 năm. Hệ thống tưới công nghiệp và nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng thu được tại rẫy cho thấy anh em Vũ Văn Đức và Vũ Văn Chương đang có âm mưu phát triển cây cần sa lên quy mô lớn.

Ngoài huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Nông, tỉnh Lâm Đồng, cũng liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, tàng trữ và trồng cây cần sa với số lượng lớn. Điều đó cho thấy, khu vực Tây Nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát việc trồng và sản xuất cây gây nghiện. Trong tình hình này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng,  công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, để mỗi người dân đều biết rõ về hình thái, tác hại cây cần sa, cách nhận biết sớm khu vực trồng loại cây này, nhằm kịp thời loại bỏ nó khỏi cộng đồng./.

 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên