Gia tăng số vụ án chống người thi hành công vụ

Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 364 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010.

Bộ Công an cho biết, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự giảm, nhưng những vụ án có tính chất nghiêm trọng, đối tượng phạm tội sử dụng súng, vũ khí, công cụ hỗ trợ chống lại lực lượng chức năng và người dân lại tăng. Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 364 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010.

Đáng chú ý, nhiều vụ việc có tính chất công khai, trắng trợn hơn trước. Chỉ trong 6 tháng đầu qua, cả nước xảy ra 196 vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó riêng Hà Nội đã xảy ra 32 vụ phạm tội sử dụng “vũ khí nóng”.

Dư luận xã hội đã nhiều lần bức xúc với tình trạng lực lượng cảnh sát giao thông liên tục bị người vi phạm Luật Giao thông chống lại bằng nhiều hình thức, có lái xe còn cố tình chạy ngoằn ngoèo qua nhiều cây số trong khi cảnh sát giao thông vẫn còn bám trên nắp capo.

Gần đây, một đối tượng liều lĩnh đâm xe ô tô vào cảnh sát hình sự Công an quận Hai Bà Trưng. Hành vi côn đồ của các đối tượng tham gia vụ án này thể hiện sự coi thường luật pháp và những dấu hiệu xấu trong ý thức của một bộ phận thanh niên.

Một CSGT làm nhiệm vụ trên đường Láng Hạ (Hà Nội) bị người vi phạm lái xe đâm thẳng vào người và hất lên nắp capo - Ảnh: otofun

Trao đổi với phóng viên VOV, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, các vụ chống người thi hành công vụ chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính.

Đại biểu Trần Hồng Hà, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng: “Hệ thống thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn đến tình trang hiện nay một số lĩnh vực vi phạm còn tương đối phổ biến. Khi đã truy tố hành vi chống người thi hành công vụ thì phải xử lý nghiêm, không để tái diễn hành vi này”.

Tại TP HCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, thậm chí lực lượng chức năng đã nổ súng cảnh cáo nhưng vẫn bị đối tượng phạm tội tấn công. Tính từ năm 1998 đến nay đã có gần 90 cán bộ cảnh sát hy sinh, trên 1.000 cán bộ chiến sĩ bị thương và lây nhiễm HIV do tội phạm tấn công.

Nguyên nhân là do quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung vẫn còn chưa đầy đủ, chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, hạn chế khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.

Đại biểu Vũ Chí Thực, đoàn Quảng Ninh cho rằng: Việc ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tạo cơ sở pháp lý, nâng cao khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.

Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Pháp lệnh quy định các trường hợp được phép và không được phép nổ súng. Theo đó, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc được phép nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, đoàn Thái Bình phân tích: Trong khi thực hiện nhiệm vụ có sử dụng công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật để phòng chống tội phạm thì phải tuân theo quy định của luật pháp.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến: “Theo tôi khi lực lượng vũ trang đối mặt với tội phạm có sử dụng vũ khí nóng thì tất nhiên phải sử dụng nhưng không được vượt quá giới hạn trong quy định của luật pháp. Nếu sử dụng vượt quá sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của công dân, dẫn đến thi hành luật pháp không nghiêm, đòi hỏi của cơ quan tổ chức lẫn người được giao nhiệm vụ cũng phải thi hành nghiêm ngặt quy định này. Cũng cần có quy định tuyên truyền cho người dân biết được quyền hạn của người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, tránh để lại hậu quả xấu cỏ thể xảy ra. Đấu tranh tội phạm trong tình hình mới hiện nay không được vượt quá giới hạn quy định của luật”.

Từ nay đến cuối năm, lực lượng công an sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Công an các địa phương trong điều tra, xử lý tội phạm, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác phối hợp; chấn chỉnh việc thực hiện các quy trình công tác, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát toàn quốc cũng sẽ tăng cường toàn diện các mặt công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án nghiêm trọng, tội phạm do nguyên nhân xã hội, chống người thi hành công vụ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên