Mua bán trái phép hoá đơn bị xử lý trách nhiệm hình sự thế nào?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như “tiếp sức” cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, buôn lậu, lừa đảo..
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua, bán hóa đơn (công bố danh sách các doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn, sử dụng hóa đơn điện tử, rà soát các hóa đơn không hợp pháp.v.v… ). Thực trạng này là do nhu cầu mua hóa đơn “khống”, bất hợp pháp. Có cầu thì tất yếu sẽ có cung.
Thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm ngành Thuế chuyển đổi hình thức quản lý từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn tại các tỉnh, thành trên cả nước có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức.
Theo các chuyên gia, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như “tiếp sức” cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham nhũng.v.v.. , ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự quản lý kinh tế.
Tháng 1/2024, Công an Quận 10, TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn do Nguyễn Xuân Vinh (SN 1978, cư trú tại phường 13, quận 10) cầm đầu, với với tổng trị giá ghi khống hơn 1.200 tỉ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.
Trước đó, ngày 23/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự: “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước, đề nghị truy tố 22 bị can. Đường dây này do bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cầm đầu, chỉ đạo các bị can khác thực hiện mua bán khống 34.000 hóa đơn trị giá hơn 4.000 tỷ đồng. Hay vụ án do Nguyễn Minh Tú (SN 1992, trú tại phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu, với hành vi mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng có giá trị gần 64.000 tỷ đồng đã được Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử tháng 12/2023.
Gần đây nhất vụ án của vợ chồng Trương Xuân Đước với 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41 tỉ đồng vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử vào tháng 4/2024.v.v… Trong vụ án này, bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên mức án 24 tháng tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm tù về tội đưa hối lộ. Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) bị tuyên phạt mức án 4 năm 6 tháng tù cùng về hai tội danh trên.
Qua những vụ án này có thể thấy các hành vi mua, bán hóa đơn vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí việc chào bán hóa đơn còn diễn ra khá công khai.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, các hành vi mua, bán hóa đơn cũng có thể coi là một dạng của hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn”. Và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì những hành vi mua, bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, theo luật sư Hùng, hành vi “cho, bán hóa đơn” sẽ bị xử phạt tiền từ 15 triệu đến 50 triệu đồng, và biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc hủy hóa đơn và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, hành vi mua bán hóa đơn cũng có thể là hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn” và sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Nếu hành vi này “để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế, với mức phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần số thuế trốn, cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước và buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Về chế tài hình sự, luật sư Hùng phân tích, hành vi mua, bán hóa đơn “ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” (Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng nếu thuộc trường hợp “gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.”, hoặc “được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm” (được quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đồng thời, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
"Nếu hành vi mua, bán hóa đơn để trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc “dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản"- luật sư Hùng phân tích.
Đối với pháp nhân thương mại phạm “tội trốn thuế”, theo luật sư Hùng sẽ bị bị phạt tiền từ 300 triệu đến 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích thêm, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua, bán hóa đơn (công bố danh sách các doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn, sử dụng hóa đơn điện tử, rà soát các hóa đơn không hợp pháp.v.v… ). Thực trạng này là do nhu cầu mua hóa đơn “khống”, bất hợp pháp vẫn đang rất lớn và có cầu thì tất yếu sẽ có cung. Để khắc phục được tình trạng này, theo luật sư Hùng cơ quan thuế phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Trong đó, cần chú trọng đến các giải pháp công nghệ như: Nâng cấp, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, có sự kết nối dữ liệu, thông tin với các ngành, lĩnh vực có liên quan (lao động, bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu, ghi vấn sai phạm, để cảnh báo rủi ro; cũng như có các biện pháp quản lý và giám sát, thực hiện các hoạt động hậu kiểm phù hợp đối với việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nhằm hạn chế và loại bỏ các doanh nghiệp “ma”.