Công nghiệp giảm sâu: Cách nào thúc tăng trưởng?

VOV.VN - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu thực trạng và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo.

Quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm, khi sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tìm hiểu giải pháp thúc đẩy sản xuất, cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo.

PV: Thưa ông, một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao ảnh hưởng ra sao tới phát triển chung của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Việc công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm trong quý 1/2023 kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế vừa rồi là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần khẩn trương có những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tình hình tăng trưởng. Nếu không có những giải pháp trong thời gian sớm nhất, chắc chắn chúng ta sẽ khó có thể đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra trong năm nay.

PV: Cục Công nghiệp nhìn nhận đâu là khó khăn nổi cộm và lớn nhất trong hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Có thể thấy rõ cả các khó khăn từ bên trong và cả những khó khăn từ bên ngoài. Các khó khăn từ bên ngoài như tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là căng thẳng giữa các quốc gia lớn; Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia lớn dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời kỳ Zero-Covid mang lại nhiều cơ hội phục hồi chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất trong nước, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày của Việt Nam.

Khó khăn trong nước đến từ sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Chẳng hạn như ngành dệt may, hiện nay một số công ty sản xuất gia công xuất khẩu chỉ đạt được khoảng độ 80% đơn hàng chỉ trong tháng 4.

Việc tiếp cận và sử dụng vốn của DN cũng được dự báo vẫn sẽ còn rất khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu, lao động… vẫn ở mức cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt là các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông; đồng thời, thị trường bất động sản suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

PV: Để đạt tăng trưởng khoảng 8-9% trong năm 2023 như mục tiêu ngành Công Thương đã đặt ra hồi đầu năm, theo ông cần giải pháp trọng tâm nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Đối với các giải pháp chung cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp địa phương thông qua các chương trình phát triển công nghiệp địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng, DN bám sát tình hình mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau giai đoạn chính sách Zero-Covid; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa – trong đó đặc biệt là các hàng hóa nguyên phụ liệu, linh phụ kiện để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước trong các ngành sản xuất.

Đối với một số ngành công nghiệp cụ thể như ngành khoáng sản, Bộ Công Thương sẽ tham mưu để Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.

Đối với ngành thép và ngành cơ khí, cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

Đối với ngành ô tô, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da – giày, điện tử…) tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung – cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Kịp thời trao đổi, phổ biến cho các DN về tình hình thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, chủ lực của các ngành hàng xuất khẩu.

Cục Công nghiệp đặc biệt khuyến cáo đối với các dệt may, da giày khi các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu chất lượng và tiến độ. Do đó, các DN phải tìm kiếm đầu tư một cách bài bản về công nghệ cũng như là về con người để đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra. Cục cũng tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các DN, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sản xuất công nghiệp 2023, chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất
Sản xuất công nghiệp 2023, chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất

VOV.VN - Công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1% trong năm 2022. Song, trước những tác động không thuận từ thị trường thế giới, cần chủ động nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro.

Sản xuất công nghiệp 2023, chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất

Sản xuất công nghiệp 2023, chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất

VOV.VN - Công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1% trong năm 2022. Song, trước những tác động không thuận từ thị trường thế giới, cần chủ động nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro.

TP.HCM từng bước gỡ rào cản để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất
TP.HCM từng bước gỡ rào cản để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất

VOV.VN - Để đón dòng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19, thời gian qua, TP.HCM tăng cường nâng cao nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

TP.HCM từng bước gỡ rào cản để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất

TP.HCM từng bước gỡ rào cản để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất

VOV.VN - Để đón dòng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19, thời gian qua, TP.HCM tăng cường nâng cao nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững
TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

VOV.VN - Sáng nay (27/10), Ủy ban nhân dân TP.HCM tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

VOV.VN - Sáng nay (27/10), Ủy ban nhân dân TP.HCM tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.