Ngày 3/10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản số 2867/BTTTT-CBC gửi Bộ Công an thông báo kết quả xử lý vi phạm đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam của Báo Thanh niên. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quán triệt, lưu ý, rút kinh nghiệm chung tới tất cả các cơ quan báo chí, tránh để lặp lại vụ việc tương tự.
Cảnh sát giao thông kiếm tra giấy tờ của lái xe (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 2/10/2014, báo Thanh niên đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông việc xử lý đối với sai phạm của phóng viên Nguyễn Hoài Nam (báo Thanh niên) khi thực hiện đề tài “nạn bảo kê đường của cảnh sát trật tự - cơ động”. Theo đó, Báo đã phê bình nghiêm khắc phóng viên Nguyễn Hoài Nam; không phân công phóng viên này viết về công tác nội chính, điều tra các vấn đề tiêu cực trong cơ quan công quyền và các vấn đề tham nhũng. Đồng thời, Ban Biên tập báo Thanh niên đã tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc về những sai sót nghiệp vụ và sự buông lỏng trong quản lý phóng viên.
Ngày 8/9/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được Công văn số 2982/BCA-CATP.HCM của Bộ Công an kiến nghị có hình thức xử lý đối với sai phạm của phóng viên Nguyễn Hoài Nam (báo Thanh niên) khi thực hiện đề tài “nạn bảo kê đường của cảnh sát trật tự - cơ động” thời điểm tháng 11/2012; kiểm điểm Ban biên tập báo Thanh niên và có biện pháp rút kinh nghiệm trong toàn ngành, chấn chỉnh hoạt động báo chí.
Sau khi nhận được văn bản của Bộ Công an, ngày 29/9/2014, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (cơ quan chủ quản của báo Thanh niên), Tổng Biên tập báo Thanh niên và phóng viên Nguyễn Hoài Nam.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã báo cáo về vụ việc của phóng viên Nguyễn Hoài Nam, khẳng định động cơ viết bài của phóng viên Nguyễn Hoài Nam là trong sáng, không vụ lợi, có tác động xã hội tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Hoài Nam đã có sai sót, thu thập thông tin phục vụ cho việc thực hiện đề tài nhưng không báo cáo đầy đủ với Ban biên tập và vượt quá quyền, nghĩa vụ quy định cho phóng viên. Ban biên tập Báo Thanh niên xin rút kinh nghiệm trong việc quản lý phóng viên và cân nhắc, cẩn trọng trong việc xét duyệt đối với các đề tài, vụ việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp.
Qua xem xét, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng loạt bài điều tra của phóng viên Nguyễn Hoài Nam đăng trên báo Thanh niên với động cơ, mục đích là chống tiêu cực. Tuy nhiên, phóng viên đã sai sót trong quá trình tác nghiệp, có hành vi thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác. Xét tác động của truyền thông đối với vụ việc có thể ảnh hưởng và làm mất đi ý nghĩa của công tác chống tham nhũng nên cơ quan điều tra đã không xử lý hình sự đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam, song với trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Ban biên tập báo Thanh niên tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam theo thẩm quyền (phóng viên Nguyễn Hoài Nam chưa được cấp Thẻ Nhà báo); Đồng thời, Ban biên tập báo Thanh niên kiểm điểm, rút kinh nghiệm về quy trình kiểm duyệt, quản lý phóng viên; đồng thời thường xuyên trao đổi nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho phóng viên của báo./.