Không tố giác hành vi bạo hành trẻ em: Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
VOV.VN - Bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em là những hành vi đáng lên án. Mái ấm gia đình phải là nơi bình yên nhất thì đôi khi lại là nỗi kinh hoàng đối với nhiều người.
Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống. Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng, thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi với sự nuối tiếc, căm phẫn của người thân, gia đình và cả xã hội.
Ngày 22/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Lương Văn Luận (SN 1985, trú xã Đông Thái, huyện An Biên) về hành vi ngược đãi, hành hạ con ruột. Nạn nhân là cháu L.H.T. (SN 2016), con ruột của Luận.
Ngày 25/7/2022, Công an huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà nội và cha ruột trong vụ cháu T.N.A. (9 tuổi) bị bạo hành để điều tra về "Tội cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Tháng 8/2022, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố, bắt giữ Nguyễn Trường Giang (26 tuổi), trú tại thôn 8, xã Chính Lý, Lý Nhân, để điều tra, làm rõ về hành vi "Giết người". Nạn nhân trong sự việc là bé N.H.Đ (3 tuổi, cháu nội chủ nhà Giang thuê để mở quán trà sữa) bị đánh, nhét vào tủ đông.
Tháng 1 vừa qua, dư luận xã hội lại nóng lên trước lá đơn kêu cứu của người phụ nữ tên V.T.T.L (SN 1992) khi các con chị, cùng các thành viên trong gia đình bị người chồng cũ là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987) hành hung, đe dọa. Nạn nhân là cháu T.B (11 tuổi) con trai của Vinh.
Luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin cho biết: Quyền sống của trẻ em được quy định rất rõ tại Luật trẻ em năm 2016. Điều 12 của luật này quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.”
Vì vậy, khi có hành vi đánh đập, bạo lực ngược đãi trẻ em thì sẽ bị pháp luật xử lý. Tùy theo mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi gây ra, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp cha, mẹ, ông, bà, người thân trong gia đình có hành vi hành hạ, ngược đãi, bạo lực trẻ em sẽ bị xử phạt xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 52, 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Có hành vi đánh đập gây thương tích, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm: Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
- Nghị định 130/2021/NĐ-CP cũng quy định nhiêu mức phạt cụ thể khác như:
Điều 22 Nghị định này quy định Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Điều 23 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Ngoài ra, tùy theo hành vi, mức độ, hậu quả mà người có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người hoặc tội giết người.
Trường hợp có người chứng kiến hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em nhưng không tố cáo và hành vi đó đã gây hậu quả nghiêm trọng thì người không tố cáo có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Luật sư Đinh Thị Chúc cho biết: Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 130/2021/NĐ-CP xử phạt hành vi vi phạm quy định về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, bỏ rơi và có nguy cơ bị xâm hại khác như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
Không thông báo cho nơi tiếp nhận thông tin về hành vi xâm hại trẻ em;
Ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
Không cung cấp thông tin và phối hợp để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
Không bảo mật thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không thực hiện đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
Từ chối, không thực hiện việc hỗ trợ, can thiệp, chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài ra nếu hành vi bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng thì hành vi bao che bạo hành trẻ em của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội che dấu tội phạm hoặc Tội không tố giác tội phạm, khi đó tuỳ theo tính chất hành vi vi phạm, mức độ, hậu quả mà sẽ có những hình phạt thích đáng./.