Mất tiền vì cuộc gọi video call lừa đảo tinh vi
VOV.VN - Dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy các cuộc gọi lừa đảo qua video call trên Facebook, Zalo…
Bên cạnh chiêu trò “con đang cấp cứu”, “người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu” yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, từ đó chiếm đoạt tài sản; hay cuộc gọi thông báo đã trúng thưởng hoặc đang có bưu phẩm gửi từ nước ngoài về… Những kẻ lừa đảo đã không ngừng cập nhật, sáng tạo những chiêu thức mới.
Chị N.C.T. Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, nhận được tin nhắn messenger của một người bạn nhờ vay tiền. Người này còn gọi điện video call cho chị T. để xác nhận, nhưng cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây sau đó tắt phụt với lý do mạng kém.
Nghĩ rằng, mình đã gọi điện cho chính chủ, chị T. đã chuyển tiền theo thông tin mà người bạn đã gửi qua messenger. Đến tối về thấy tài khoản mạng xã hội của bạn mình có đăng thông tin đã bị kẻ gian hack facebook, gọi điện lại cho bạn, chị H. mới biết mình bị lừa.
Trường hợp của chị T chỉ là một trong số nhiều vụ lừa đảo được ghi nhận. Theo các chuyên gia công nghệ, ngay cả cuộc gọi video thấy mặt cũng chưa chắc đã là “chính chủ”. Với công nghệ Deepfake, những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng thực hiện cuộc gọi video với hình ảnh và giọng nói không khác gì “chính chủ”, khiến người nhận dễ sập bẫy.
Khi tài khoản Facebook của một người dùng bị hack, bạn bè của người này thường sẽ nhận được tin nhắn vay tiền. Các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng Deepfake để thực hiện cuộc gọi video với chính hình ảnh và giọng nói của người dùng thật để xác tín với những người nhận cuộc gọi.
Với cách gọi video call mạo danh trước đây, kẻ lừa đảo dùng một bức hình chân dung khuôn mặt chủ tài khoản Facebook bị hack để đưa lên camera điện thoại một vài giây. Tuy nhiên, với công nghệ deepfake, những kẻ lừa đảo có thể tạo hẳn một đoạn video với đầy đủ hình ảnh chuyển động khuôn mặt và miệng, kèm giọng nói rất giống “khổ chủ”, tạo cảm giác “chính chủ” đang gọi điện.
Theo ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc cấp cao về AI (CAIO), Công ty an ninh mạng thông minh SCS, Hiện tại, công nghệ deepfake vẫn còn nhiều vấn đề về chất lượng của video, như: chất lượng không tốt, không tự nhiên, âm thanh cũng không thực sự giống với người bị giả dạng...
Do đó, người dùng khi gặp những video call có chất lượng bất thường cần bình tĩnh xác thực thông tin để tránh sập bẫy kẻ gian với các câu hỏi ngược lại, như: những thông tin riêng, mối liên hệ gia đình... để xem có đúng là người thân hay không. Nếu có thực hiện việc chuyển tiền cũng cần phải kiểm tra thông tin tài khoản. Hoặc đơn giản có thể thực hiện cuộc gọi qua số điện thoại bình thường để xác minh.
Cách nhận biết cuộc gọi video lừa đảo
1. Thời gian cuộc gọi ngắn
Một đặc điểm cực kì nổi bật để nhận biết các cuộc gọi video lừa đảo đó là những cuộc gọi này đều có thời lượng cực kỳ ngắn chỉ từ vài giây và không đến 1 phút.
2. Chất lượng cuộc gọi thấp
Khi một cuộc gọi video được thực hiện thì chất lượng của cuộc gọi sẽ cực kỳ thấp, người nhận có thể dễ dàng thấy được các chi tiết hình ảnh bị mờ, bị vỡ nét. Ngoài ra chất lượng âm thanh cũng sẽ rất thấp, âm thanh bị rè hoặc có tiếng ồn xung quanh.
3. Âm thanh với hình ảnh không đồng nhất
Vì là một cuộc gọi deepfake nên khi thực hiện cuộc gọi có thể phần tiếng và phần hình của cuộc trò chuyện sẽ không đồng nhất với nhau. Có thể là tiếng đi trước hình hoặc hình đi trước tiếng nhưng chắc chắn rằng chúng sẽ không khớp với nhau.
4. Khuôn mặt khi video call bị "đơ"
Những cuộc gọi lừa đảo thì khuôn mặt của người gọi sẽ cực kỳ giả tạo, khuôn mặt có phần bị đơ khi nói chuyện và có thể trông rất lúng túng. Thậm chí màu da và màu nền cuộc cuộc gọi không đồng bộ với nhau cũng là một trong những yếu tố để biết được đây là cuộc gọi lừa đảo.
5. Ngắt máy sớm do chất lượng mạng thấp
Sau khi thực hiện cuộc gọi được một lát thì bạn sẽ nhận được thông báo rằng tín hiệu yếu và không thể tiếp tục được cuộc gọi cũng là một yếu tố mà người nhận cần lưu ý để xem xét nó là cuộc gọi lừa đảo.